bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 1
bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 2
Bài liên quan

Hơn một năm qua, “Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất tại vùng non nước Cao Bằng. Nhà nhà, người người Cao Bằng sống trong niềm háo hức đón chờ ngày tuyến Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được khánh thành. Phải là người từng sống ở miền đất với vô số những con đèo dốc quanh co, xoáy trôn ốc, những khúc cua tay áo “thót tim” mới có thể thấu hiểu hết sự háo hức ấy, thấu hiểu hết sự mừng vui của Đảng bộ, người dân Cao Bằng khi ngày 1/1/2024, tuyến cao tốc - khát vọng từ bao lâu nay của họ - chính thức được khởi công xây dựng. Tuyến đường này khi đi vào hoạt động, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, mà cao hơn thế, còn phá vỡ thế ách tắc đã cô lập Cao Bằng và làm nản lòng các nhà đầu tư có ý định đóng chân ở vùng đất này bao nhiêu thập kỷ giúp Cao Bằng đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng bởi ý nghĩa quá ư lớn lao ấy, ngày 1/1/2024, Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án Đầu tư Xây dựng Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) thì ngày 27/1/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ phát động chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng cho Dự án. Chiến dịch nhằm thúc đẩy cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những vướng mắc; đảm bảo giải phóng mặt bằng đúng hoặc vượt tiến độ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.

Và thực tế, qua gần 100 ngày đêm, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của “Chiến thắng Đông Khê, Chiến dịch Biên giới năm 1950” lan toả tới Dự án - “Chiến dịch Đông Khê 2024”, Chiến dịch đã về đích ngoạn mục, thiết lập những kỷ lục mới về tiến độ, thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án.

Đến các địa phương nơi tuyến cao tốc sẽ đi qua, như huyện Quảng Hòa, gặp gỡ trò chuyện với bà con nơi đây, mới thấu hiểu được rõ hơn vì sao bà con sẵn sàng đồng thuận, tự nguyện giao nhà, giao đất để triển khai Dự án. Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường tránh thị trấn Quảng Uyên đang được thi công, đồng chí Lý Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, khi triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là làm đường giao thông luôn được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Nhiều người dân sẵn sàng bàn giao cả nhà cửa, đất đai cho đơn vị thi công mặc dù chưa nhận được tiền đền bù. Trong công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (đoạn qua huyện Quảng Hòa), theo lãnh đạo UBND huyện Quảng Hòa cho biết, thực hiện chiến dịch 100 ngày đêm, đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng sớm 100% cho nhà thầu thực hiện dự án với chiều dài 19,8 km. Nhà thầu đã triển khai chiếm lĩnh mặt bằng, thi công các đoạn km73 – 79; 79 – 82; 85 – 86. Còn trên toàn địa phận tỉnh Cao Bằng, cho tới nay, đã bàn giao mặt bằng thi công được 41,26km/41,35km đạt 99,78% chiều dài đoạn tuyến, tương ứng với diện tích khoảng 221,87 ha/260,76ha.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 3

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết với niềm xúc động: “Chiến dịch đã được triển khai thực hiện thực sự thành công, thiết lập những kỷ lục mới về tiến độ, thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án. Nhân dân trên địa bàn 2 huyện Thạch An, Quảng Hòa đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sớm để triển khai Dự án”.

“Thành công của Chiến dịch chính là minh chứng điển hình cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng thời minh chứng cho sự thành công khi ý Đảng hợp lòng dân”, đồng chí Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.

Từ tinh thần của “Chiến dịch Đông Khê 1950” đến tinh thần của “Chiến dịch Đông Khê 2024”, thấy rõ, trên đất Cao Bằng, ý Đảng lòng dân hòa chung làm một, tạo nên sức mạnh mở đường, kiến tạo không gian mới để kinh tế - xã hội phát triển bứt phá, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Và trên hết, người dân nơi “cái nôi” của cách mạng ngày thêm vững tin vào Đảng, nguyện đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của đất nước, của tỉnh nhà.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 4

Đó là thực tế đã được khẳng định tại Si Ma Cai - huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai.

Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng tôi vượt hơn 400km từ Thủ đô Hà Nội về phía Tây Bắc, đến với Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Nơi đơn vị đứng chân, có độ cao khoảng 1.800m so với mực nước biển, đồng bào dân tộc Mông chiếm 63,4% dân số, địa hình hiểm trở, chia cắt, với những dãy núi cao trùng điệp, cung đường di chuyển quanh co, gấp khúc, nhiều đoạn đường dốc dựng đứng, cảm giác như đang lên phía “cổng trời”…

Đồn Biên phòng Si Ma Cai được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 9,2 km với 2 mốc quốc giới và 1 cặp lối mở Hoá Chư Phùng (Việt Nam) - Seo Pả Chư (Trung Quốc). Tiếp chúng tôi, Trung tá Phạm Đức Hậu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Thấm nhuần tinh thần ấy, cán bộ, chiến sĩ của Đồn không quản ngại khó khăn, vất vả, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thường xuyên hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống”.

Anh Lù Văn Thắng, một người dân thôn Đội 3, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, từng là lính Biên Phòng tại Đồn A Mú Sung. Sau khi xuất ngũ, anh Thắng về quê hương làm ăn, sinh sống. Gia đình anh gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là khi ngôi nhà bị mưa gió kéo dài làm sạt lở hàng tấn đất đá vào nhà, hư hỏng nặng. Nhận được tin báo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai cùng chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình anh khắc phục hậu quả và xây dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn. “Tôi thực sự rất xúc động, không biết nói gì hơn! Người dân chúng tôi luôn biết ơn Đảng, chính quyền và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Tôi có một người con trai bị bệnh động kinh và không thể theo học được đều, các chiến sĩ Biên phòng luôn động viên, thăm hỏi và giúp đỡ cháu rất nhiều”, anh Lù Văn Thắng chia sẻ với lòng biết ơn sâu sắc.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 5

Gia đình bà Hoàng Thị Chở ở thôn Lù Dìn Sán, xã Sán Chải cũng là một minh chứng rõ nét cho tình cảm quân dân gắn bó keo sơn. Gia đình bà thuộc diện đặc biệt khó khăn ở địa phương. Con trai bà sinh năm 1986, do mắc bạo bệnh, qua đời năm 2007. Sau đó, con dâu đi bước nữa, để lại 2 cháu nội còn rất nhỏ là Lù Văn Hùng (sinh năm 2005) và Lù Seo Lử (2007) cho bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã cử cán bộ đi rà soát, báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai về trường hợp của hai cháu Lử và Hùng, năm 2015, đơn vị đã đón hai cháu về nuôi dưỡng, chăm sóc. Năm 2023, cháu Lù Văn Hùng đã thi đỗ trường Đại học Thái Nguyên. Để giúp hai cháu tập trung vào việc học và yên tâm về gia đình, Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình hai cháu.

“Với người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa như chúng tôi, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Những việc làm thiết thực của chính quyền địa phương, của Bộ đội giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn, hoạn nạn khiến chúng tôi thực sự cảm phục, biết ơn! Niềm tin đối với Đảng của người dân chúng tôi bắt đầu từ những cử chỉ, việc làm nghĩa tình như thế!”- bà Hoàng Thị Chở xúc động chia sẻ.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 6

Sự gắn bó giữa chính quyền, Quân đội và Nhân dân tiếp tục được minh chứng qua lời kể của đồng chí Giàng Lồ Pao, Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải. “Ở xã chúng tôi, có một đồng chí Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã tăng cường, được Đảng ủy phân công trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền, lĩnh vực dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Đồng chí cũng là người dân tộc Mông, hiểu biết về phong tục, tập quán của đồng bào nên rất gần dân, sát dân, việc triển khai cũng rất ngắn gọn, tâm huyết, phù hợp với từng khu dân cư. Điển hình như vừa qua, đồng chí đã cùng chính quyền địa phương vận động, phân tích cho bà con nhân dân hiểu, hiến đất để làm đường. Đến nay, các hộ gia đình đều đã hiểu và 100% đồng ý hiến đất để làm đường, giúp phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân” - đồng chí Giàng Lồ Pao cho biết thêm.

Những câu chuyện về tình quân dân tại vùng biên giới Lào Cai không chỉ là những câu chuyện về lòng biết ơn, về sự hỗ trợ mà còn là những bài học quý giá về tinh thần đoàn kết, về ý chí vượt khó và khát vọng vươn lên của người dân vùng cao, cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Chính sự gắn bó máu thịt giữa Quân đội và Nhân dân đã tạo nên sức mạnh to lớn, khơi dậy niềm tin sắt son vào Đảng và Nhà nước.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 7

Đó là những gì chia sẻ đầy xúc cảm của người dân tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk khi chúng tôi tìm về với miền đất “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, nơi có tới 49 dân tộc anh em cùng chung sống này.

Từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột chúng tôi di chuyển hơn gần 40 km về xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Vùng quê nghèo khi xưa nơi bà con chỉ ước mong làm sao có đủ cơm ăn, áo mặc, hôm nay đã “thay da đổi thịt”, những con đường trải nhựa rộng thênh thang, hai bên là vườn cà phê, hồ tiêu, sầu riêng xum xuê, xanh mướt, những ngôi nhà mái ngói hiện đại, khang trang…

Đón chúng tôi trong ngôi nhà truyền thống của người Êđê, Già làng Y Đhun Hmôk (hơn 70 năm tuổi đời, 41 năm tuổi Đảng), buôn Dur 1 chia sẻ trong niềm xúc động xen lẫn biết ơn: “Những ngày kháng chiến, dân làng ở trong rừng núi xa xôi, heo hút, đói cơm, đói muối, phải đào củ rừng, măng rừng để ăn. Nhờ có Đảng, có cách mạng cho cơm, bộ đội giúp dân sơ tán tránh những cuộc càn quét của địch, Đảng chỉ đường cho Nhân dân đánh giặc giữ lấy buôn làng. Sau này hòa bình Đảng giúp dân kéo điện chiếu sáng, Đảng làm đường sá nối những buôn làng gần xa, Đảng đưa con em đồng bào đến trường, xây dựng trạm y tế khám, chữa cho Nhân dân...”.

“Giờ trong buôn con em được đi học đại học, cao đẳng nhiều lắm, rồi cán bộ xuống tận nơi giúp đồng bào canh tác cây công nghiệp. Vừa qua, Nhà nước đầu tư hỗ trợ cây giống, phân bón... để nhân dân làm mô hình trồng sầu riêng, cây cà phê xen canh theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cây giống mới phát triển tốt cho nhiều quả, người dân phấn khởi lắm” - già làng Y Đhun Hmôk phấn khởi chia sẻ.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 8

Ông Y Khôk Hmôk, người có uy tín buôn Kmăl, cũng chia sẻ về sự thay đổi của vùng đất cách mạng. Ông kể, trước đây, cuộc sống của dân làng chủ yếu dựa vào tự nhiên, quanh năm khó khăn. Nay nhờ sự quan tâm của Đảng, bà con thi đua làm giàu, nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang. Buôn Kmăl trước kia có tới 50 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo, đến nay, hộ nghèo chỉ còn 11 hộ, hộ cận nghèo còn 22 hộ.

Chúng tôi lại dễ dàng gặp lại những xúc cảm đầy mừng vui, sự tin tưởng và biết ơn ấy khi về với huyện Cư Kuin, nơi mà mới hơn một năm trước, vụ tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur đã làm chấn động vùng đất này. Nhưng giữa "giông bão", người dân nơi đây đã không khuất phục. Già làng Y Nik Ê ban, người đứng đầu buôn Pu Hêu, kể lại: “Ngày đó, khi tiếng súng vang lên, dân làng chúng tôi không nao núng, vẫn kiên cường đứng bên Đảng và chính quyền để bảo vệ buôn làng”.

“Cư Kuin đã bước qua những ngày ‘giông bão’’, đồng bào các dân tộc huyện Cư Kuin hôm nay đoàn kết, nỗ lực vươn lên, một lòng theo Đảng, cùng với cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp. Là địa phương trẻ, năng động của tỉnh, thời gian qua, huyện Cư Kuin được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt” và ngày càng khởi sắc” - già làng Y Nik khẳng định.

Tại xã Ea Ktur, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim May cho biết, Đảng ủy và UBND xã đã phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo và chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết hợp lòng dân. Đặc biệt, xã chú trọng phát triển đời sống hộ dân tộc thiểu số qua các chương trình tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây, con, đào tạo nghề, và giải quyết việc làm. Nhờ đó, kinh tế xã đã tăng trưởng, đời sống người dân cải thiện, thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 9

Với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhiều ngôi nhà đại đoàn kết và con đường bê tông hóa đã xuất hiện, nâng cao đời sống và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Các chính sách dân tộc được thực hiện công khai, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và hưởng lợi, mang lại cuộc sống bình yên cho các buôn làng huyện Cư Kuin nói chung và xã Ea Ktur nói riêng.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình dệt thổ cẩm của chị H’Ler Êban (SN 1975) ở buôn Kniết (xã Ea Ktur), ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là mô hình kinh tế hay và đang được quan tâm hỗ trợ nhân rộng nhằm quảng bá trang phục truyền thống của người Êđê cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho bà con buôn làng.

