(CLO) Sáng nay 25/3, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Dược (sửa đổi). Dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, gồm 14 chương, 120 điều, dự kiến được thông qua vào ngày 6/4 tới.
Buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dược (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Nội dung về chứng chỉ hành nghề dược thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án trong dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và nhấn mạnh đây chính là sự thể hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
[caption id="attachment_89076" align="aligncenter" width="640"]
Nội dung về chứng chỉ hành nghề dược thu hút sự quan tâm của đại biểu. (Ảnh:Thanh Chương)[/caption]
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) phân tích: "Học đại học xong 5 năm mới nhận được danh hiệu dược sỹ, học đại học 6 năm mới nhận được danh hiệu bác sỹ sau đó phải có thời gian hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên thì mới nhận được chứng chỉ hành nghề, như vậy trải qua giai đoạn từ 7-8 năm để tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm nên việc quy định cấp chứng chỉ 5 năm là không phù hợp".
Về vấn đề nên là "thi chứng chỉ hành nghề hay cấp chứng chỉ hành nghề", theo đại biểu Minh Phương, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cho các ngành đào tạo, các trường đại học đa ngành hay trường đại học ngoài công lập đua nhau đào tạo y dược, Bộ Y tế không kiểm soát được hết chất lượng trong quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra. Đại biểu đề xuất cần thi chứng chỉ hành nghề không chỉ riêng ngành dược mà rất cần thiết cho ngành y.
"Dù tốt nghiệp ở bất cứ trường nào nhưng nếu đạt được ngưỡng điểm cao thì sẽ được hành nghề tuyến tỉnh, trung ương, điểm thấp hơn thì chỉ được hành nghề ở tuyến huyện và nếu có nhu cầu thì người hành nghề sẽ tiếp tục thi chứng chỉ hành nghề để lên tuyến cao hơn"- đại biểu Minh Phương nói.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), dù chứng chỉ hành nghề dược được cấp một lần, nhưng các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát đầy đủ và thường xuyên qua việc cấp mới, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề dược.
Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược đối với“người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp” tại khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, qui định trong dự thảo luật Dược, nhà thuốc bán từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau theo phân công của Giám đốc Sở Y tế là không hợp lý. Theo đại biểu, luật chỉ nên đưa ra chính sách khuyến khích để người kinh doanh tự quyết định phục vụ 24 giờ hay không, và chỉ thu thêm một khoản phí nhỏ đủ để chi phí cho dược sỹ phục vụ ban đêm. Với vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, luật qui định tối thiểu bố trí nhà thuốc phục vụ 24 giờ thì nhà nước có chính sách hỗ trợ, do Bộ Y tế qui định.
Cho ý kiến vào Điều 83 dự thảo Luật dược (sửa đổi) về quảng cáo thuốc, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cân nhắc việc quảng cáo thuốc thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và theo các quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan.
Hiện nay, cả nước có hơn 40.000 điểm bán lẻ, 137 nhà máy sản xuất thuốc, trên 130 cơ sở đăng ký hộ kinh doanh sản xuất thuốc dược liệu, 100 doanh nghiệp nhập khẩu, 7 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo quản thuốc, 7 doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc GPP và hơn 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc.
Như vậy, với yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng nâng cao và thông tin phát triển mạnh mẽ, thì số lượng thuốc cần quảng cáo cũng ngày càng tăng. Nếu quy định chỉ Bộ Y tế có quyền xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, đại biểu lo ngại "không xuể" và cũng chưa chú trọng vào vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Buổi chiều nay, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Thanh Tân