Chủ trương 'vàng' dạy 2 buổi/ngày đứng trước nguy cơ 'vỡ trận' vì 5 nút thắt chưa gỡ
(CLO) Phía sau kỳ vọng về một môi trường học tập toàn diện, chính sách nhân văn là những bài toán chưa có lời giải: Làm sao để dạy 2 buổi/ngày không trở thành gánh nặng cho thầy cô, học sinh và cả phụ huynh?
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2025-2026, các trường phổ thông trên cả nước sẽ từng bước triển khai dạy 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không phải là mới, nhưng việc triển khai đồng loạt từ năm học 2025-2026 trên cả ba cấp học (tiểu học, THCS, THPT) theo Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em, học sinh" và Thông báo 177-TB/VPTW năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học cho thấy quyết tâm lớn.

Mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đức - trí - thể - mỹ), tăng cường thực hành, kỹ năng sống, giáo dục STEM, định hướng nghề nghiệp, phát triển năng lực tiếng Anh, năng lực số, AI và năng khiếu cá nhân.
Điều đáng chú ý, Thông báo 177-TB/VPTW năm 2025 đã thống nhất chủ trương rằng việc dạy học 2 buổi/ngày tại tiểu học và THCS sẽ "bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh", kết hợp đầu tư của Nhà nước là chính với khuyến khích xã hội hóa. Đây là một điểm mấu chốt, nhưng cũng đặt ra bài toán khó về nguồn lực.
Trước thềm năm học mới, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang khẩn trương ban hành hướng dẫn chi tiết, thì từ góc độ người trong cuộc, cô Vũ Thu Hương một giáo viên THPT tại Bắc Ninh đã chỉ ra 5 vấn đề cốt lõi cần được giải quyết nếu muốn "2 buổi/ngày" thực sự hiệu quả.

5 "nút thắt" cần gỡ để "2 buổi/ngày" không thành gánh nặng
1. Số tiết "cứng" và "mềm": Cần quy định rõ ràng, chi tiết
Hiện nay, chương trình GDPT 2018 đã có quy định số tiết "cứng" cho từng cấp học (ví dụ: Tiểu học từ 25-30 tiết/tuần, THCS từ 29-29,5 tiết/tuần, THPT 28,5 tiết/tuần).
Tuy nhiên, khi chuyển sang dạy 2 buổi/ngày, việc phân bổ nội dung buổi 1 (chương trình chính khóa) và buổi 2 (hoạt động củng cố, thực hành, trải nghiệm, kỹ năng sống, văn hóa, nghệ thuật, STEM, AI...) cần được quy định cực kỳ rõ ràng, chi tiết.
"Đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện dạy 2 buổi/ngày", cô Hương nhấn mạnh để tránh tình trạng "giãn" buổi 1 ra 2 buổi mà không bổ sung đúng mục tiêu giáo dục toàn diện.
2. Giới hạn số tiết/ngày/tuần: Tránh quá tải cho giáo viên và học sinh
Bên cạnh số tiết tổng thể, việc quy định số tiết tối đa mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm là vô cùng cần thiết để tránh tình trạng "mỗi nơi một kiểu", gây quá tải cho cả người dạy lẫn người học.
Đề xuất được đưa ra là thống nhất cả 3 cấp học: mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tuần không quá 5 ngày (tối đa 10 buổi) và phương án tối ưu là học từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ cuối tuần. Điều này giúp đảm bảo thời gian nghỉ ngơi và tự học cho học sinh, cũng như giảm áp lực cho giáo viên.

3. Ngân sách "buổi 2": Ai chi trả, mức nào là đủ?
Buổi 2 dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động phong phú, từ củng cố kiến thức đến giáo dục văn hóa, nghệ thuật, thể chất, kỹ năng sống, ứng dụng AI...
Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác, huy động nghệ nhân, chuyên gia, nghệ sĩ, vận động viên tham gia giảng dạy sẽ đòi hỏi một nguồn kinh phí không hề nhỏ.
Vấn đề mấu chốt là nguồn kinh phí này sẽ được đảm bảo từ ngân sách nhà nước như thế nào? Có được phép huy động, vận động, hay đóng góp từ phụ huynh hay không cũng cần được làm rõ ngay từ đầu. Nếu không có quy định minh bạch, rõ ràng, rất dễ tái diễn tình trạng lạm thu, khiến "buổi 2" trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình.
4. Sáp nhập trường, tuyển đủ giáo viên: Điều kiện tiên quyết
Để dạy 2 buổi/ngày, mỗi lớp cần có một phòng học riêng – điều mà nhiều nơi hiện chưa đáp ứng được. Đề xuất tận dụng các trụ sở sau sáp nhập tỉnh, xã, phường để làm cơ sở vật chất cho trường học là một hướng đi đáng cân nhắc.

Hơn thế, vấn đề thiếu giáo viên vẫn là "bài toán nan giải". Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT cần khẩn trương rà soát, đôn đốc tuyển dụng đủ biên chế. Song song đó, việc sắp xếp lại mạng lưới trường học, sáp nhập các cơ sở giáo dục nhỏ lẻ hoặc gần nhau để tinh gọn và ổn định nhân sự cũng là một giải pháp cấp bách.
Nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" cần được đảm bảo tuyệt đối.
5. Minh bạch tài chính: "buổi 2" không phải là "dạy thêm trá hình"
Với quy định mới tại Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ không được thu tiền của học sinh, và kinh phí sẽ lấy từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn hợp pháp khác.
Điều này đặt ra yêu cầu cao về sự minh bạch tài chính cho "buổi 2". Cần làm rõ cụ thể kinh phí chi trả cho giáo viên dạy vượt định mức, chi cho thỉnh giảng, hợp đồng với nghệ sĩ, diễn viên… để thực hiện các hoạt động giáo dục buổi 2.

Nếu không có quy định chặt chẽ, việc huy động tài chính dễ dẫn đến những "kẽ hở" và tình trạng lạm thu, biến mục tiêu tốt đẹp của "buổi 2" thành gánh nặng mới cho phụ huynh.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một bước tiến quan trọng hướng tới giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả tối đa, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quy định rõ ràng và minh bạch từ các cơ quan quản lý, tránh những "vết xe đổ" của các chính sách giáo dục trước đây.