Môi trường

Hà Nội: Chất lượng không khí ở mức không tốt cho những người nhạy cảm với thời tiết

Phúc Ân 28/07/2025 09:47

(CLO) Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 8h30 sáng 28/7/2025, chất lượng không khí tại Hà Nội đạt chỉ số AQI là 138 – mức màu cam, được đánh giá là “không tốt cho nhóm nhạy cảm”. Thủ đô hiện xếp thứ 8 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Cụ thể, trạm quan trắc tại phường Phú Thượng ghi nhận chỉ số AQI cao nhất – 158, thuộc mức màu đỏ, tương đương “không lành mạnh”. Trong khi đó, trạm tại phường Thanh Xuân ghi nhận chỉ số AQI ở mức 96, được xếp loại “trung bình” với màu vàng.

Theo các chuyên gia, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thể dao động tùy theo thời điểm, chịu ảnh hưởng bởi mật độ giao thông, hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong giờ cao điểm.

z6847919286653_ae51bcb3ba6ab9da6cfb1f8815ac1ed9.jpg
Phường Phú Thượng ghi nhận chỉ số AQI cao nhất – 158, thuộc mức màu đỏ. Ảnh chụp màn hình

Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế – Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo dành riêng cho người dân, đặc biệt là các nhóm nhạy cảm như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền hô hấp, tim mạch.

Trong đó, khi chất lượng không khí ở mức kém (AQI từ 101 – 150), đối với người bình thường cần giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là đối với những người có triệu chứng đau mắt, ho, đau họng. Bên cạnh đó, hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao (như đường phố, các điểm giao cắt giao thông, các công trình xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu vực ô nhiễm khác).

Đối với học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoài trời tuy nhiên hạn chế các hoạt động tập thể dục hoặc vận động cần gắng sức trong thời gian dài.

Đối với những người nhạy cảm, hạn chế hoạt động ngoài trời và các hoạt động vận động cần gắng sức. Bên cạnh đó, tăng thời gian nghỉ ngơi và hoạt động nhẹ nhàng. Đồng thời, giảm hoặc ngừng vận động ngay khi nhận thấy xuất hiện các triệu chứng như ho, tức ngực hoặc thở khò khè. Cần vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý sáng và tối, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt trước khi đi ngủ.

z6847919361982_c40499498b6fb2679aa040c2a06bceeb.jpg
Thủ đô Hà Nội hiện xếp thứ 8 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình

Khi chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151 – 200), đối với người bình thường cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.

Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.

Cần vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

z6847919461842_b17115f001d79e61b56fb9ab30c49352.jpg
Hà Nội ở mức không tốt với nhóm nhạy cảm. Ảnh minh họa

Đối với những người nhạy cảm, tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức. Nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Cục Môi trường khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Phúc Ân