(Congluan.vn) - Những ngày qua, quá tải ở các bệnh viện tại khu vực TP.HCM đang là nỗi ám ảnh cho các đội ngũ y bác sỹ và bệnh nhân đến thăm khám. Ngoài nguyên nhân do thời tiết đang chuyển giao mùa, số lượng bệnh nhân mắc bệnh tăng lên thì nỗi lo không an toàn ở các bệnh viện tuyến dưới đã khiến cho bệnh nhân thăm khám chữa bệnh vượt tuyến đã gây nên tình trạng trên.
>>>
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên
Tại khu vực TP.HCM hiện nay đang vượt mức đáng báo động. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1, tuyến cuối trong việc điều trị các bệnh lý của trẻ em ở các tỉnh phía Nam đang trong mức quá tải cao nhất từ trước đến nay. Cả bệnh viện chỉ có hơn 700 giường bệnh, nhưng số lượng bệnh nhân nhi đến khám lại tăng lên hơn gấp đôi từ 1.600 đến 1.800 bệnh nhi.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM , tình trạng quá tải đang luôn trong mức đáng báo động, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân vượt tuyến lên khám chữa bệnh
Trong đó, tỷ lệ quá tải bệnh nhi nội trú là gần 140%. Đặc biệt hơn là có những khoa thường xuyên tăng lên đến 200% như hô hấp, sơ sinh, tiêu hóa... Và với hơn 5.000 trẻ bệnh nhi đến khám chữa bệnh mỗi ngày thì bệnh viện Nhi Đồng 1 đang lâm vào tình trạng khốn đốn vì quá tải.
Tại tuyến bệnh viện Chợ Rẫy, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú đều tăng lên đáng kể. Chủ yếu bệnh nhân ở bệnh viện này là từ các tuyến dưới vượt tuyến chuyển lên với lượng bệnh nhân đông nghẹt từ bãi giữ xe, hành lang bệnh viện, các khu thăm khám và phát thuốc. Ngoài ra các bệnh viện khác như: Ung Bướu, Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình... cũng đều đang trong tình trạng này. Trung bình mỗi ngày có đến hơn 2000 bệnh nhân nội trú đến thăm khám, chưa kể đến số bệnh nhân ngoại trú, làm cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện này tăng lên gấp 4 đến 5 lần.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mạng lưới y tế của TP.HCM có 112 bệnh viện các loại với hơn 32.000 giường bệnh. Tỷ lệ giường bệnh đã được tăng lên đáng kể so với các năm trước, nhưng xem ra vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cho bệnh nhân. Với dân số trong thành phố là 10 triệu người, thì số giường này không thể đáp ứng cho nhu cầu, chưa kể đến số lượng bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên.
Bệnh nhân chen chúc nhau chở nhận thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Với tâm lý muốn đảm bảo an toàn trong quá trình thăm khám và chữa bệnh, bệnh nhân từ các tuyến dưới đã không ngần ngại vượt tuyến, không thăm khám tại các bệnh viện tuyến dưới nơi mình cư trú. Mặc cho với những bệnh thông thường, dễ chữa, các bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có khả năng khám chữa bệnh.
Bệnh nhân không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Có đến 60% bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến trên chỉ mắc những bệnh nhẹ, hoàn toàn có thể khám chữa bệnh tại cơ sở. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt tuyến gây nên quá tải này, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới. Để được thăm khám ở bệnh viện tuyến trên, người dân đã không ngần ngại đăng ký mua bảo hiểm ở tuyến trên. Theo Bộ Y tế, người tham gia bảo hiểm y tế chỉ chiếm 20% ở tuyến xã, 60% ở tuyến huyện, 20% tuyến tỉnh và TW. Nhưng thực tế, tỷ lệ vượt tuyến lại lên đến 60 đến 80%”.
Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cũng đang trong tình trạng quá tải, bệnh nhân chật kín ở hành lang bệnh viện
Qua đó, có thể thấy rằng, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, Bộ tế cần có những giải pháp cụ thể để nâng cấp hơn cho các tuyến bệnh viện tuyến dưới, đem lại sự tin tưởng cho người dân. Để người bệnh có thể yên tâm khám chữa ở tuyến dưới mà không còn vượt tuyến.
Ngoài ra, ở các bệnh viện tuyến trên, cần phải có những chiến lược giải quyết thêm về nhu cầu cơ sở vật chất, tăng số lượng giường cho bệnh nhân. Tăng cường thêm đội ngũ y bác sỹ trong bệnh viện để có thể phục vụ tốt hơn cho người bệnh.