(CLO) Tại Toạ đàm Đóng góp ý kiến cho quy hoạch điện VII hiệu chỉnh (QHĐ), chuyên gia Vũ Tiến Long, Liên minh Năng lượng cho rằng sau 3 năm thực hiện QHĐ VII, lưới điện truyền tải được xây dựng với khối lượng khá lớn nhưng mới chi đạt tỷ lệ dưới 50% so với yêu cầu quy hoạch của cả giai đoạn 2011-2015. Tình trạng chậm tiến độ của các công trình 500-220kV diễn ra ở cả 3 miền, tập trung ở miền Bắc và miền Nam. Do đó, trong những năm vừa qua, vào thời điểm nắng nóng, nhiều công rình đường dây và trạm biến áp vận hành đầy và quá tải.
Là một nền kinh tế mới nổi, nhu cầu điện năng ở Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể trong giai đoạn tiếp theo từ 2010 tới 2030. Với thực tế đó, năm 2011, QHĐ VII cho giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn tới năm 2030 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại quyết định số 1208/QĐ- TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011. QHĐ VII đưa ra quy hoạch phát triển cơ bản cho ngành điện và xác định các loại hình và số lượng nhà máy điện sẽ được xây dựng cũng như thời hạn hoàn thành các công trình điện và đường dây truyền tải quan trọng. Tuy nhiên sau thời gian triển khai, QHĐ VII đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để thực hiện mục tiêu đề ra theo tổng sơ đồ điện, bên cạnh đó nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc phát triển các nhà máy điện, nguồn năng lượng, các vấn đề về kinh tế và quy hoạch địa phương cũng đã hạn chế đến tiến độ thực hiện. [caption id="attachment_66993" align="aligncenter" width="600"]
Trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VII, một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, phát triển lưới điện truyền tải 220 kV đạt thấp đã ảnh hưởng đến đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.[/caption]
Dự báo nhu cầu điện quá cao Theo các chuyên gia của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), dự báo nhu cầu điện là khâu quan trọng nhất trong quy hoạch phát triển điện, dự báo chính xác hoặc tương đối chính xác sẽ giúp cho sự phát triển hài hòa của nguồn điện, lưới truyền tải và phân phối điện. Dự báo phụ tải cao sẽ dẫn đến khó khả thi khi thực hiện vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lãng phí, khó khăn trong giải pháp mặt bằng và xây dựng. Xây dựng xong sẽ thừa, gây lãng phí nguồn vốn lớn và sẽ gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn. Trong QHĐ VII, nhu cầu điện năng được dự báo là quá lớn. Nguyên nhân sâu xa của việc này là do chọn tốc độ tăng trưởng GDP chưa phù hợp, thiên cao khá xa so với thực tế, cụ thể GDP chọn cho giai đoạn từ 2010 – 2015 là từ 7,5% đến 8%, nhưng thực tế chỉ đạt dưới 6%, các năm sau tương tự. Phương pháp luận tính toán trong quy hoạch cũng cần xem xét lại và số liệu có độ tin cậy chưa cao. Bên cạnh đó, QHĐ VII chưa đánh giá cũng như quan tâm đầy đủ đến vai trò của tiết kiệm và sử dụng điện năng trong việc đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, QHĐ VII đặt ra chỉ tiêu đối với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn thấp (từ 1 – 3%/ năm). Trong khi tiềm năng trong mảng này còn khá lớn. Tiết kiệm và hiệu quả điện năng mới chỉ là khuyến khích, chưa đưa vào kế hoạch hóa, do đó dẫn đến dự báo nhu cầu điện năng còn quá cao. Nếu giảm được nhu cầu này do tiết kiệm điện năng sử dụng sẽ giảm được xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than. Giảm nhiều chi phí đầu tư, giảm nhập khẩu than, giảm phát thải khí nhà kính, giảm áp lực môi trường và nâng cao an ninh năng lượng. Những thực tế này đang thách thức tính khả thi và hiệu quả của QHĐ VII.
Rào cản chính sách Cho đến nay, chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam chủ yếu được xây dựng ở cấp trung ương và cấp tỉnh, quá trình xây dựng chính sách khá khép kín và chủ yếu được thảo luận với một số các cơ quan Nhà nước có liên quan. Điều này hạn chế khả năng huy động sự tham gia đóng góp của các bên liên quan bao gồm khối tư nhân, các tổ chức xã hội và cộng đồng cho quá trình thực thi có hiệu quả cao nhất.
Ở nước ta, Quốc hội đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được triển khai. Nhiều chỉ tiêu tiết kiệm đã được đề ra. Trong QHĐ VII, tiết kiệm và hiệu quả điện năng cũng được nhắc tới. Tuy nhiên, tính pháp quy chưa được đề cao, mới chỉ mang tính khuyến khích, động viên. Hơn nữa, việc tính toán còn mang tính ước lệ. Do đó, hầu hết các chuyên gia tại buổi Toạ đàm cho rằng, chính sách cần có sự đổi mới trong tư duy quy hoạch, quan tâm hơn tới vấn đề kinh tế, hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng. Nói cách khác, quy hoạch không chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh mà chính quy hoạch cũng cần phải có thúc đẩy những ngành phải đổi mới công nghệ và quản lý tốt đảm bảo tiết kiệm năng lượng. Quy hoạch cần phải quan tâm tới phát triển đồng thời cân nhắc tới yếu tố môi trường, giảm tối đa các tác động xấu tới môi trường nhằm hướng tới phát triển năng lượng một cách bền vững. Mặt khác do tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của QHĐ và năng lượng quốc gia, các chuyên gia cũng kiến nghị trước khi phê duyệt quy hoạch, Chính phủ cần lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội để bản kế hoạch phát triển Điện lực Việt Nam đạt được đồng thuận nhiều hơn và hỗ trợ quá trình thực hiện khả thi hơn.