Đó là kiến nghị được đa số các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới (Hà Nội, sáng 29.1) đưa ra như một giải pháp cấp thiết để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh khá nhạy cảm này.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, Hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến thiết thực của đại diện Sở VHTTDL các tỉnh phía Bắc cùng các Bộ, ngành liên quan.
Báo cáo tổng kết, đánh giá công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường giai đoạn 2010-2014 của Bộ VHTTDL ghi nhận những bước tiến trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động karaoke, vũ trường; trong công tác quy hoạch và thanh tra, kiểm tra hoạt động của các vũ trường, quán karaoke; trong việc đầu tư cơ sở vật chất và lành mạnh hóa của các cơ sở kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, những hiện tượng bất cập vẫn còn tồn tại khá nhức nhối trong hoạt động dịch vụ karaoke và vũ trường.
Điển hình là sự biến tướng trong hình thức kinh doanh hay tình trạng không đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy... mà hệ lụy của nó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội cũng như tính mạng và tài sản của nhiều người dân.
Một trong những giải pháp căn bản được đề xuất trong báo cáo của Bộ VHTTDL để nâng cao hiệu quả quản lý đối với karaoke và vũ trường là cần phải có thời hạn cho giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ này. Đại biểu Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng: “Việc cấp giấy phép kinh doanh vĩnh viễn như hiện nay gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Mặc dù Sở đã tăng cường công tác kiểm tra nhưng không ít cơ sở kinh doanh vẫn cố tình vi phạm các quy định. Nếu giấy phép kinh doanh có thời hạn thì họ sẽ phải chấp hành nghiêm túc hơn”.
Quán bar không do Bộ VHTTDL quản lý, nhưng vẫn có hoạt động ca hát nhảy múa. Bởi vậy, tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn các hoạt động, dịch vụ văn hóa tại nhà hàng, quán bar. Như vậy sẽ ngăn chặn được tình trạng biến tướng. (Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL) |
Cũng giống như rất nhiều ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Thùy Anh đề xuất thời hạn cấp phép là 2 năm/ lần. Đại biểu Hà Nội cũng kêu khó trong quá trình xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh: “Nghị định 158 không quy định cơ quan quản lý được quyền thu hồi tang vật trong các vụ vi phạm. Bởi vậy, nhiều cơ sở rất ngang ngược với đoàn kiểm tra”.
Đại diện của Bộ Công an cho rằng cần phải có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa đối với các sai phạm của cơ sở kinh doanh thì mới đủ tính răn đe: “Ngành Công an sẽ tham mưu với lãnh đạo để có biện pháp đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa đối với hiện tượng biến tướng trong hình thức kinh doanh ở các cơ sở karaoke và vũ trường”- đại biểu này khẳng định.
Theo đại diện Bộ Công an, karaoke và vũ trường là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần có sự quản lý đa ngành. Tuy nhiên, hiện nay các ngành vẫn chưa thực sự coi trọng sự phối hợp. Bởi vậy, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý là rất quan trọng, đồng thời sẽ phải tăng cường công tác hậu kiểm.
Cũng đề cập đến sự phối hợp giữa các ngành trong công tác cấp phép và quản lý, đại biểu Thùy Anh của Hà Nội cho rằng ngay từ khi đơn vị kinh doanh nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh, các ngành cần phải ngồi lại với nhau để xem xét xem họ có đủ điều kiện không, nếu đủ thì có sự đồng ý về nguyên tắc. Sau đó, khi đơn vị đã hoàn tất cơ sở vật chất thì các cơ quan cùng thẩm định và cùng cấp phép kinh doanh, tránh tình trạng đơn vị đã đầu tư tiền tỉ rồi nhưng lại không được cấp phép kinh doanh vì thiếu một số điều kiện. Vấn đề về khoảng cách giữa cơ sở kinh doanh karaoke và vũ trường với trường học, di tích, địa chỉ tôn giáo cũng được nhiều đại biểu đặt ra.
Đại biểu Hải Phòng cho rằng quy định quán karaoke và vũ trường phải cách xa các cơ sở nói trên 200m theo đường giao thông như hiện nay là không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa, hơn nữa, sẽ gây khó khăn trong việc xử lý những trường hợp “gần nhà xa ngõ”: “Có những quán karaoke nếu tính theo đường giao thông thì có thể cách trường học vài trăm mét, nhưng tính về khoảng cách không gian lại nằm ngay sau lưng trường học hoặc cơ sở tôn giáo, khiến cơ quan cấp phép rất lúng túng”.
Làm thế nào để đảm bảo được an toàn phòng cháy chữa cháy cho các quán karaoke và vũ trường là một trong những điểm nhức nhối của Hội nghị. Đại diện Cục Phòng cháy chữa cháy cho rằng phần lớn những cơ sở nhỏ lẻ đều không đủ tiêu chuẩn về PCCC: “Các chủ đầu tư luôn có xu hướng giảm các thiết bị PCCC. Trong khi đó, vật liệu cách âm của vũ trường và quán karaoke rất dễ gây cháy và khi cháy thì sinh ra rất nhiều khói, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người”. “Cần phải có quy định về lối thoát hiểm trong các phòng karaoke. Hiện nay, phòng hát chỉ có một cửa duy nhất, khi xảy ra sự cố cháy nổ thì rất khó để xử lý” - đại biểu của Sở VHTTDL Lạng Sơn nêu rõ.
Trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính và Bộ VHTTDL khẳng định trong thời gian tới, sẽ có kiến nghị để sửa chữa những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý quán karaoke và vũ trường.
Việc cấp giấy phép kinh doanh vĩnh viễn như hiện nay gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Nếu giấy phép kinh doanh có thời hạn thì họ sẽ phải chấp hành nghiêm túc hơn. Đại biểu Vũ Thùy Anh, Sở VHTTDL Hà Nội |
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL khẳng định: “Karaoke và vũ trường là loại hình kinh doanh có điều kiện. Trên tay những người kinh doanh loại hình này có tới 4-5 loại giấy phép: văn hóa, PCCC, an ninh trật tự, tài nguyên…
Bởi vậy, tới đây, ngay từ khi người ta nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh, các cơ quan quản lý phải ngồi lại với nhau, để tránh trường hợp cơ sở kinh doanh đã chi ra tiền tỷ đầu tư cho cơ sở vật chất rồi chúng ta mới đến bảo không được”.
Về thời hạn của giấy phép kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Giấy phép có thời hạn hay không, thủ tục cấp đổi thế nào, sắp tới chúng ta sẽ phải góp ý trong thông tư hướng dẫn Luật Doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Ông cũng trấn an các cơ quan quản lý trước tình trạng biến tướng trong kinh doanh karaoke và vũ trường: “Quán bar không do Bộ VHTTDL quản lý, nhưng vẫn có hoạt động ca hát nhảy múa. Bởi vậy, tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn các hoạt động, dịch vụ văn hóa tại nhà hàng, quán bar. Như vậy sẽ ngăn chặn được tình trạng biến tướng”.
Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL dự định sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2009 và Nghị định 158/2013 và có quy định cụ thể để cấp đổi, gia hạn đối với giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (2 năm một lần). Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư thống nhất quy định về việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các vũ trường, karaoke ngừng kinh doanh 6 tháng trở lên mà không thông báo với Sở VHTTDL và UBND các quận, huyện. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh các quy định về mức phí để phù hợp với tình hình thực tế hơn.