Quốc hội thảo luận về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách

Thứ bảy, 26/05/2018 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018- 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khoản xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với quỹ bảo hiểm xã hội liên quan đến đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước 1/1/1995 được xác định là 22.090 tỷ đồng.

Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quốc hội

Ngày 16/12/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ thực hiện chuyển kinh phí từ ngân sách hàng năm vào quỹ để đóng khoản này. Nhưng trong dự toán ngân sách năm 2016- 2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng nêu trên. Lý do là hiện tại hàng năm Quỹ Bảo hiểm xã hội đều có kết dư, nếu ngân sách bố trí chuyển 22.090 tỷ đồng vào quỹ thì cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ.

Đối với vấn đề khai thác tài nguyên nước, căn cứ các quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh ban hành, dự kiến năm 2018 có 32 địa phương phát sinh nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với tổng số khoảng 326,6 tỷ đồng.

Trong dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 Chính phủ trình và được Quốc hội quyết định đã xác định phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tương tự như đối với nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, đối với trường hợp giấy phép do cơ quan Trung ương cấp thì phân chia 70% số thu cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương; trường hợp giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, thì phân chia 100% cho ngân sách địa phương.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về việc phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, việc phân chia nguồn thu này cho Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương như Chính phủ đề nghị tương tự như đối với tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đang được áp dụng hiện nay là phù hợp và mức phân chia này đã được Chính phủ tính toán khi xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018. Vì vậy, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với tỷ lệ phân chia nguồn thu này như đề nghị của Chính phủ.

Về việc phát hành Trái phiếu Chính phủ nhận nợ với quỹ bảo hiểm xã hội về khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995, về lộ trình phát hành trái phiếu Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản nợ nêu trên. Trong đó, năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng; đồng thời tính lãi đối với khoản nợ này từ ngày 1/1/2016.

Vấn đề này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với lộ trình phát hành trái phiếu Chính phủ như Chính phủ đề nghị. Đối với số lãi phát sinh, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam phù hợp với thực tế hoặc sẽ được cộng dồn vào năm 2020 để thanh toán. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ tính hợp lý của việc tính lãi từ thời điểm 1/1/2016 trong khi phát hành trái phiếu Chính phủ ghi nợ có lộ trình 3 năm, bắt đầu từ năm 2018.

Báo Công luận
 Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra

Về tác động của việc phát hành trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo của Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ nêu trên không làm tăng bội chi Ngân sách nhà nước năm 2018, nợ công giai đoạn 2018- 2020 tăng khoảng 0,4% GDP và vẫn bảo đảm an toàn nợ công giai đoạn 2018- 2020. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ chú trọng trong điều hành cân đối ngân sách Nhà nước, phải kiên quyết bảo đảm tổng mức vay của ngân sách được Quốc hội quyết định hàng năm và trần nợ công trong giới hạn quy định.

Để có cơ sở pháp lý thực hiện việc phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017 và phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Quốc hội chấp thuận phương án Chính phủ trình và xem xét, ban hành Nghị quyết về các nội dung trên.

Tiếp đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017 bao gồm các nội dung: Căn cứ pháp lý, sự cần thiết, tính hợp lý của tỷ lệ phân chia cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995: Căn cứ pháp lý, sự cần thiết, lộ trình phát hành trái phiếu Chính phủ, thời điểm tính lãi.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì phải tính lãi cho số tiền 20.090 tỷ từ năm 2006, tức từ khi Luật bảo hiểm 2006 có hiệu lực và tính theo phương án lãi gộp như trong tờ trình số 480 của Chính phủ. Đại biểu nhấn mạnh, không gây sức ép lên trần nợ công nhưng không thể thoái thác nghĩa vụ với người lao động chỉ vì trần nợ công của Chính phủ.

Do đó, phải tính cả gốc cả lãi từ 2006 đến nay và đề nghị Quốc hội cho khoanh nợ đến khi nào Chính phủ có điều kiện thì chuyển trả cho quỹ bảo hiểm xã hội để trả cho người lao động, qua đó chúng ta báo cáo với người lao động và toàn dân về sự sòng phẳng với tư cách là người đại diện sử dụng lao động lớn nhất, thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm của Chính phủ đối với người lao động.

Đối với vấn đề khai thác tài nguyên nước, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) kiến nghị làm rõ vấn đề thuế tài nguyên nước và thuế mặt nước bởi có nhiều doanh nghiệp cho rằng đang diễn ra tình trạng thuế chồng thuế. Đại biểu ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất nước sinh hoạt, khi doanh nghiệp có hồ trữ nước thì thuế tài nguyên được tính theo mét khối, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải chịu thêm một thuế nữa là thuế thuê mặt nước ở chính tại hồ chứa nước đó.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình một số ý kiến mà các đại biểu Quốc hội nêu.

Về việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn vừa qua ngân sách gặp khó khăn nên việc chi trả chưa được thực hiện.

"Ngân sách nhà nước muốn tập trung nguồn lực cho đầu tư, chi trả an sinh xã hội, nên chúng ta đã bỏ ngỏ việc này. Đây là thực tế của nhiều nhiệm kỳ từ 1995 đến bây giờ. Nhưng năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và hôm nay tiếp tục báo cáo Quốc hội thì cũng là thể hiện trách nhiệm của Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói, đồng thời đề nghị Quốc hội thống nhất với tờ trình của Chính phủ để giải quyết vấn đề này.

Về việc phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh 4 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận có “khoảng trống” trong pháp luật với lý do là nghị định ra chậm so với luật. Bộ trưởng cho biết thêm, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính báo cáo và có giải pháp trong thời gian tới.

PV

Tin khác

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 16/4/2024. Trong đó, Nghị định quy định rõ về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển.

Tin tức
Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Tin tức