Rau xanh, thịt cá 'cháy hàng' trước giờ bão Yagi tới, Bộ Công Thương chỉ đạo 'khẩn'

Thứ sáu, 06/09/2024 16:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (bão Yagi) trong đó đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều - tối nay (6/9), bão số 3 - cơn bão Yagi sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Bão Yagi có cường độ cực mạnh, đã mạnh thành “siêu bão” từ sáng 6/9, đây cũng là cơn bão mạnh nhất tại Biển Đông trong 30 năm qua.

Chợ truyền thống "cháy hàng"

Trước khi bão Yagi tới, từ sáng 6/9, người dân Hà Nội đã đổ xô tới các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại để mua hàng tích trữ.

rau xanh thit ca chay hang truoc gio bao yagi toi bo cong thuong chi dao khan hinh 1

Từ sáng 6/9, người dân Hà Nội đã đổ xô tới các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại để mua hàng tích trữ. (Ảnh: Định Trần)

Khảo sát của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận tại chợ Tân Mai (quận Hoàng Mai), chợ Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai) và chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), các mặt hàng thực phẩm bán trong ngày như rau xanh, thịt cá, trứng đã “cháy hàng” từ sáng 6/9.

Bà Đỗ Thị Tâm, một tiêu thương kinh doanh rau xanh tại chợ Tân Mai cho biết: Từ sáng sớm đã có nhiều khách hàng mua rau số lượng lớn, ăn trong 2 - 3 ngày để tránh bão. Vì vậy, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ số rau xanh của tiểu thương này đã “hết sạch”.

“Nhiều người lo ngại bão vào Việt Nam nên họ lo xa, mua đủ ăn trong 2 - 3 ngày, thậm chí có người còn mua trong 4 ngày”, bà Tâm nói.

Tương tự, bà Hồng Hạnh, một tiệm tạp hóa tại chợ Tân Mai cho biết: Bên cạnh rau xanh, thịt cá, thì các mặt hàng mì ăn liền, trứng và các loại đồ khô cũng “cháy hàng” trong những ngày trước bão.

Bà Hạnh cho biết: Nhìn chung, mặt bằng giá cả hàng hóa trong những ngày này không có nhiều biến động, hàng hóa dồi dào. Tuy nhiên, trong những ngày bão tới, hoặc các ngày sau bão, giá cả có thể tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, hoa quả.

“Mưa to, gió lớn có thể ảnh hưởng tới các ruộng rau, khiến rau bị dập nát, hoặc hư hỏng. Vì vậy, có thể trong và sau bão giá mặt hàng này có thể tăng mạnh, nên bản thân gia đình cũng phải tích trữ một ít”, bà Hạnh nói.

Triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu

Tại các siêu thị, sức mua trong ngày 6/9 cũng tăng mạnh. Giống như các chợ truyền thống, các mặt hàng rau xanh, thịt cá, mỳ ăn liền, trứng được mua nhiều nhất trong sáng nay.

Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối như: Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart..., lượng khách đến mua hàng từ tối ngày 5/9 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.

rau xanh thit ca chay hang truoc gio bao yagi toi bo cong thuong chi dao khan hinh 2

Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. (Ảnh: ST)

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3, theo lĩnh vực được phân công, ngày 6/9, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024, trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương: Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn..., để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, Sở Công Thương các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu. 

Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. 

Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. 

Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...

Hiện, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường. 

Đến nay, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Đưa hàng Việt về huyện đảo Phú Quý

Đưa hàng Việt về huyện đảo Phú Quý

(CLO) 10/9, Phiên chợ hàng Việt về hải đảo tại huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận năm 2024 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao trên địa bàn huyện đảo.

Tự hào hàng VN - Tinh hoa hàng VN
Thái Bình: Đa số người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt

Thái Bình: Đa số người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt

(CLO) Điểm sáng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Thái Bình thời gian qua là các doanh nghiệp đã tích cực sản xuất và tiêu thụ hàng Việt.

Tự hào hàng VN - Tinh hoa hàng VN
Khai mạc Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2024

Khai mạc Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2024

(CLO) Tối 5/9, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức khai mạc Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2024.

Tự hào hàng VN - Tinh hoa hàng VN
Đẩy mạnh gắn kết sản xuất và phân phối hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt

Đẩy mạnh gắn kết sản xuất và phân phối hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Tự hào hàng VN - Tinh hoa hàng VN
Linh kiện Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam có được coi là 'made in Viet Nam'?

Linh kiện Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam có được coi là 'made in Viet Nam'?

(CLO) Một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Viet Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc.

Tự hào hàng VN - Tinh hoa hàng VN