Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2023):

Quyết tâm chiến lược cho ngày toàn thắng

Chủ nhật, 30/04/2023 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong rất nhiều yếu tố đã làm nên thành công của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, không thể thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo đầy mưu lược, sáng tạo, quyết tâm chiến lược của Đảng ta…

Những chỉ đạo chiến lược kịp thời, chính xác, kiên quyết, linh hoạt của Bộ Chính trị, sự thần tốc, kỹ lưỡng trong việc xây dựng kế hoạch tổng tiến công… đã góp phần làm nên ngày toàn thắng cách đây 48 năm.

Từ việc nhận diện sớm thời cơ và hai hội nghị quan trọng năm 1973

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, dẫn đến, tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản, theo hướng có lợi cho ta và bất lợi cho địch, đặc biệt là việc quân chiến đấu Mỹ - chỗ dựa chủ yếu của chính quyền và quân đội Sài Gòn đã “cuốn gói” ra đi.

Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới, như nhìn nhận của thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng, Hiệp định Paris là điều kiện tiên quyết để chúng ta quyết định thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng theo nhìn nhận của thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, sự chủ động chiến lược của Đảng trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân giải phóng đã được thể hiện rõ trong giai đoạn chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong mấy tháng đầu sau khi ký Hiệp định Paris (27/1/1973), ta đã nhanh chóng chuyển thế chiến lược trên tất cả các chiến trường ở miền Nam. Đặc biệt, việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cách mạng, hình thành các quân đoàn chủ lực thể hiện rõ sự chủ động chiến lược của ta.

quyet tam chien luoc cho ngay toan thang hinh 1

Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. Ảnh: Minh Lộc/TTXVN

Để định ra chủ trương, phương hướng cho cách mạng miền Nam, ngày 19/4/1973, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các chiến trường miền Nam đã được triệu tập về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình, chuẩn bị nội dung cho hội nghị Bộ Chính trị. 

Ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng với sự tham gia của một số đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường. Sau khi nghiên cứu, thảo luận, Hội nghị thống nhất nhận định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn sau Hiệp định Paris là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. 

Hội nghị xác định: Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; kiên quyết đánh bại âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Paris của địch; giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị điều kiện đầy đủ nhất để có thể chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống, sẵn sàng đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khoá III) họp hai đợt (đợt I từ ngày 19/6 đến ngày 06/7/1973, đợt II từ ngày 01/10 đến ngày 04/10/1973) đã định hướng cho việc hình thành chiến lược giải phóng miền Nam. Hội nghị khẳng định: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên”.

Đến bản kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam: 8 lần sửa đổi, hoàn thành thần tốc trong gần 2 tháng

Tháng 3/1974, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 21 về mặt quân sự, Hội nghị Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh hoạt phương châm và phương thức đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược.

Ngày 21/7/1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra hội nghị quan trọng, do Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn chủ trì, có sự tham gia của đại diện Quân ủy Trung ương, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu). Hội nghị đánh giá: “Thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam đã xuất hiện... Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, các thế lực xâm lược được hồi phục thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng… Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo, có như thế mới tạo được bất ngờ, làm cho quân địch và các thế lực thù địch khác không kịp trở tay”

Trở lại cột mốc năm 1973. Thực ra ngày sau thắng lợi của Hiệp định Paris, với việc nhận diện rất sớm và chính xác thời cơ, ta đã có những ý tưởng đầu tiên về một bản kế hoạch giải phóng miền Nam. Cụ thể, từ tháng 4/1973, theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Cùng thời gian đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị hình thành một Tổ trung tâm trong Bộ Tổng tham mưu có nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch này. Tất cả các thành viên trong tổ vốn là những chỉ huy dày dạn trận mạc. Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tổ trưởng. Tổ có các đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng và hai đồng chí Cục phó là Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức.

quyet tam chien luoc cho ngay toan thang hinh 2

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN

Là bản kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam dự kiến trong vòng 2 năm nên quá trình xây dựng kế hoạch hết sức kỹ lưỡng công phu. Tuy nhiên, để đảm bảo không bỏ lỡ thời cơ, tính khẩn trương, thần tốc đã là một trong những yêu cầu số 1.

Theo hồi ức của Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, một trong 4 người tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, ngày 5/6/1973, bản Dự thảo lần thứ nhất ra đời ghi rõ: “Phương hướng chiến trường, phương hướng chủ yếu các đòn chủ lực: 1- Hướng tiến công chủ yếu là Nam Bộ. 2- Còn hướng chủ yếu của chủ lực ta là: Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Chủ yếu là Tây Nguyên, vì địa hình tốt, bảo đảm phát huy được binh khí kỹ thuật, kết hợp được đòn tiến công chủ lực với đòn tiến công nổi dậy của đồng bằng Quân khu V; bảo đảm liên tục tiến công, có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, địch hiện tương đối yếu”. Công việc chuẩn bị này tuyệt mật và đang nằm trong phạm vi Bộ Tổng tham mưu.

