Quốc hội chấp thuận thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Thứ hai, 14/11/2022 09:57 AM - 0 Trả lời

(CLO) Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Đáng chú ý, Quốc hội chấp thuận “Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ”.

Sáng nay (14/11), với 459/471 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 92,17%), Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự án Luật được thông qua gồm 8 Chương, 118 Điều. 

Trước khi biểu quyết thông qua dự án luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

quoc hoi chap thuan thanh lap thanh tra tong cuc cuc thuoc bo hinh 1

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng biên chế

Đáng chú ý, về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ (Điều 18); thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục ở địa phương. Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì có thể làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật báo cáo: Qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế.

Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này.

quoc hoi chap thuan thanh lap thanh tra tong cuc cuc thuoc bo hinh 2

Kết quả biểu quyết thông qua dự án luật.

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”. 

Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định “Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ” để bảo đảm chặt chẽ.

"Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể", ông Tùng nêu rõ.

quoc hoi chap thuan thanh lap thanh tra tong cuc cuc thuoc bo hinh 3

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở

Về Thanh tra Sở (Mục 5 Chương II), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về Thanh tra Sở. Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan thanh tra ở tất cả các Sở; cân nhắc việc giao Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Sở không thành lập cơ quan thanh tra để bảo đảm tính khả thi.

Về nội dung này, ông Hoàng Thanh Tùng báo cáo: Việc tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra Sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có khoảng trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế.

"Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều Sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả", ông Tùng cho biết. 

Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra Sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Thanh tra Sở như tại Điều 26 của dự thảo Luật.

Theo đó, giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ.

quoc hoi chap thuan thanh lap thanh tra tong cuc cuc thuoc bo hinh 4

Đại biểu tham dự phiên họp.

Trong 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra

Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra và giao quyền quyết định kỷ luật cho cơ quan thanh tra. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định trong dự thảo Luật về ban hành kết luận thanh tra để quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ: Việc chậm trễ, ban hành kết luận thanh tra không kịp thời là một trong các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010, có nguyên nhân một phần do Luật Thanh tra chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này. Đến nay, trong tổng số 15 cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành chậm ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 07 kết luận thanh tra; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 06 dự thảo kết luận thanh tra; còn 02 cuộc thanh tra đã cơ bản kết thúc, đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo kết luận để ban hành (dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2022). 

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (Điều 73 - Điều 79); xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.

Đồng thời, bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định (khoản 1 Điều 78). 

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Chính phủ quyết định lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam

Chính phủ quyết định lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam

(CLO) Ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam.

Tin tức
Ngày làm việc thứ ba và phiên bế mạc của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ ba và phiên bế mạc của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Ngày 20/9/2024, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bước vào ngày làm việc thứ 3 và họp phiên bế mạc. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10.

Tin tức
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

(CLO) Chiều 20/9/2024, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII họp phiên bế mạc tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tin tức
Quy định mới: Thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi

Quy định mới: Thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi

(CLO) Theo Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Chính phủ quy định việc thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi.

Tin tức
Kế hoạch triển khai thi đua cao điểm '500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc'

Kế hoạch triển khai thi đua cao điểm '500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc'

(CLO) Mới đây (ngày 19/9/2024), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1008/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Đợt thi đua cao điểm được triển khai thực hiện từ tháng 8/2024, sơ kết vào tháng 12/2024; tổng kết vào cuối năm 2025.

Tin tức