Mạng xã hội: Khi những “ông lớn” trở thành kẻ tội đồ

Thứ năm, 21/03/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Không phải đến tận bây giờ, MXH mới bị đưa ra phán xét bởi những hệ lụy tiêu cực đối với người dùng, nhưng bị nhắc tới với niềm căm phẫn, vấp phải liên tiếp những lời kêu gọi tẩy chay gay gắt thì có lẽ phải đến những gì đã xảy ra trong vụ thảm sát đẫm máu tại New Zealand ngày 15/3.

Thông tin hay “khuếch trương” tội ác?

Đó là câu hỏi nhức nhối mà cộng đồng quốc tế đặt ra cho ông chủ mạng xã hội Facebook trước việc kẻ thủ ác được cho là đã tự quay và livestream (phát trực tiếp) toàn bộ lại tiến trình thực hiện tội ác của hắn. Điều khủng khiếp là đoạn video này dài tới 17 phút này sau đó không chỉ ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội này mà còn gần như không thể xóa được tận gốc. Nhiều giờ sau khi thảm họa tại Christchurch xảy ra, các bản sao của video này vẫn được sao chép, chia sẻ, đăng tải lại trên nhiều nền tảng khác như Reddit, Twitter, YouTube. 

Không chỉ viện tới Facebook, hàng loạt nền tảng mạng xã hội đã được tên sát thủ sử dụng trong việc “quảng bá” tội ác ghê rợn của mình. Trước đó, tên này đã đăng tải một bài tuyên truyền dài hơn 70 trang trên Twitter cá nhân với nội dung nêu rõ động cơ tấn công là nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo và người nhập cư, mà tên này coi là “những kẻ xâm lược”. Những bức hình về súng đạn cũng đã được hắn đăng tải lên Twitter trước khi chúng trở thành công cụ cướp đi hơn 50 mạng người. Kẻ xả súng còn kêu gọi những người xem trực tuyến đăng ký theo dõi một tài khoản Youtube.

a77f3653-d325-4365-8531-94f8f88af15f-GTY_1136295410

Ngay sau đó, phía Facebook tuyên bố họ đã nhanh chóng gỡ bỏ các tài khoản Facebook và Instagram của kẻ tình nghi là thủ phạm cũng như đoạn phát trực tiếp sau khi nhận được thông báo từ phía cảnh sát về nội dung đoạn video này. Ngoài ra, tất cả những nội dung bình luận ủng hộ thủ phạm và những kẻ xả súng đều sẽ bị gỡ bỏ ngay khi bị phát hiện. Trong khi đó, Twitter cho biết đội ngũ sàng lọc thông tin đã sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp và phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật để phục vụ công tác điều tra khi được yêu cầu. YouTube cũng khẳng định đang khẩn trương dỡ bỏ mọi video có tính chất bạo lực.

Tuy nhiên, tất cả dường như đã quá muộn và không thể làm dịu cơn thịnh nộ của dư luận. Ngay sau thảm họa, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố bà sẽ làm việc với lãnh đạo Facebook, và rằng thật không thể chấp nhận được việc ngay từ đầu Facebook đã để nghi phạm Brenton Tarrant bật chế độ livestream và phát trực tiếp cảnh hắn đi từ xe hơi, với tay lấy súng và xả đạn vào những người vô tội. Với bà, đó không phải là cách mà mạng xã hội này truyền tải thông tin đến công chúng. Nói một cách thẳng thừng, thì đó là sự “khuếch trương” tội ác. Lửa càng như được đổ thêm dầu khi đại diện Facebook New Zealand thừa nhận trong một thông cáo chính thức rằng Facebook chỉ biết đến sự tồn tại của vụ livestream sau khi “nhận được thông báo từ cảnh sát New Zealand”.

Những câu hỏi cần phải được trả lời?

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội trở thành phương tiện phổ biến các vụ giết người. Năm 2015, một tay súng đã đăng tải đoạn video anh ta bắn chết hai nhà báo truyền hình ở bang Virginia, Mỹ. Năm 2018, vụ giết hại dã man hai du khách châu Âu đã được những tên thủ ác cuồng tín Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Ma rốc quay lại và tải lên mạng.  Cũng tháng 8/2018 này, một vụ nổ súng tại giải đấu bóng bầu dục Madden 19 ở Jacksonville, Florida, cũng bị live-stream. Vậy, tại sao những kiểu “khuếch trương” tội ác lại không bị các nền tảng công nghệ ngăn chặn rốt ráo? Các nội dung bạo lực, đồi trụy, mang tính kích động vẫn không ngừng tái diễn trên các nền tảng này? Bất chấp vô số những lời kêu gọi rằng Facebook, rằng Twitter, YouTube… hãy ra tay.