Theo nhiều tài liệu, từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 8/1973, kế hoạch chiến lược đã được dự thảo ba lần, mỗi lần đều được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho ý kiến để bổ sung sửa chữa. Mỗi lần dự thảo và bổ sung đều thấy xuất hiện những vấn đề mới cần được tiếp tục trao đổi, thảo luận.

Trong lần dự thảo thứ ba, Tổ trung tâm đi sâu phân tích những đặc điểm của cuộc tổng khởi nghĩa, dự kiến thời cơ tổng khởi nghĩa có thể diễn ra và các biện pháp chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để tiến hành tổng khởi nghĩa, tổng công kích, lấy phát động quần chúng làm khâu chủ yếu nhất, trọng điểm số 1 là Sài Gòn. Tổng công kích – tổng khởi nghĩa trở thành vấn đề nổi bật được thảo luận rất nhiều trong những lần Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược.

Cũng theo Trung tướng Lê Hữu Đức, ngày 20/7/1974, đồng chí Lê Duẩn lại có cuộc gặp riêng với Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Bản kế hoạch đã dự thảo đến lần thứ 5.

Tại cuộc gặp này, đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo kỹ về tình hình quân ta và quân địch trên các chiến trường. Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn nói: “Hôm nay mời các anh ra đây để bàn chuyện lớn: Chúng ta phải giải phóng miền Nam ngay sau khi Mỹ rút...”. Và đồng chí đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo, xác đáng vào kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu.

Cuối cùng, đồng chí nói: “Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Tổng tham mưu là Bộ Chính trị phải có nghị quyết về tình hình mới, thống nhất hành động, thống nhất ý chí để huy động sức mạnh của cả nước vào sự nghiệp lớn lao này”. Sau buổi làm việc ấy, Tổ Trung tâm dự thảo lần thứ 6 “Kế hoạch tổng tiến công, tổng công kích” ngày 15/8/1974.

Kế hoạch này được sửa đổi 8 lần, đến cuối năm 1973, cơ bản thống nhất kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (dự kiến 1975 - 1976). Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, bản dự thảo lần thứ 8 được trình ra cuộc họp của Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, có các đồng chí phụ trách các chiến trường tham dự.

Bản dự thảo này nêu ra 3 phương án. Phương án I: Tổng tiến công chiến lược. Hướng chủ yếu là Tây Nguyên. Hướng tiến công chủ yếu và nổi dậy là miền Đông và Sài Gòn. Phương án II: Tổng tiến công và nổi dậy song song. Tập trung lực lượng vào hai trọng điểm Sài Gòn – miền Đông và Trị Thiên - Đà Nẵng.

Phương án III: Tổng nổi dậy kết hợp tổng tiến công. Hội nghị này đã lựa chọn phương án I và đồng thời có một quyết định vô cùng sáng suốt, thể hiện và nâng cao nghệ thuật quân sự lên một tầm cao mới: “Nếu tạo được thời cơ vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”.

Bộ Chính trị và những chỉ đạo Chiến lược trước giờ G

Bước vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị họp Hội nghị từ ngày 3/9 - 7/10/1974 để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị họp và cơ bản nhất trí với nội dung bản dự thảo Kế hoạch chiến lược do Cục Tác chiến chuẩn bị.

Bộ Chính trị khẳng định: Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn. Hai mươi năm nhân dân cả nước chiến đấu mới tạo được thời cơ này. Ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, địch gượng dậy được, các thế lực xâm lược bành trướng mạnh lên, tình hình sẽ phức tạp vô cùng.

Về mặt thời gian, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất đề án xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để. Hội nghị nhất trí lấy Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu năm 1975.

quyet tam chien luoc cho ngay toan thang hinh 3

Sáng 13/5/1975, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và quân, dân miền Nam ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào dự Lễ mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN.

Hơn hai tháng sau đó, sau khi theo dõi tình hình quốc tế và khu vực có liên quan, đồng thời nắm bắt cụ thể diễn biến từ chiến trường, có thêm cơ sở thực tiễn, Đảng triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (họp từ ngày 18/12/1974 - 8/1/1975), trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo, phụ trách các chiến trường từ miền Nam tham dự, tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cuộc họp sắp kết thúc thì các lực lượng vũ trang cách mạng giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long (ngày 6/1/1975). Bộ Chính trị đi sâu phân tích so sánh lực lượng trên chiến trường, khẳng định “thế của địch ngày càng xấu, lực của địch ngày càng suy”, và quyết định “phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”, và nêu rõ “phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”.

