(NB&CL) Ngày 28/6/2016: vòng 1/8- Giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 (Euro 2016). Có rất nhiều điều đáng để giới mộ điệu trái bóng tròn trông chờ vào cuộc đối đầu giữa hai đội tuyển Tây Ban Nha – Italy. Đó không chỉ là một trận cầu giữa hai kỳ phùng địch thủ, “cuộc chiến sân cỏ” được chờ đợi nhất ở lục địa già… mà dịp để người ta chứng minh độ xác thực của một… lời nguyền.
“Lời nguyền áo trắng”
Tại EURO 2016, ĐT Tây Ban Nha trình làng mẫu áo thi đấu mới. Áo đấu phụ được thiết kế cho La Roja có màu trắng chủ đạo. Mặt trước thân áo được đổ màu vàng và đỏ trên nền trắng một cách lạ mắt. Mẫu áo này ra mắt lần đầu tiên trong trận giao hữu với Italy hồi tháng 3 năm nay và vấp phải sự phản đối từ dư luận. Thứ nhất, sự phá cách của mẫu áo không được lòng người hâm mộ, thứ hai CĐV của xứ đấu bò vẫn còn sợ “lời nguyền áo trắng” ám ảnh đội bóng của họ.
Người hâm mộ Tây Ban Nha vẫn còn nhắc đến ký ức buồn tại World Cup 1998, giải đấu thảm họa mà họ bị loại ngay từ vòng bảng. Ở lượt trận đầu tiên, Tây Ban Nha trong màu áo trắng thua ngược Nigeria 2-3. Nỗi ám ảnh màu áo trắngt còn theo ĐT Tây Ban Nha đến EURO 2004. La Roja năm đó để thua Bồ Đào Nha 0-1 trong trận đấu cuối cùng vòng bảng. Hôm đó, toàn đội Tây Ban Nha mặc áo trắng.
EURO 2016, vấn đề màu áo một lần nữa được nhắc lại khi Tây Ban Nha trong màu áo trắng để thua Croatia. Trước đó, khi mặc áo đỏ họ đánh bại CH Czech và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự mê tín càng tăng cao khi UEFA chỉ định Tây Ban Nha sẽ mặc áo trắng trong trận đại chiến với Italy. Nỗi sợ hãi lan tỏa trong cộng đồng fan La Roja dù một số cầu thủ lên tiếng rằng “màu áo đấu không liên quan gì tới phong độ”.
Và điều họ lo sợ cuối cùng cũng đến. Với 2 bàn thắng của Chiellini và Pelle, Italy đã nhấn chìm Tây Ban Nha. “Lời nguyền áo trắng” không ai mong đợi, rốt cuộc vẫn đến và trở thành sự thực.
Không thể lý giải được nhưng trên thực tế, câu chuyện may rủi của cả một đội bóng phụ thuộc chỉ vào… màu áo của các cầu thủ đã xảy ra với rất nhiều đội bóng. Ngay với đội tuyển bóng đá Việt Nam, tùy lúc màu trắng hoặc màu đỏ được xem là màu may mắn.
Lời nguyền khủng khiếp của Guttmann
Một câu chuyện không biết là bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng được lưu truyền trên rất nhiều trang báo quốc tế: Vienna, Áo, năm 1990, một người đàn ông gạt lệ khi đứng trước một ngôi mộ. Người ấy cúi xuống, rì rầm vài lời khấn, dùng tay phủi bụi trên tấm bia mộ trước khi đứng dậy và rời đi. Rốt cục thì những lời khấn nguyện ấy đã không thành hiện thực. CLB bóng đá Bồ Đào Nha Benfica lần thứ 6 thất bại trong một trận chung kết Cúp châu Âu. Người dưới mộ là Bela Guttmann. Người khấn nguyện là Eusebio, học trò cũ của ông.
Câu chuyện hư hư thực thực này lại khởi nguồn từ một câu chuyện khác: Năm 1962, sau hai lần dẫn dắt Benfica giành cúp C1, HLV Guttmann đòi Chủ tịch CLB Benfica khi đó là Antonio Mundrunga tăng lương cho mình, nhưng ông chủ tịch từ chối, viện cớ trong hợp đồng không có điều khoản này. Guttmann Béla cáu tiết, trước khi đóng sập cửa phòng bỏ đi, ông nói với ngài chủ tịch keo kiệt: “Một trăm năm nữa, Benfica cũng sẽ không được chiếc cúp Châu Âu nào hết”.
Lời nguyền khủng khiếp ấy đã ứng nghiệm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Benfica 7 lần tiến đến trận đấu cuối cùng (5 tại Cúp C1 và 2 tại Cúp UEFA/Europa League) và cả 7 lần đều thất bại. Các CĐV Benfica cứ nghĩ đến lời nguyền của Guttmann là nổi da gà bởi cách thua của Benfica trong 7 trận ấy đều có gì đó rất... huyền bí. Ngoại trừ thất bại 1-4 trước M.U hồi 1968 là chênh lệch thấy rõ, 6 trận còn lại Benfica nếu không thua sát nút thì cũng thua trong thi sút luân lưu. Mới cách đây ít lâu, Benfica đã thua Chelsea ở trận chung kết Europa League bởi một bàn thua ở phút bù giờ thứ 3. Lúc ấy, tờ Record của BĐN đã giật tít: “Đến cả Jesus (tên HLV của Benfica là Jorge Jesus) cũng không giải được lời nguyền cho Benfica”.