Một câu hỏi khác cũng nhức nhối và khó hiểu không kém: nếu các mạng xã hội có thể hướng người tiêu dùng tới các quảng cáo chỉ trong vòng một phần triệu của giây, có thể phát minh ra cái gọi là tính năng phát sóng video trực tiếp được tạo ra để “hỗ trợ phương thức truyền tải cảm xúc chân thật nhất của bất kỳ người nào muốn giao tiếp trên mạng xã hội” thì tại sao lại không thể áp dụng công nghệ tương tự để ngăn chặn lan truyền trực tiếp hình ảnh mang nội dung bạo lực và cực đoan? Facebook đã từng nói tới việc sử dụng bộ lọc tự động, vậy tại sao giữa thời CN 4.0 khi việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã chẳng là chuyện mới mẻ trong ngành công nghệ thì việc kiểm soát, ngăn chặn lại trở nên khó khăn đến thế? Đó phải chăng xuất phát từ chính việc phát sóng trực tiếp đã là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính cho ngành công nghệ?

Đó thực sự chỉ là vài ba câu hỏi cần phải được các “ông lớn” công nghệ trả lời ngay và thỏa đáng. Và trong trường hợp họ chưa tìm ra được đáp án khả dĩ, thì họ cứ mặc nhiên mà đón nhận làn sóng tẩy chay và đóng cửa Facebook đang lan rộng trong dư luận.

Thủ tướng Australia Scott Morison đã gửi thư cho Chủ tịch G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đề nghị đưa vấn đề quản trị truyền thông xã hội là một nội dung nghị sự hàng đầu trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm vào tháng 6 tới. Trong lá thư, Thủ tướng Australia đặt câu hỏi về “vai trò không bị hạn chế của các công nghệ internet” trong vụ thảm sát ở thành phố Christchurch và các cuộc tấn công khủng bố khác. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 đảm bảo rằng có “những hậu quả rõ ràng” không chỉ đối với những kẻ thực hiện các hành động bạo lực như vậy, mà còn đối với những kẻ tạo điều kiện cho chúng. Thủ tướng Australia nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận được việc coi Internet là một không gian không được kiểm soát”.

Hà Trang

Tin khác

UNICEF: Hơn 13.800 trẻ em thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel tấn công

UNICEF: Hơn 13.800 trẻ em thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel tấn công

(CLO) Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cho biết, hơn 13.800 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel phát động cuộc chiến toàn diện ở lãnh thổ này.

Thế giới 24h
Núi lửa phun trào dữ dội ở Indonesia, người dân sơ tán và sân bay đóng cửa

Núi lửa phun trào dữ dội ở Indonesia, người dân sơ tán và sân bay đóng cửa

(CLO) Indonesia đã đóng cửa một sân bay cấp tỉnh và sơ tán hàng trăm người sau khi núi lửa Ruang phun trào dữ dội dung nham, đá và tro bụi trong nhiều ngày.

Thế giới 24h
Đức bắt hai người gốc Nga bị cáo buộc âm mưu phá hoại quân sự

Đức bắt hai người gốc Nga bị cáo buộc âm mưu phá hoại quân sự

(CLO) Hai công dân Đức gốc Nga đã bị bắt ở Đức vì bị cáo buộc âm mưu tấn công phá hoại, bao gồm cả các cơ sở quân sự của Mỹ, nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, theo các công tố viên Đức cho biết vào thứ Năm.

Thế giới 24h
Hội đồng Bảo an sắp bỏ phiếu về tư cách thành viên của Palestine, Mỹ có thể sẽ phủ quyết

Hội đồng Bảo an sắp bỏ phiếu về tư cách thành viên của Palestine, Mỹ có thể sẽ phủ quyết

(CLO) Các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu về yêu cầu của Palestine để trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, điều mà đồng minh của Israel là Mỹ dự kiến sẽ ngăn chặn.

Thế giới 24h
Hezbollah phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel

Hezbollah phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel

(CLO) Nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một cơ sở quân sự ở phía bắc Israel khiến ít nhất 14 binh sĩ bị thương, nói rằng hành động này để trả đũa các cuộc tấn công của Israel khiến các thành viên Hezbollah thiệt mạng.

Thế giới 24h