Quyền lực của NRA hay căn nguyên của “đại dịch bạo lực súng đạn” tại nước Mỹ

Thứ sáu, 03/06/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sự tồn tại với quyền lực gần như bất biến của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) có thể là câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi hóc búa và quá ư nhức nhối của đương kim chủ nhân Nhà Trắng trước vấn nạn bạo lực xả súng liên tục xảy ra tại nước Mỹ.

Sau vụ xả súng gây rúng động tại Trường Tiểu học Robb ở thành phố Uvalde thuộc bang Texas làm hàng chục học sinh vô tội thiệt mạng ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải chua chát thốt lên: “Chúng ta còn chờ đến khi nào mới chống vận động hành lang ủng hộ súng đạn? Tại sao chúng ta sẵn lòng sống chung với cuộc tàn sát này? Tại sao chúng ta cứ để chuyện này liên tục xảy ra?”.

Sự tồn tại với quyền lực gần như bất biến của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) có thể là câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi hóc búa và quá ư nhức nhối của đương kim chủ nhân Nhà Trắng.

Nhóm vận động hành lang quyền lực

NRA được thành lập vào năm 1871 bởi một nhóm cựu binh mê súng trên tư cách là “một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ cho quyền sở hữu súng của người Mỹ”. Tiêu chí hoạt động của tổ chức này nghe qua khá mỹ miều: “Cải thiện kỹ năng sử dụng súng trường trên cơ sở khoa học”.

Một năm sau đó, NRA lập ra Ủy ban vận động hành lang để bảo vệ lợi ích của tổ chức, chính xác là vận động cho việc sở hữu, vận chuyển, mang theo và chuyển giao quyền sử dụng súng theo quy định của Hiến pháp Mỹ.

quyen luc cua nra hay can nguyen cua dai dich bao luc sung dan tai nuoc my hinh 1

Ba cô gái đau buồn khi tiễn người thân trong vụ xả súng tại Trường trung học Columbine năm 1999. Hai thanh niên Dylan Klebold và Eric Harris đã bắn 188 viên đạn trong vòng chưa đầy 1 giờ vào đám đông là học sinh. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo thời gian, NRA dần vượt qua khuôn khổ của một tổ chức phi lợi nhuận của những người mê súng và tới năm 1934, NRA bắt đầu “chính trị hóa” hoạt động của mình với việc tham gia vào việc vận động hành lang cho việc chống lại các đạo luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Cũng năm đó, ngay sau khi Đạo luật Vũ khí Quốc gia (NFA) được thông qua, NRA đã thành lập Bộ phận Lập pháp gồm nhiều nhà phân tích, cựu chính trị gia để phân tích, đánh giá và nhận định về đạo luật này.

Những năm tháng sau này, mọi hoạt động của NRA cũng đều chỉ để phục vụ một mục đích duy nhất: bảo vệ cái gọi là “văn hóa súng đạn của nước Mỹ”.

Năm 1968 khi Đạo luật Kiểm soát Súng (GCA) của Mỹ ra đời, NRA cũng một mực lên tiếng ủng hộ.

Năm 1975, NRA thành lập Viện NRA Hành động cho Lập pháp (NRA-ILA), một liên minh hùng hậu với các chính trị gia để tìm cách tác động trực tiếp tới chính sách sử dụng súng đạn của Mỹ.

Năm 1977, NRA tiếp tục thành lập Ủy ban Hành động Chính trị (PAC). Năm 1986, với việc thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Bảo vệ chủ sở hữu súng (FOPA), quyền lực của NRA lại một lần nữa được mở rộng.

Những năm đầu 2000, quyền lực của NRA liên tục được củng cố vững chắc khi NRA được cho là tổ chức đã “hậu thuẫn tài chính” cho nhiều nghị sĩ, chính trị gia.

Theo nhóm giám sát phi lợi nhuận OpenSecrets, NRA đã trực tiếp trao hơn 600.000 USD cho các chính trị gia trong cuộc bầu cử năm 2020. 

Theo nhiều thông tin, NRA đã móc hầu bao ra hàng trăm triệu USD, trung bình mỗi năm 3 triệu USD để vận động hành lang để tác động tới chính sách kiểm soát súng của Mỹ.

Thậm chí, có thông tin còn tiết lộ rằng NRA công khai xếp hạng các nghị sĩ, chính trị gia theo thứ tự từ A đến F về mức độ những người này ủng hộ quyền sử dụng súng. Với những nhân vật bị đánh dấu F - tức những người kịch liệt phản đối việc sử dụng súng đạn, theo ngôn ngữ của NRA là “những kẻ thù thực sự của quyền sở hữu súng”, NRA sẽ tìm mọi cách để tẩy chay họ.

Cựu Tổng thống Mỹ B. Obama từng là một nhân vật bị đánh dấu F như thế và trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, NRA được cho là đã bỏ ra tới 10 triệu USD để tiến hành các hoạt động chống lại ông.

quyen luc cua nra hay can nguyen cua dai dich bao luc sung dan tai nuoc my hinh 2

Biểu tình bên ngoài hội nghị thường niên năm nay của NRA.

Cùng với tiền bạc rủng rỉnh, góp phần củng cố quyền lực của NRA còn là con số thành viên không ngừng tăng lên, theo những tài liệu chưa được khẳng định thì cách đây 10 năm, con số thành viên của tổ chức này đã là 5 triệu người.