Lời nguyền sân St. Andrew’s
Năm 1905, sau nhiều năm phải thuê sân bãi để hoạt động, lãnh đạo Birmingham (Anh) quyết định xây dựng sân St.Andrew’s trên khu đất rộng 3 ha, vốn là một khu công nghiệp đã bị bỏ hoang trong sình lầy.Thomas Turley, giám đốc CLB và cũng đồng thời là nhà thầu xây dựng đã nhanh chóng thuyết phục được ban lãnh đạo địa phương cùng với người dân xung quanh cho phép tiến hành xây dựng sân St.Andrew’s. Tuy nhiên, Birmingham City chẳng thể nào dùng lời nói lẫn tiền bạc để thuyết phục những người Digan cư trú ở khu đất ấy dời đi. Họ buộc phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát.
Nhưng cả họ lẫn cảnh sát dường như đã đánh giá quá thấp về người Digan. Thời ấy, người Digan lang thang khắp châu Âu trên những cỗ xe ngựa, hát rong, xem bói và làm ảo thuật, sử dụng những câu thần chú và nhiều nghi thức truyền thống, đặc biệt là các điệu nhảy kỳ bí để điều khiển sức mạnh của tự nhiên, các thành tố đang bao bọc thế giới. Phép thuật của người Digan đã trở thành một mảng đề tài hấp dẫn của văn chương trong hàng thế kỷ qua. Tức giận vì bị ép buộc, những người Digan đã thực hiện những nghi lễ thần bí trước khi ra đi, đặt một lời nguyền kéo dài một thế kỷ lên “những kẻ cướp đất”. Lời nguyền đầy cay độc ấy là: Birmingham sẽ vào những trận chung kết, nhưng không bao giờ có được chiến thắng.
Kết quả là một thế kỷ sau đó, từ năm 1906 đến năm 2006, Birmingham lọt vào 2 trận chung kết FA Cup, và đáng kể nhất, 2 trận chung kết Cúp Hội chợ (Cúp UEFA cũ) liên tiếp vào các năm 1960 và 1961. Nhưng tất cả đều kết thúc với thất bại đau đớn.
Tương tự như lời nguyền đối với Birmingham, Derby County cũng đã bị một nhóm người nhập cư nguyền rủa khi họ xây dựng SVĐ The Baseball Ground. Lời nguyền này khiến đội bóng không thể vô địch cúp FA trong hơn 60 năm, dù họ đã vào tới trận chung kết tới sáu lần. Trước trận chung kết cúp FA năm 1946, BLĐ đội bóng đã cử người tới đàm phán với hậu duệ của nhóm người nhập cư nói trên để tìm cách hóa giải lời nguyền. Trong trận đấu, ở thời điểm Derby County đang bị đối thủ cầm hòa với tỷ số 1-1, trái bóng đã bất ngờ bị vỡ, và các CĐV Derby coi đó là dấu hiệu lời nguyền đã bị phá giải. Kết quả cuối cùng, đội bóng đã thắng 4-1 để vô địch cúp FA lần đầu tiên trong lịch sử.
Lời nguyền Champions League
“Không một đội bóng nào có thể bảo vệ thành công chức vô địch Champions League”. Lời nguyền này không rõ do ai đặt ra, tuy vậy nó ứng nghiệm với tất cả các đội từng chạm tay vào chiếc cúp vô địch danh giá nhất châu Âu. Kể từ khi European Cup được tái cơ cấu trở thành UEFA Champions League vào mùa 1992-1993, chưa từng có một đội bóng nào bảo vệ thành công danh hiệu vô địch, dù đó là "Dream Team" của Johan Cruyff, hay AC Milan với Don Fabio, hay Liverpool cùng ‘chuyên gia đấu cúp’ Rafa Benitez.
Tất cả chia sẻ chung một số phận: Thất bại. Khi CLB có doanh thu cao nhất, với dàn sao “lung linh” nhất thế giới Real Madrid lên ngôi mùa bóng 2014 và đặc biệt khi họ có chuỗi 22 trận thắng liên tiếp như chẻ tre vào cuối năm 2014, rất nhiều người tin rằng CLB Hoàng gia Tây Ban Nha sẽ xóa được “lời nguyền” này. Thế nhưng, hy vọng đó đã tắt khi Real dừng bước trước Juventus (Ý) ở bán kết. Mới đây nhất, tháng 4/2016, thất bại gây sốc của Barcelona trước Atletico Madrid (chung cuộc 2-3) tại tứ kết Champions League khiến cho lời nguyền với các nhà vô địch thêm bí ẩn.
Tuy nhiên, theo phân tích của Carlo Ancelotti, người từng 5 lần vô địch châu Âu ở cả vai trò cầu thủ và HLV, chiến thắng Champions League trong 2 năm liên tiếp gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Nguyên nhân chủ yếu do sự điều chỉnh về thể thức thi đấu, điều khiến cho giải đấu này ngày càng khốc liệt.
So với giai đoạn trước đó, nhà vô địch Champions League cần phải trải qua 13 trận. Cùng với sức cạnh tranh ở giải quốc nội, cường độ tại giải đấu khu vực làm cho các đội chiến thắng tại mùa trước đó gần như không thể duy trì được màn trình diễn hoàn hảo trong mùa giải tiếp theo. Ngoài ra, yếu tố về tinh thần cũng đóng vai trò rất quan trọng. Sau khi bước lên đỉnh cao, các cầu thủ thường không duy trì được khát vọng chinh phục giống như trước. Đó gần như là quy luật tất yếu.
Thư Hà