Quản lý, quy hoạch không gian ngầm tại các thành phố lớn: Bài toán không dễ giải

Thứ năm, 19/12/2019 10:38 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi không gian mặt đất đã trở thành “manh áo chật” thì cần có nhiều công trình ngầm để giải quyết hài hòa giữa nhu cầu thực tế nhưng đồng thời phải hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. 

Song thời gian qua, việc quy hoạch, phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn còn nhiều điều bất cập, không chỉ do thiếu vốn đầu tư mà thiếu cả quy hoạch lẫn khung pháp lý đối với lĩnh vực tiềm năng này.

 “Mỏ vàng” chưa được khai phá

Theo các chuyên gia, một đô thị hiện đại, công trình ngầm chiếm khoảng 20% - 25% trong tổng số các dạng công trình. Trong khi đó, với thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn thì việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm là yêu cầu hết sức cần thiết.

Bãi đỗ xe ngầm tại quận trung tâm Hà Nội. Ảnh minh họa.

Bãi đỗ xe ngầm tại quận trung tâm Hà Nội. Ảnh minh họa.

Trên thực tế, việc khai thác diện tích không gian ngầm dưới lòng đất tại các đô thị lớn hiện nay gần như đang bị bỏ trống, rất lãng phí, hoặc không phát huy hiệu quả. Việc xây dựng các công trình ngầm thời gian qua diễn ra khá tùy tiện, thiếu sự liên kết. Trong khi, không gian trên mặt đất đã quá ngột ngạt, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Đơn cử như tại Hà Nội, tốc độ phát triển “chóng mặt” cùng với sự gia tăng dân số quá nhanh như hiện nay đang khiến cho quỹ đất bề mặt gần như bị “vắt kiệt”, không gian đô thị bí bách, ngột ngạt. Mặc dù nhiều công trình ngầm đã được thành phố triển khai như hệ thống cống ngầm, hệ thống thoát nước ngầm, đường dây cáp điện ngầm, đường hầm đi bộ, bãi xe ngầm ở chung cư, trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn… Tuy nhiên, những công trình này chỉ mang tính cục bộ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, khai thác cho mục đích riêng của từng dự án, chưa có sự liên kết tổng thể. Việc phát triển không gian ngầm thành phố bị hạn chế không chỉ do thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu thông tin dữ liệu về các công trình ngầm hiện hữu, mà các công trình ngầm tại khu trung tâm hiện nay vừa manh mún, vừa đơn giản, thiếu tính liên kết và tính tích hợp mô hình hiện đại.

Không chỉ riêng Hà Nội, các đô thị khác đều gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển không gian ngầm. Trên thực tế, diện tích không gian ngầm bên dưới lòng đất gần như bỏ trống. Ngay tại khu vực trung tâm TP.HCM, các tòa nhà chỉ làm tầng hầm để phục vụ chính dự án đó mà chưa có sự kết nối, liên kết với các dự án khác để sử dụng hiệu quả. Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết đều chưa đề cập đến nội dung quy hoạch ngầm. Nếu được khai thác tốt và quản lý bài bản sẽ tạo động lực phát triển đô thị bền vững cho TP.HCM và cả nước nói chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi truy trách nhiệm của các sở, ngành đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP vẫn còn nợ quy hoạch chi tiết về không gian ngầm của TP cả trước mắt lẫn lâu dài.

Báo Công luận

Muộn còn hơn không

Việc cấp bách trong tiến trình đô thị hóa hiện nay là khẩn thiết phải xây dựng ngay tổng thể quy hoạch ngầm, trước mắt là ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM. Bởi vì nếu để chậm chừng nào thì sau này càng không có chỗ để phát triển đô thị ngầm chừng ấy. Và không gian ngầm buộc phải “đánh võng” theo đô thị mặt đất, vừa tốn kém, vừa không khoa học, thậm chí không thể kết nối được với nhau. Khi ấy, đô thị ngầm đứng trước nguy cơ “vỡ trận”. Do đó, việc sớm có một kế hoạch khoa học, bài bản trong phát triển, quản lý không gian ngầm là cần thiết.

Theo các chuyên gia về quản lý đô thị, việc quy hoạch đô thị hiện nay diễn ra chậm, chưa có kế hoạch sử dụng đất hợp lý dẫn đến tình trạng “lộn xộn” và thiếu trầm trọng các khu không gian mở và đất giao thông. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc phát triển không gian ngầm đã đặt ra từ lâu nhưng vướng quy định về tài nguyên dưới mặt đất. Vì vậy cần sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian ngầm. Tương tự, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhìn nhận, hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều đã có hệ thống trung tâm thương mại ngầm kết hợp với các công trình công cộng hiện đại để phát triển thương mại, thu hút khách du lịch, tiết kiệm quỹ đất.

