Đây là một chương trình nghệ thuật hoành tráng do Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch chỉ đạo nội dung. Chương trình do 12 đơn vị đến từ khắp cả nước thực hiện, gồm có 6 phần.
“Phách nhịp vùng cao”: Giới thiệu cụm văn hóa một số dân tộc tiêu biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Tày, Dao, Hơ mông, Lô Lô, Khơ mú...
“Khúc Nhị Hà”: Giới thiệu những giai điệu mang đậm nét văn hóa sinh hoạt gắn liền với đời sống lao động hàng ngày, xen lẫn nét văn hóa tín ngưỡng của một số địa phương mà chủ yếu là dân tộc Kinh theo dòng chảy thuộc lưu vực sông Hồng gắn liền với nền văn minh lúa nước.
“Câu hò điệu ví”: Những làn điệu văn hóa đặc sắc gắn liền trong cuộc sống, lao động và có những loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính chất tâm linh của một số địa phương thuộc khu vực miền Trung. Đặc biệt khu vực miền Trung có những sự chuyển động giao thoa mang tính chất vùng, miền được thể hiện rõ nét trong các phong cách, làn điệu mang màu sắc đa dạng.
“Âm vang Đại ngàn”. Thể hiện những phong tục, tập quán thông qua những hoạt động, sinh hoạt văn hóa của một số dân tộc đại diện cho các dân tộc thuộc khu vực cao nguyên Nam Trung bộ.
“Vọng miền sông nước”. Làn điệu hò và lý mang đậm nét đặc sắc trong văn hóa sinh hoạt, lao động của đồng bào thuộc khu vực đồng bằng Nam bộ.
“Tinh hoa đất Việt”: Là phần kết của chương trình, trong đó tổng hợp văn hóa của đại diện tất cả các dân tộc Việt, được gắn kết như một đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó mỗi dân tộc đều được tôn vinh và tỏa sáng trong chính sự khác biệt đa dạng của mình.
Mỗi phần diễn sẽ được xây dựng theo thể Liên hoàn, Phức điệu, dưới các hình thức Ca, diễn xướng, múa, nhạc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, sân khấu phức hợp và sẽ được kết nối bởi phần dẫn của MC cho từng phần.
Lực lượng tham gia chương trình sẽ được huy động một số nghệ sĩ nổi tiếng, cùng một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và một số khối nghệ nhân trong cả nước thuộc phạm vi của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Đây thực sự là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tăng cường giao lưu, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng phấn khởi phát biểu: “Trong 10 năm qua, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc cả trong và ngoài nước, qua đó cũng góp phần tác động thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước đến các vùng dân tộc và miền núi, trước hết tập trung vào phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời giáo dục phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Việt Nam”.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2018 có sự tham gia khoảng 270 người của 30 thành phần dân tộc đến từ các tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền tham gia các hoạt động. Trong đó có sự tham gia của 11 cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Làng" như: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Điện Biên), Thái (Sơn La), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (TP. Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Tham gia sự kiện còn có các cộng đồng dân tộc Gia Rai (Gia Lai), Thái (Nghệ An), Ba Na (Kon Tum), Khmer (Sóc Trăng).
Đặc biệt, có già làng, trưởng bản, nghệ nhân đại diện cho 17 dân tộc (8 tỉnh) có số dân dưới 10.000 người (dân tộc thiểu số rất ít người) có thành tích trong bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thực hiện tốt Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam như: dân tộc Bố Y, dân tộc Phù Lá (Lào Cai), dân tộc Brâu, dân tộc Rơ Măm (Kon Tum), dân tộc Chứt (Quảng Bình), dân tộc Cống, dân tộc La Hủ, dân tộc Lự, dân tộc Mảng, dân tộc Si La (Lai Châu), dân tộc Cờ Lao, dân tộc Lô Lô, dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Pu Péo (Hà Giang), dân tộc La Ha (Sơn La), dân tộc Ngái (Quảng Ninh), dân tộc Ơ Đu (Nghệ An).
Ngoài chương trình tổng kết 10 năm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, chương trình năm nay còn có các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền bao gồm: Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ (Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer và Trình diễn Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ); Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc (tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái và Trình diễn ẩm thực các dân tộc vùng Tây Bắc); Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (Tái hiện Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai và Trình diễn giai điệu Tây Nguyên); Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của người Gia Rai tại Gia Lai đặc biệt là các nội dung liên quan đến câu chuyện lịch sử kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku 19/4/1946.
Sau đây là một số hình ảnh của đêm nghệ thuật Âm vang đất Việt:
Minh Ước – Tử Hưng - Nam Nguyễn