Như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Bộ Chính trị không ngừng bổ sung quyết tâm chiến lược, quyết định rút ngắn thời gian: giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975 (cuộc họp ngày 18/3/1975), giải phóng hoàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975 (cuộc họp ngày 25/3/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là ngay trong tháng 4 năm 1975 (cuộc họp ngày 1/4/1975).

Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, phút giây toàn thắng, đất nước trọn niềm vui

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cả nước ra sức chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Trước đó, thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, 2 miền Nam, Bắc khẩn trương hoàn tất các mặt chuẩn bị, cả về thế và lực. Miền Bắc đã chi viện 11 vạn cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển hơn 400.000 tấn vật chất vào miền Nam.

Những quân đoàn chủ lực cũng được thành lập, trong đó, Quân đoàn 1 thành lập ngày 24/10/1973, Quân đoàn 2 thành lập ngày 17/5/1974, Quân đoàn 4 thành lập ngày 20/7/1974, Quân đoàn 3 thành lập ngày 26/3/1975, Đoàn 232 (Binh đoàn cánh Tây Nam,) thành lập vào tháng 2/1975. Quân dân ta cũng xây dựng được hệ thống mạng lưới đường sá, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, hệ thống thông tin liên lạc nối từ Bắc vào Nam.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến trường Tây Nguyên được chọn làm hướng tiến công chủ yếu của cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975, với trận then chốt mở màn là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Chỉ sau không đầy hai ngày chiến đấu, đến 10 giờ 30 ngày 11/3/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là đòn phủ đầu điểm trúng huyệt kẻ thù, làm cho toàn bộ hệ thống phòng ngự chiến lược của địch ở Tây Nguyên bị rung chuyển mạnh. Trước tình hình ta thắng lớn ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Bộ Chính trị chỉ đạo hai đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Huế – Đà Nẵng và Sài Gòn – Gia Định. Từ ngày 6/3/1975, quân ta bắt đầu tiến công ở Trị Thiên và Khu 5. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Ngày 26/3/1975, Huế được giải phóng. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng.

Đến ngày 3/4/1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung được giải phóng. Ngày 4/4/1975, Quân ủy Trung ương giao cho Khu 5 và lực lượng Hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; từ ngày 14 - 29/4/1975, toàn bộ các đảo được giải phóng.

Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ từ chiến trường, sau những thắng lợi giòn giã ấy, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn về đòn tiến công chiến lược thứ ba giải phóng Sài Gòn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không để chậm”. Kế hoạch 5 tháng tiếp tục được rút xuống còn 4 tháng. Bộ Chính trị cũng đề ra phương châm chỉ đạo: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh và quyết định: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Sài Gòn - Gia Định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu và cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng của ta. Đây được xem là chiến dịch quyết chiến chiến lược với hình thức tiến công hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội ngụy tại Sài Gòn, tiến quân theo kế hoạch “giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”.

Trước đó, cùng ngày, Bộ Chính trị họp yêu cầu chuẩn bị mọi mặt từ Bộ Thống soái tối cao đến Bộ tư lệnh và các đơn vị ở chiến trường trọng điểm. Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Tổng thống ngụy quyền, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Tối 29, sáng ngày 30/4, với lực lượng áp đảo cần thiết, gồm 5 quân đoàn, binh khí kỹ thuật hiện đại đồng loạt tiến công vào trung tâm đô thành Sài Gòn, ta đã nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu chủ yếu, làm chủ thành phố. Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sài Gòn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. “Cách mạng đã giữ được thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn. Đó là một thành công to lớn mà cả thế giới thấy kinh ngạc” - báo chí thế giới không ngừng ngợi ca và thán phục.

Những quyết tâm chiến lược cho ngày toàn thắng cuối cùng, đã cho được quả ngọt, là đất nước, non sông thống nhất, liền một dải.

Hà Anh

Tin khác

Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

(CLO) Chiều 6/5, Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ trong khu di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Tin tức
Việt Nam mong muốn cùng Campuchia hợp tác chặt chẽ để phát triển bền vững dòng sông Mekong

Việt Nam mong muốn cùng Campuchia hợp tác chặt chẽ để phát triển bền vững dòng sông Mekong

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam mong muốn cùng Campuchia và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động sử dụng, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững dòng sông Mekong.

Tin tức
Bắc Ninh điều động, bổ nhiệm loạt cán bộ chủ chốt các sở, ngành, địa phương

Bắc Ninh điều động, bổ nhiệm loạt cán bộ chủ chốt các sở, ngành, địa phương

(CLO) Ngày 6/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội nghị công bố các quyết định điều động, bổ nhiệm lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Tin tức
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp nhiều vấn đề tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Hưng Yên

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp nhiều vấn đề tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Hưng Yên

(CLO) Ngày 6/5, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Tin tức
Vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu được trưng bày đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tin tức