(NB&CL) - Cách đây hơn một năm, Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT đã gây nên nhiều tranh luận khi siết chặt đầu vào đối với đào tạo liên thông với quy định: Người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng (CĐ) hoặc đại học (ĐH) phải dự thi các môn văn hóa như thí sinh (TS) trung học phổ thông (THPT). Mới đây, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 55, quy định này đã được Bộ GD-ĐT hủy bỏ đồng thời có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Trường tự chủ tuyển liên thông
Với việc hủy bỏ quy định buộc TS tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải thi như TS THPT, đối tượng thi liên thông không còn được phân biệt theo thời gian tốt nghiệp và không còn phải thi theo 2 phương thức tuyển sinh riêng biệt nữa. Như vậy, theo dự thảo, TS vừa tốt nghiệp trung cấp, CĐ nghề có thể thi liên thông ngay lên bậc CĐ hoặc ĐH. Vì vậy, đây là tin vui với các TS có nguyện vọng học liên thông cũng như các trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đầu vào do Thông tư 55.
Không chỉ mở rộng cửa cho TS, dự thảo thông tư còn cho phép các trường tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển gồm môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề và phải được thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh của trường. Nếu trường xét tuyển liên thông dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì không được xét tuyển những TS có kết quả thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, lãnh đạo nhiều trường đã tỏ ý đồng tình và cho rằng, Thông tư 55 đã hoàn thành sứ mệnh “chấn chỉnh” tình trạng đào tạo liên thông tràn lan trước kia và bây giờ đã đến lúc để cho các trường được tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH.
Siết chỉ tiêu y, dược
Về phía Bộ GD-ĐT, để bảo đảm chất lượng đào tạo, song song với nới lỏng đối tượng đầu vào, ban soạn thảo đồng thời đưa ra quy định khống chế chỉ tiêu tuyển sinh liên thông không vượt quá 20% chỉ tiêu của ngành (trước kia được xác định theo tổng chỉ tiêu chung của nhà trường, dẫn đến một số ngành tuyển sinh tràn lan). Đặc biệt, với các ngành y dược, chỉ tiêu liên thông được giới hạn không quá 15% chỉ tiêu theo ngành.
Những yêu cầu nói trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành y dược. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải có ít nhất một khóa tốt nghiệp chính quy trước khi mở liên thông. Hệ liên thông chính quy phải được tổ chức đào tạo theo tín chỉ, các sinh viên liên thông sẽ học chung với các sinh viên chính quy khác thay vì được tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng như trước kia.
Với những quy định có chỗ thắt, có chỗ nới này, Bộ GD-ĐT hy vọng vừa trả cho các trường quyền tự quyết trong tuyển sinh liên thông vừa bảo đảm hệ đào tạo này sẽ không trở lại tình trạng dễ dãi như trước khi Thông tư 55 ra đời. Bản dự thảo hiện đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp từ người dân trước khi ban hành chính thức.
NỚI TIÊU CHUẨN THI LIÊN THÔNG?
Trong dự thảo, vấn đề tuyển sinh liên thông đã được thay đổi nhưngkhông thể nghĩ đơn giản đây là quy định nới lỏng hay “rộng cửa” làm cho đào tạo liên thông trở lại dễ dãi, kém chất lượng.
Năm 2015 có nhiều thay đổi trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là vấn đề tuyển sinh nên Bộ GD-ĐT đã chỉnh sửa, bổ sung quy định này của Thông tư 55 nhằm đảm bảo thống nhất với các văn bản pháp quy liên quan và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo vẫn được chú trọng thực hiện bằng hàng loạt các quy định như: các cơ sở đào tạo muốn đào tạo liên thông phải có một khóa tốt nghiệp chính quy, phải tổ chức đào tạo theo tín chỉ; phải xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh liên thông phù hợp với các quy định hiện hành để cụ thể và minh bạch công tác tuyển sinh liên thông của cơ sở mình;
Chỉ tiêu liên thông chính quy được khống chế chặt chẽ hơn theo từng ngành đào tạo, ở mức không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành khoa học sức khỏe và không quá 20% đối với các ngành khác; những người trúng tuyển phải học, kiểm tra đánh giá cùng với sinh viên chính quy, không tổ chức lớp riêng...
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn
An Huy