(Congluan.vn) - Ngày 25/3 vừa qua, Hội đồng cổ đông Sacombank đã đồng ý cho “nhập” Southern Bank vào. Cũng tại thời điểm này, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Eximbank – ngân hàng đi đầu trong cuộc “thâm nhập” Sacombank lần thứ nhất năm 2010 đang hạnh phúc nhận chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Khi đó tại TP. HCM, cấp dưới của ông là Phạm Hữu Phú rời ghế chủ tịch Sacombank, nhận nhiều lời cảm ơn, chào từ biệt...
[caption id="attachment_25480" align="aligncenter" width="670"]
Tưởng rằng Sacombank sẽ "cưới" Eximbank, nhưng Southern Bank mới là "cô dâu"[/caption]
Cuộc “thâm nhập” lần thứ nhất.
Sacombank năm 2010 gặp rất nhiều khó khăn, cổ phiếu rớt giá thê thảm. Thời điểm này, một nhóm nhà đầu tư đã lao vào thu gom. Cuối năm 2011, lần lượt các cổ đông lớn của NH này thoái vốn, trong đó có Dragon Capital (6,6%), REE (3,92% ) và ANZ (9,61%)... Cũng thời điểm này, vị thế của ông Đặng Văn Thành, “cha đẻ” của Sacombank trong giới ngân hàng gần như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Năm 2012, sau khi công bố vai trò “đầu tàu” trong cuộc tiến công này, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch Eximbank đã công bố nhóm nhà đầu tư mà Eximbank đại diện nắm trên 51% cổ phần Sacombank, yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát ngân hàng này. Ông Đặng Thành chính thức mất quyền kiểm soát Sacombank từ đó.
Sacombank "mới" có 8 thành viên HĐQT mới, trong đó Chủ tịch là người của Eximbank – ông Phạm Hữu Phú, điều hành là ông Phan Huy Khang, người của Southern Bank.
Lúc này, rất nhiều người đã nghĩ tới việc xuất hiện một “người khổng lồ” ngành ngân hàng Việt (đủ sức át vía các ngân hàng thương mại quốc doanh), khi hai đại gia Eximbank và Sacombank “hợp thể” trong một ngày không xa. Cuộc “chinh phục” tưởng sẽ hạ màn...
Tuy nhiên, cuộc “hôn nhân” tưởng “như đã" này đã không xảy ra, khi nhóm chi phối ở Sacombank lên tiếng về việc sáp nhập với Southern Bank. Chuyện gì đến đã đến. Sacombank đã nhập Southern Bank vào. Eximbank có lẽ đã hoàn thành xứ mạng trong 2 năm làm “đại diện” cho cuộc chinh phục này. Hình ảnh ông Phạm Hữu Phú nhận hoa và những lời cảm ơn từ lãnh đạo, các cổ đông lớn của Sacombank, Southern Bank ngày “hợp thể” như đã chứng minh: Eximbank kết thúc vai trò tại Sacombank.
Người tặng hoa cho ông Phú là “cha đẻ” Trầm Bê của Southern Bank.
Eximbank “sẽ là người ra đi”
Cuộc hội nghị xin ý kiến cổ đông Sacombank về sự sáp nhập ngày 25/3 vừa qua được nhiều người cho rằng sẽ “nóng”, nhưng sẽ không “biến động”.
Quả vậy, dù đa số cổ đông (nắm ít cổ phần) phản đối, nhưng chủ trương sáp nhập đã được thông qua với tỷ lệ đồng ý lên đến 97%. Lúc này, ồn ào chuyện bên lề lên rằng: “Southern Bank “nuốt” Sacombank”; “bầu Kiên mà còn thì sẽ có cuộc đấu nảy lửa trong giới ngân hàng”; “Sao Sacombank không hợp thể với Eximbank để thành khổng lồ?”...
[caption id="attachment_25478" align="aligncenter" width="562"]
Sacombank - Eximbank chia tay (Ảnh minh họa)[/caption]
Hầu hết các ý kiến độc giả đều khá võ đoán hoặc không thực. Riêng thắc mắc “Sao không sáp nhập với Eximbank?” thì thật hay, bởi đến nay, thắc mắc này vẫn khiến rất nhiều người... thắc mắc.
Nếu sáp nhập với Eximbank - ngân hàng có tổng tài sản lên tới gần 170.000 tỷ đồng, bộ đôi này sẽ sở hữu trên 320.000 tỷ đồng, lớn nhất khối tư nhân, bám sát ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank (tổng tài sản 467.000 tỷ đồng), rút ngắn khoảng cách giữa khối ngân hàng tư nhân và khối quốc doanh.
Còn nếu sáp nhập với Southern Bank, tài sản sau khi sáp nhập (Sacombank khoảng 157.800 tỷ đồng, Southern khoảng 74.760 tỷ đồng) sẽ đạt khoảng 235.000 tỷ đồng, vẫn lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân, nhưng kém hơn so với việc nếu sáp nhập với Eximbank ngót nghét 100.000 tỷ đồng.
Một trong những lý giải khá hợp lý có thể tạm giải thích: Sự ra đời của một ngân hàng tư nhân có tài sản sát với một ngân hàng thương mại nhà nước (Sẽ ngang Vietcombank nếu Sacombank, Eximbank và Southern Bank kết duyên), quyền lực của bộ ba quốc doanh Vietcombank – VietinBank và BIDV sẽ bị ảnh hưởng chăng?
Như vậy, việc Sacombank và Southern Bank cũng chỉ là hình thức, vì sau cuộc “thâm nhập” lần thứ nhất cả hai ngân hàng này đã bị cho rằng cơ bản là “một chủ” (ý nói gia đình ông Trầm Bê). Hay là cuộc “hôn phối” này thể hiện sự “sáp nhập” của Sacombank – Southern Bank thì ít, mà chỉ ra sự chấm hết của “cuộc tình tay ba” trên thì nhiều.
[caption id="attachment_25479" align="aligncenter" width="644"]
Ông Lê Hùng Dũng cùng cha ruột trong sách ảnh[/caption]
Ngày 25/3, sự đồn đoán về “hôn phối” Sacombank – Eximbank; Sacombank – Southern Bank suốt 3 năm qua đã như một vở kịch hạ màn: Sẽ không có sự “đa thê” cho Sacombank trong cuộc tình tay ba này; Ông Phạm Hữu Phú trở về với Eximbank, nơi 2 năm trước ông là Phó Chủ tịch HĐQT; Ông Lê Hùng Dũng cũng “ngoài cuộc” trong “đám cưới” Sacombank – Southern Bank tại TP.HCM, ông phải lo lắng trong một đại cuộc khác đi nhận chức Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam .
Cũng trong ngày 25/3, ông Dũng đã công bố cuốn sách ảnh ghi lại những khoảnh khắc ngoài đời của mình, hình ảnh hồi ông trẻ, chơi thể thao cùng cha ruột, công tác tại Pháp... Có ý kiến cho rằng ông Dũng đã đạt được rất nhiều thành công trong đời, với SJC, Eximbank... Điều ông quan tâm giờ là hình ảnh, sự nghiệp chính trị (hiện tại trong bóng đá) và sự phát triển của bóng đá nước nhà. Tất nhiên, ông sẽ không bỏ quên Eximbank - người đã ra đi.
Trong bất cứ sự chia tay hay tan vỡ nào cũng phải có người đúng kẻ sai. Còn trong cuộc tình tay ba của Sacombank – Southern Bank – Eximbank, thật khó đoán lường...
Đoàn Kiên Giang