Trên con đường bê tông mới nối dài đến các buôn làng Ê Đê, Già làng Y Nik Ê ban - Buôn Pu Hêu, xã Ea Ktur, nhớ lại sự kiện các đối tượng tấn công vào UBND xã ngày 11/6/2023, cho biết đó là một ngày khó quên. Nhưng trong lúc khó khăn đó, nhân dân các dân tộc đã đứng cùng Đảng và chính quyền để bảo vệ buôn làng, hỗ trợ lực lượng chức năng, và nhanh chóng khôi phục cuộc sống bình yên. Điều này thể hiện sự tin tưởng của người dân vào Đảng và chính quyền.

Già làng Y Nik Ê ban kể năm 2004 trong buôn có 14 hộ nghe theo lời kẻ xấu kích động, lôi kéo rời bỏ buôn làng, Già cùng chính quyền địa phương đã vận động thuyết phục bà con thấy được, hiểu được và quay trở lại. “Từ đó bà con thấy được, rút ra bài học kinh nghiệm, lo làm kinh tế, đời sống nâng cao thấy rõ. Năm 2004 buôn có 296 hộ nghèo, cận nghèo giờ chỉ còn 22 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, còn bao nhiêu là mức sống trung bình và khá giả”. Năm 2023, khi vụ việc ngày 11/6 xảy ra, Già làng Y Nik Ê ban đi thuyết phục, tuyên truyền bà con không nghe, không theo những lời kẻ xấu xúi giục của kẻ xấu. Già rất mừng vì bà con luôn tin vào Đảng, Nhà nước, tin vào cán bộ; thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

“Những hộ gia đình đã từng nhẹ dạ, cả tin theo kẻ xấu khi gặp chúng tôi vui vẻ chia sẻ, các anh, các chị không phải thuyết phục, chúng nó có cho tiền tỷ chúng tôi cũng không muốn đi, không muốn theo, đó là bài học kinh nghiệm của chúng tôi rồi. Khi đó chúng tôi không hiểu chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bây giờ chúng tôi đã hiểu đã thông suốt rồi”, Già làng Y Nik Ê ban chia sẻ.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 10

Như níu chân chúng tôi, già làng Y Nik Ê ban tâm đắc thủ thỉ về lời của cố bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã từng thay mặt đồng bào Tây Nguyên nói lên ý chí sắt đá: “Có sức mạnh nào cản nổi núi rừng Tây Nguyên đi theo Đảng? Không, không có sức mạnh nào cản nổi đồng bào Tây Nguyên đi theo cách mạng. Núi rừng Tây Nguyên luôn thương nhớ và mãi mãi đi theo Bác Hồ…”

Trong mỗi câu chuyện kể từ những người đã đi qua hai cuộc đời – từ bóng tối của rừng sâu đến ánh sáng của con đường mới, người ta không thể quên hình ảnh những đôi tay rắn chắc từng cầm súng bảo vệ buôn làng, giờ đây tiếp tục cày cấy trên mảnh đất đỏ bazan, mang lại những mùa vụ bội thu. Họ không nói nhiều về mình, nhưng mỗi hành động, mỗi lời kể đều khắc sâu trong lòng người nghe một thông điệp: niềm tin là sức mạnh, là nguồn sống, là sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, và cũng là bảo chứng cho tương lai.

Đắk Lắk hôm nay không chỉ là một địa danh trên bản đồ mà còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và lòng trung kiên của những con người đã đặt niềm tin tuyệt đối vào con đường cách mạng.

Những già làng như Y Đhun Hmôk, Y Khôk Hmôk hay Y Nik Ê ban, với đôi mắt đã chứng kiến biết bao đổi thay, luôn nhắc nhớ về quá khứ - một quá khứ mà từng bát cơm, từng giọt nước, từng cơn gió đại ngàn đều chứa đựng lòng trung thành và niềm tin mãnh liệt vào Đảng. Họ kể lại không phải để than thở hay luyến tiếc, mà để khẳng định một chân lý: niềm tin vào Đảng đã đưa dân tộc vượt qua những thử thách và chính niềm tin đó là ngọn đuốc sáng dẫn lối cho các thế hệ tiếp nối.