Trong số những thành viên của NRA cũng có không ít những nhân vật nổi tiếng và quyền lực như cố Tổng thống George HW Bush, MC diễn viên Whoopi Goldberg…

Sứ mệnh gây tranh cãi và bệnh dịch dai dẳng của nước Mỹ

Sứ mệnh hay tiêu chí hoạt động của NRA ngay từ những ngày đầu là bảo vệ cho được quyền kiểm soát và sử dụng súng đạn, với lý lẽ rằng: nhiều súng hơn sẽ khiến nước Mỹ an toàn hơn và vì thế, công dân Mỹ phải có quyền mang vũ khí mà không phải chịu bất cứ sự giám sát nào từ chính quyền.

Trong mọi hoạt động, NRA đều nhằm mục tiêu chống lại mọi hình thức kiểm soát súng đạn, phản đối hầu hết các quy định, đạo luật hạn chế quyền sở hữu súng của cấp hạt, bang và liên bang đồng thời ủng hộ các điều luật mở rộng quyền sử dụng súng.

Nhưng nhìn lại những gì đã xảy đến với nước Mỹ mấy thập kỷ qua, dễ thấy súng đã không khiến nước Mỹ an toàn hơn. Thậm chí, việc sử dụng súng đạn đã trở thành một thứ bạo lực, một vấn nạn, trở thành nỗi đau dai dẳng của nước Mỹ.

Theo một nghiên cứu, Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu tới 42% số súng trên thế giới. Giai đoạn 1966 - 2012, khoảng 31% kẻ xả súng trên thế giới là người Mỹ.

Nếu năm 2000 cả nước Mỹ chỉ có 2.222 công ty sản xuất vũ khí đang hoạt động, thì 10 năm sau, con số này đã lên tới 16.963 công ty.

Một cuộc khảo sát về súng đạn trên toàn quốc cho thấy khoảng 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ (tương đương khoảng 81,4 triệu người) sở hữu ít nhất một khẩu súng, khiến dân Mỹ trở thành các công dân được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới.

Tổn thất chỉ riêng về người do súng đạn gây ra tại Mỹ cũng khủng khiếp không kém. Tính đến ngày 31/12/2021, bạo lực súng đạn trên toàn nước Mỹ đã làm 44.750 người thiệt mạng, 40.359 người bị thương, trong số đó có 1.533 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 17 tuổi bị thiệt mạng.

Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó.

Còn từ đầu năm 2022 đến nay, theo Gun Violence Archive – một tổ chức thu thập dữ liệu độc lập, tính đến ngày 24/5 – ngày thứ 144 trong năm, nước Mỹ đã chứng kiến 212 vụ xả súng (kênh truyền hình CNN định nghĩa một vụ xả súng là một vụ tai nạn trong đó trên 4 nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương do súng bắn).

Còn theo David Riedman - trưởng nhóm nghiên cứu về các vụ xả súng trường học của trường Đào tạo sau đại học Hải quân Mỹ, từ đầu năm nay, hầu như ngày nào tại Mỹ cũng ghi nhận một vụ xả súng liên quan đến trường học.

quyen luc cua nra hay can nguyen cua dai dich bao luc sung dan tai nuoc my hinh 3

Điều đáng nói là vụ xả súng nào xảy ra, dư luận cả chính quyền Mỹ cũng hết sức bất bình, phê phán gay gắt.

Trong bài phát biểu dài 7 phút kèm theo nhiều xúc động tại phòng Roosevelt ở Nhà Trắng sau vụ xả súng hôm 24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố “đến lúc biến nỗi đau thành hành động”.

Vị Tổng thống cũng chỉ tên các nhà sản xuất súng và đại diện ở Washington, kêu gọi các chính trị gia đứng lên chống lại sức mạnh mà họ nắm giữ.

Tổng thống Joe Biden thậm chí còn kêu gọi Quốc hội nước này thông qua luật kiểm soát súng đạn.

Tuy nhiên, khi chưa động thái nào được thực thi thì nước Mỹ lại rùng mình trước một đợt xả súng mới, cũng đau đớn và tàn bạo không kém đợt cũ. 1 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong một vụ xả súng tại lễ hội ngoài trời ở bang Oklahoma, Mỹ ngày 29/5, nghĩa là chỉ 5 ngày sau vụ xả súng đẫm máu tại Texas. 

Ngày 27/5, khi nỗi đau tại Texas còn chưa hề nguôi ngoai, NRA đã tổ chức một Hội nghị thường niên ở Houston, bất chấp nhiều diễn giả và nghệ sĩ tuyên bố rút khỏi hội nghị năm nay, bất chấp những cuộc biểu tình đầy phẫn nộ bên ngoài cuộc họp.

Nhưng chừng nào sự ngang nhiên ấy còn tiếp diễn, thì bạo lực súng đạn vẫn cứ còn dai dẳng tại nước Mỹ, sinh mạng người dân vô tội vẫn còn bị đe dọa.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

(CLO) Con tàu container làm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) không chỉ gây tắc nghẽn một cảng sầm uất mà còn nhắc nhở về sự mong manh, dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

(CLO) Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã sập vào sáng sớm ngày 26/3 do bị một tàu chở hàng container đâm vào trụ cầu, khiến 6 người rơi xuống làn nước lạnh giá bên dưới và mất tích.

Tiêu điểm Quốc tế
Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Tiêu điểm Quốc tế
Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

(CLO) Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.

Tiêu điểm Quốc tế
ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

(CLO) Chi nhánh IS ở Afghanistan - hay còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Moscow hôm 22/3. Vậy nhóm khủng bố này có gì đặc biệt và vì sao chúng lại ra tay?

Tiêu điểm Quốc tế