Cử tri cả nước chờ đợi đợt lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. (Ảnh minh họa)
Theo dự kiến chiều 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh gồm, Các lãnh đạo đảm nhiệm chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Quốc hội; 12 chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 20 bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
So với lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất (năm 2014), kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông; do tính đến thời điểm lấy phiếu hai người giữ chức danh này chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định.
Trong danh sách 48 người lấy phiếu tín nhiệm lần này có 14 vị đã từng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào lần đầu tiên (2013) và 15 vị vào lần thứ hai (2014).
Trước kỳ họp Quốc hội khoảng một tháng, 48 người trong danh sách đều đã gửi báo cáo đánh giá (5 trang) hoạt động của mình tới Quốc hội.
Trước đó tại buổi họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: “Việc lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cả quá trình công tác, nhiệm vụ được giao, kết quả hoàn thành, trong đó có cả việc tham khảo ý kiến của nhân dân. Cũng vì lý do này và để khách quan, việc lấy phiếu tín nhiệm được đẩy lên trước phiên chất vấn, trả lời chất vấn, 18 thành viên của Quốc hội có nhiệm vụ khác so với thành viên Chính phủ. Tất cả các chức danh lấy phiếu tín nhiệm đều phải căn cứ vào nhiệm vụ và mức độ hoàn thành để đánh giá, không có chuyện các thành viên của Quốc hội có "lợi thế" hơn các chức danh khác khi lấy phiếu tín nhiệm” Tổng thư ký Quốc hội cho biết.
Đắc Nguyên