(NB-CL) Sân khấu Hà Nội vốn đã không sôi động, có thể gọi là quá trầm lắng, nên ngay cả dịp lễ cũng không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, cứ tới đầu hè và dịp 1/6 đã thành “mùa sân khấu” dành cho các em nhỏ khi có rất nhiều chương trình dành cho thiếu nhi đã được tổ chức và hầu hết thu được thành công, thậm chí có chương trình diễn hết công suất. Tuy nhiên, mùa sân khấu này đã thực sự đạt chất lượng chưa, còn là điều đáng bàn.
Đã có “mùa” sân khấu cho thiếu nhi
Nhằm mang lại niềm vui cho các cháu nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 cũng như dịp hè, các đơn vị nghệ thuật đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Năm nay, các chương trình dành cho thiếu nhi diễn ra tại nhiều sân khấu khác nhau và phong phú về các thể loại, từ kịch, xiếc, ca nhạc và ảo thuật.
Vở kịch vui Dế Mèn phiêu lưu ký của Đoàn kịch I, Nhà hát Tuổi trẻ có thể xem là vở diễn ra mắt sớm nhất trong loạt các chương trình sân khấu dành riêng cho thiếu nhi chào đón mùa hè 2015. Lấy chủ đề chú dế phỏng theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài, vở kịch không mới, tiếp tục câu chuyện về các chuyến phiêu lưu thú vị của chú dế đầy nghị lực, vượt qua bao gian khó... Vở kịch thu hút các em nhỏ với các câu chuyện xung quanh Dế Mèn, có thể là những khoảng thời gian thư giãn, vui tươi, có thể mang lại nhiều bài học giáo dục đầy tính nhân văn và bổ ích cho tâm hồn trẻ nhỏ. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký, hè 2015, Nhà hát Tuổi trẻ còn mang tới cho khán giả nhỏ tuổi chương trình ca múa nhạc tạp kỹ Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 2. Mặc dù vẫn mô típ cũ, song các em nhỏ vẫn cảm thấy thú vị khi được gặp gỡ, giao lưu với những nhân vật quen thuộc trong thế giới hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu.
[caption id="attachment_19278" align="aligncenter" width="900"]

Vở diễn "Hoàng tử gấu và hạt đậu thần".[/caption]
Bên cạnh đó, còn một số chương trình nghệ thuật được đầu tư lớn, kỹ càng về nghệ thuật dành cho các em nhỏ như: “Vương quốc hoạt hình” diễn ra tại Rạp Công nhân của đạo diễn Xuân Bắc. Đây là chương trình ca nhạc tạp kỹ, đưa khán giả nhí vào thế giới những nhân vật trong phim hoạt hình, thế giới cổ tích, hòa mình vào thế giới thần tiên...
Hai nghệ sỹ Xuân Bắc và Tự Long cũng kết hợp với nhau trong chương trình dành cho thiếu nhi có tên gọi “Bí mật chuyện kể”. Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô năm nay được dành cho nữ ca sĩ “nhí” Thiện Nhân- quán quân The Voice Kids có Liveshow “Thiện Nhân và những người bạn”. Điểm nhấn lạ hơn cả trong mùa hè năm nay dành cho chương trình Zen Magic - Ảo thuật Thiền của hai nghệ sĩ Ai và YuKi đến từ Nhật Bản, diễn ra ở cả HN và TP.HCM. Hai ảo thuật gia này đã từng khiến nước Mỹ và cả thế giới kinh ngạc, bởi tài năng siêu phàm của họ. Màn biểu diễn của hai nghệ sỹ lần này là sự kết hợp giữa nghệ thuật nhào lộn trên không và ảo thuật.
Dàn dựng sân khấu cho thiếu nhi: vẫn những công thức chung
Dù các nhà hát, đơn vị nghệ thuật ra sức “làm mới” nhưng những ai quan tâm đến sân khấu dành cho thiếu nhi vẫn cảm nhận được những lối mòn. Không khó để nhận ra, hầu hết các vở kịch dành cho thiếu nhi đều được dàn dựng bằng một công thức rất chung, quẩn quanh các nhân vật. Có thể thấy rõ việc dàn dựng các chương trình, vở diễn dành cho khán giả nhỏ tuổi nhiều năm nay vẫn là từ những ý tưởng quen thuộc: lấy cốt truyện cổ tích, lấy hình ảnh các con vật, nhân vật nổi tiếng giao lưu với các em, với trọng tâm là các ngôi sao hài... hoặc ca nhạc tạp kỹ, xiếc, ảo thuật. Đạo diễn dù có thay đổi tới đâu cũng không làm được vở diễn thú vị hơn bởi những cốt truyện đã quá quen thuộc với các em. Chưa kể, từ nhiều năm qua, vẫn những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc tham gia diễn xuất nên việc gây nhàm chán là điều không tránh khỏi. Vì thế tuy nhiều về số lượng nhưng chưa phong phú, đặc sắc, nhiều chương trình na ná về nội dung, về ý tưởng thực hiện. Chưa hình thành những tác giả kịch bản viết riêng những vở diễn thực sự thú vị cho thiếu nhi. Thêm vào đó lối dàn dựng không có nhiều thay đổi. Các vở diễn, các trích đoạn phần nhiều vẫn nặng về gây cười, pha trò theo kiểu tấu hài, cốt truyện lỏng lẻo, lặp đi lặp lại, chưa thực sự được đầu tư ở mọi khâu. Chưa kể một vở diễn thường thiếu nhi phải bao gồm có tí múa, tí ca nhạc, tí kịch. Vậy là vô tình từ một vở kịch, các em nhỏ lại được thưởng thức “món ăn” thập cẩm. Trong khi trình độ nhận thức của các em ngày được nâng cao và khán giả nhí cũng không chấp nhận sự cũ kỹ, nhàm chán.
Thực tế đã chỉ ra đang có đất diễn rất lớn dành cho sân khấu thiếu nhi, nhu cầu về nghệ thuật giải trí của các em nhỏ là rất lớn. Nhưng bài toán đặt ra là những người làm sân khấu thiếu nhi có tung ra được những sản phẩm thực sự thú vị với các em hay không? Có thực sự dám mạnh tay đầu tư dàn dựng những vở diễn thực sự đặc sắc cho các em hay không? Nếu những câu hỏi này không tìm ra lời giải thì sân khấu dành cho thiếu nhi sẽ vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn, không tìm ra được con đường đi riêng.■
Hằng Nga