Quốc hội khóa XIV là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, hành động vì lợi ích của Nhân dân

Thứ tư, 24/03/2021 11:14 AM - 0 Trả lời

(CLO) Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Đây là phát biểu nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi trình bày Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội vào sáng nay (24/3).

Quốc hội khóa XIV là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, hành động vì lợi ích của Nhân dân.

Quốc hội khóa XIV là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, hành động vì lợi ích của Nhân dân.

Trình bày báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại.

Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.

Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật, 02 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi trình bày Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi trình bày Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.

Đi “đến cùng” vấn đề được giám sát

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống.

Công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. 

Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét với 07 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân; cách thức tiến hành được cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.

Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội đã 02 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội. 

Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến rõ rệt, hiệu quả được nâng cao, nhất là trong việc giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị của cử tri.

Hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban được tăng cường, có nhiều đổi mới, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề “nóng”, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và xã hội.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã chú trọng hơn đến việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng

Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách.

Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt, công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao.

Việc xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Ảnh: Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tranh luận tại phiên họp.

Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Ảnh: Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tranh luận tại phiên họp.

Quốc hội đã chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Thời gian qua, nhiều điều ước quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đã được kịp thời phê chuẩn. Trong đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh, hiệu quả hơn của đất nước.

Cùng với đó là các văn kiện liên quan đến biên giới đã góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, đóng góp vào việc tăng cường đoàn kết, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa nước ta với các nước láng giềng Lào, Campuchia.

Quốc hội cũng đã thể hiện rõ nét hơn vai trò “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam; đồng thời, là “thành viên có trách nhiệm”, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Điểm nhấn nổi bật là đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41)...

Phương thức hoạt động thích ứng, linh hoạt

Phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá (nhất là kỳ họp thứ 9, thứ 10 đã được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung), kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.

Các kỳ họp đã diễn ra dân chủ, công khai, có nhiều cải tiến, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Kỳ họp Quốc hội không chỉ là nơi các đạo luật, quyết sách quan trọng được xem xét kịp thời, thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, mà còn là nơi phản chiếu đầy đủ, sát thực, rõ nét đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và là nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích của Nhân dân, quốc gia, dân tộc... là những minh chứng rõ nét, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Hoạt động tiếp xúc cử tri được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, trách nhiệm cao, linh hoạt, dưới nhiều hình thức (như: định kỳ, chuyên đề, trực tuyến,…); có sự đổi mới về cách thức thực hiện, thu hút sự tham dự đông đảo của cử tri cũng như thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở.

Ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp, tổng hợp kịp thời và được chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên.

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân, theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã có nhiều cố gắng và chuyển biến tích cực. 

Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh đầy những khó khăn cho thấy bản lĩnh và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh đầy những khó khăn cho thấy bản lĩnh và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TTXVN

6 bài học kinh nghiệm quý

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định, bổ sung, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý được Quốc hội các khóa rút ra, đó là: Một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tạo không khí dân chủ và phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội.

Hai là, kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Sự đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, trách nhiệm và phát huy dân chủ là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban ngày càng nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giám sát và kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi phụ trách, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội góp phần quan trọng vào các kết quả hoạt động của Quốc hội, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội và là cầu nối giữa Quốc hội và địa phương.

Ba là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và Nhân dân vừa là động lực, vừa là nguồn động viên to lớn để Quốc hội, đại biểu Quốc hội nỗ lực hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bốn là, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội nhận thức rõ vinh dự và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, thể hiện được bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, khát khao cống hiến; là cầu nối quan trọng giữa Quốc hội và cử tri thông qua việc lắng nghe, phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào nghị trường cũng như tuyên truyền, đưa chính sách và quy định của pháp luật vào cuộc sống.

Năm là, coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, chủ động, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Sáu là, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hiện đại hóa phương thức hoạt động, khai thác, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, từng bước hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để đổi mới phương pháp, cải thiện tiến độ, chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử. Tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, bảo đảm sự ổn định là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.  

Quốc Trần

Tin khác

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nên nghiên cứu chính sách để đưa vào dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

(CLO) Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 4,5 ngày làm việc.

Tin tức
Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

(CLO) UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Việt Nam từ ngày 21-24/4.

Tin tức
ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

(CLO) Tại tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.

Tin tức