(NB&CL) Theo lộ trình phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 đã được UBND TP.HCM phê duyệt, đến ngày 31/12/2016, Cửa hàng thực phẩm Bình Đông của Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp giết mổ heo tại địa chỉ 213 Bến Bình Đông (Phường 11, quận 8, TP.HCM) sẽ là cơ sở giết mổ tiếp theo phải ngưng hoạt động.
Như vậy, sau hai lò giết mổ thủ công Nam Phong (quận Bình Thạnh) và Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) đã chính thức đóng cửa vào cuối tháng 6/2016 thì Cửa hàng thực phẩm Bình Đông của Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp giết mổ heo (quận 8) sẽ là lò mổ thứ 3 bị đóng cửa theo lộ trình. Thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn những lò mổ nhỏ lẻ và xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc giám sát thú y và theo dõi dịch bệnh…
Theo kế hoạch sắp xếp nhằm đảm bảo lượng thịt cung cấp cho thị trường, đặc biệt là vào dịp cao điểm cuối năm đang cận kề, các chủ hàng gia công giết mổ đang hoạt động tại 213 Bến Bình Đông, phường 11, quận 8 sẽ được chuyển sang giết mổ tại Công ty TNHH MTV VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan) tại 420 Nơ Trang Long, P. 13, Quận Bình Thạnh với số lượng dự kiến khoảng 300 con/ ngày, nâng công suất giết mổ tại cơ sở này thành 2.300 con/ngày. Như vậy, kết thúc năm 2016, toàn Thành phố còn tồn tại 17 cơ sở giết mổ heo tại 11 quận, huyện, với công suất giết mổ bình quân hàng ngày khoảng 8.030 con.
[caption id="attachment_137110" align="aligncenter" width="640"]
Nằm giữa khu dân cư, khu vực có nhiều trường học, cơ sở giết mổ heo tại 213 Bến Bình Đông, phường 11, quận 8, TP.HCM thật sự là nỗi ám ảnh đối với người dân và nhiều phụ huynh học sinh.[/caption]
Lệ phí gia công, chi phí vận chuyển tăng và nhất là việc kiểm dịch thú y nghiêm ngặt đã khiến nhiều chủ hàng vốn thường xuyên gia công giết mổ tại 213 Bến Bình Đông khi bị buộc chuyển sang gia công tại 420 Nơ Trang Long lo ngại. Tuy nhiên, người dân địa phương lại tỏ ra phấn khởi trước thông tin chuyển đổi. Bởi nằm ở xen lẫn giữa khu vực đông dân cư, lại gần nhiều trường học, cửa hàng thực phẩm Bình Đông của Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp giết mổ heo nhiều năm qua thật sự là một gánh nặng về ô nhiễm môi trường ở khu vực phường 11, quận 8, dư luận địa phương đã nhiều lần phản ánh.
Mới đây nhất, ngành Thú y TP.HCM đã thẳng thừng bác đơn xin gia hạn thời gian hoạt động của 2 lò mổ Nam Phong (Quận Bình Thạnh) và Hiệp Bình Chánh (Quận Thủ Đức), cương quyết đóng cửa hai cơ sở giết mổ gây ô nhiễm này. Một lãnh đạo trong ngành thú y từng khẳng định: “Mọi dự định đều đã có lộ trình cụ thể và phù hợp theo từng giai đoạn. Sở dĩ kế hoạch trước đây không hoàn thành là do tâm lý của thương lái, chủ lò không muốn dời đi; đồng thời các nhà máy công nghiệp chỉ mới hoàn thành cấp phép xây dựng. Nay, Thành phố quyết liệt, mạnh tay trong việc di dời lò mổ thủ công không đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường ra khỏi khu dân cư, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Nếu tiếp tục được triển khai quyết liệt, tin chắc rằng đến cuối năm 2017, phương án đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thủ công trong thành phố, đưa gia súc, gia cầm vào các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung sẽ thành hiện thực, giải tỏa được vấn nạn ô nhiễm môi trường đã khiến bà con nội đô lên tiếng từ nhiều năm nay. Khi đó, tất cả những cơ sở giết mổ thủ công sẽ phải đóng cửa và chuyển heo về giết mổ tại Trung tâm giết mổ quận Bình Tân, Nhà máy giết mổ của Công ty Vissan. Ngoài ra, hoạt động giết mổ heo sẽ được đưa vào hoạt động tại 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, với công suất giết mổ từ 10.000 đến 15.000 con/ ngày.
Trọng Hiếu