Cần có giải pháp đồng bộ, đột phá

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển không gian ngầm, cần quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý không gian ngầm đô thị và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm để phát triển đô thị theo hướng bền vững. Ở cấp Trung ương, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu và tham mưu giúp cấp có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị.

Việc xây dựng các công trình dưới lòng đất, tạo không gian ngầm cho các sinh hoạt cộng đồng văn minh, hiện đại sẽ đem đến nhiều tiện ích nhưng cũng gặp không ít thách thức. Đó là nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, độ rủi ro cao trong quá trình xây dựng. Hơn nữa, quá trình xây dựng thường bị chậm tiến độ, phần lớn tăng chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu. Mặt khác, khi tiến hành thi công đào xới thì đất đã bị thay đổi vĩnh viễn, dỡ bỏ hay thay đổi thiết kế các công trình ngầm không dễ dàng như đối với các công trình trên mặt đất.

Kế đến, các vấn đề như sự thông thoáng không khí, hệ thống chiếu sáng, chống ngập, thoát nước, cấp nước, phòng chống cháy nổ, khí độc… phải được nghiên cứu hết sức cặn kẽ, chính xác. Vì vậy, đòi hỏi có một hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch, quản lý xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu và bảo trì công trình ngầm trong đô thị và các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng công trình ngầm. Những khó khăn đó là tất yếu và Hà Nội, TP. HCM cũng như các đại đô thị trên toàn cầu đều phải vượt qua.

Trước mắt, cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết không gian ngầm, tập trung cơ sở dữ liệu các công trình ngầm hiện hữu nhằm có giải pháp điều chỉnh hệ thống không gian ngầm một cách khoa học, hợp lý và mang tính kết nối, tận dụng hết tiềm năng và phát huy hết hiệu quả không gian ngầm trong tương lai; có kế hoạch hợp lý tránh lặp lại “mạng nhện ngầm” như điện, nước, viễn thông như hiện nay.

Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Ví như, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh. Với loại không gian ngầm mang tính cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối ngầm, hào kỹ thuật ngầm... nên sớm có riêng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư. Điểm mấu chốt là công tác quản lý nhà nước phải thể hiện trách nhiệm đến cùng trước những vấn đề của không gian ngầm hiện nay. Khi đã có quy hoạch cần tuân thủ chặt chẽ, không thể buông lỏng quản lý.

Mấu chốt ở đây là công tác quản lý nhà nước phải thể hiện trách nhiệm đến cùng trước các “bát nháo” của việc quy hoạch, quản lý không gian ngầm như hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra đánh giá cụ thể, toàn diện không gian ngầm đang được sử dụng ra sao, tránh quá nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến việc “xé rào” hoặc buông lỏng quản lý. Có sự phân bổ, sắp sắp xếp lại một cách khoa học, hợp lý mới có thể bảo đảm tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả không gian ngầm trong tương lai.

Ngọc Thành

Tin khác

Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

(CLO) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý 1 tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gazprom đóng cửa hàng chục giếng khí đốt tự nhiên

Gazprom đóng cửa hàng chục giếng khí đốt tự nhiên

(CLO) Tập đoàn khí đốt tự nhiên khổng lồ Gazprom của Nga đã phải đóng cửa hơn hai chục giếng sản xuất trong trận lũ mùa xuân ở vùng Orenburg để giữ cho các giếng sản xuất khí đốt không bị ngập lụt, đơn vị Gazprom địa phương cho biết.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thêm nhà máy đạt trung hòa Carbon, Vinamilk tiến nhanh hành trình đến Net Zero

Thêm nhà máy đạt trung hòa Carbon, Vinamilk tiến nhanh hành trình đến Net Zero

(CLO) Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vinamilk công bố Nhà máy Nước giải khát đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014. Như vậy, Vinamilk đang sở hữu tới 3 đơn vị (gồm 2 nhà máy và 1 trang trại) đạt chứng nhận về trung hòa Carbon, cho thấy những bước tiến quyết liệt của doanh nghiệp trên con đường tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Thị trường - Doanh nghiệp
EU sắp đạt thỏa thuận sử dụng tài sản của Nga cho Ukraine

EU sắp đạt thỏa thuận sử dụng tài sản của Nga cho Ukraine

(CLO) Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem cho biết EU “gần đạt được một thỏa thuận chính trị” về việc thu lợi nhuận từ dự trữ ngân hàng trung ương của Nga vẫn bị đóng băng do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine.

Thị trường - Doanh nghiệp