Chuyến xe lăn bánh rời Đắk Lắk, đưa chúng tôi trở về thành phố. Trên con đường trở về, không chỉ là những con đường nhựa phẳng lỳ, mà còn là con đường của niềm tin và hy vọng. Người dân, đồng bào các dân tộc tại Đắk Lắk đã hiểu rằng bảo vệ thành quả cách mạng và sự thống nhất đất nước cũng chính là bảo vệ cuộc sống của gia đình, làng buôn, cánh rừng và nương rẫy quê hương.

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 11

Những chia sẻ đầy xúc cảm, những chuyển biến hết sức mạnh mẽ, tích cực trong đời sống người dân, trong phát triển kinh tế xã hội tại Cao Bằng, Đắc Lắk, Lào Cai… mà chúng tôi ghi nhận được trên hành trình rong ruổi tới khắp nhiều vùng “phên giậu” của Tổ quốc đã một lần nữa thêm những minh chứng sống động, thuyết phục cho sự thống nhất, hoà quyện giữa ý Đảng và lòng dân. Năm xưa, trong những năm tháng chiến tranh, sự hoà quyện giữa ý Đảng và lòng dân đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Giờ đây, trong công cuộc đổi mới đất nước, ý Đảng thuận lòng dân đã đưa đất nước tới những phát triển vượt bậc…

Đảng ta từ Nhân dân mà ra, ý Đảng bắt nguồn từ lòng Dân và không thể khác với lòng Dân, mãi luôn là như thế và từ sự đồng thuận ấy, sẽ còn đơm hoa kết nên nhiều trái ngọt lành…. Để ý Đảng hợp lòng dân, ý Đảng phải đại diện cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân và của cả dân tộc, mọi đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng phải được xuất phát từ lợi ích của nhân dân, từ đó Đảng xác lập được chỗ đứng vững chắc trong lòng dân. Như nhấn mạnh của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc Họp báo ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII: Với đường lối chính trị đúng đắn, hợp quy luật; luôn lấy việc phụng sự Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, hoạt động vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; được nhân dân hết lòng tin tưởng, bạn bè quốc tế ủng hộ, Đảng ta sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày càng trưởng thành, vững mạnh, trường tồn cùng dân tộc, hòa quyện trong lòng dân...

Và chính việc Dân tin Đảng, luôn ở bên Đảng, hết lòng ủng hộ Đảng là động lực quyết định để Đảng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thêm vững vàng chèo lái, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc tiếp tục đi đến những thắng lợi mới trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc- kỷ nguyên vươn mình. 

bai cuoi qua ngot tu y dang  long dan hinh 12

Tin khác

Doanh nghiệp Việt với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Để không bỏ lỡ “cơ hội trăm năm”

Doanh nghiệp Việt với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Để không bỏ lỡ “cơ hội trăm năm”

(NB&CL) Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam được chính các doanh nghiệp Việt thừa nhận là “cơ hội trăm năm”. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội này, lại là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần phải rất bền gan vững chí để vượt qua.

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

(NB&CL) Với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và kiến tạo hành lang pháp lý đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.

Sửa Luật Quảng cáo: Sẽ làm sạch quảng cáo trên không gian mạng?

Sửa Luật Quảng cáo: Sẽ làm sạch quảng cáo trên không gian mạng?

(NB&CL) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được các Đại biểu quan tâm bàn thảo trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đem đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi không ít quy định nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đã được đề xuất. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung quy định về: quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn một số quy định chưa thể giải quyết được thực tế vi phạm phát sinh hiện nay của hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!

Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!

(NB&CL) Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học. Các chuyên gia cho rằng, sắp xếp, tinh giản bộ máy có vai trò quan trọng trong việc giảm sự tốn kém về tiền lương và tạo ra một hệ thống trả lương hiệu quả. Tranh luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn, nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

(NB&CL) Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù già hóa dân số là hệ quả tất yếu của việc mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên, nếu không có ngay những chính sách thích ứng hiệu quả mang tầm quốc gia, thì những hệ luỵ của việc già hoá dân số là không thể lường hết được. Trên Diễn đàn Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XV vừa qua, đã có ý kiến về việc từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế, xem đây là vấn đề mang tính chất chiến lược.

Cú sốc Temu và sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

Cú sốc Temu và sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

(NB&CL) Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cơn lốc Temu đang phơi bày rõ thế khó trập trùng của hàng Việt, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nội địa.