Sân khấu làm gì để vượt qua “cuộc khủng hoảng lớn”?

Thứ năm, 16/02/2023 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau dịch COVID-19, sân khấu Việt Nam sáng đèn trở lại với nhiều năng lượng mới; đời sống sân khấu nhộn nhịp, sôi động với nhiều tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém của sân khấu Việt Nam vẫn còn đó, khi mà chúng ta chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả.

Đời sống sân khấu sôi động trở lại

Tại lễ trao tặng Giải thưởng Sân khấu năm 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, trở lại sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, sân khấu năm 2022 đã có chuyển biến mạnh mẽ với nhiều tín hiệu đáng mừng.

Theo ông, trong gần 20 năm trở lại đây, chưa năm nào đời sống sân khấu lại nhộn nhịp, bận rộn, sôi động và phục vụ nhiều đối tượng khán giả như năm qua. Từ khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới vào tháng 3/2022, chỉ trong khoảng 9 tháng còn lại của năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu ở cả quy mô toàn quốc và quốc tế, thu hút hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập cả nước tham gia.

san khau lam gi de vuot qua cuoc khung hoang lon hinh 1

BTC Giải thưởng sân khấu năm 2022 trao giải cho 10 diễn viên xuất sắc.

Đáng mừng hơn là chất lượng của nhiều tác phẩm sân khấu được nâng cao. Trong số 130 tác phẩm tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức trong năm 2022, đã có 3 tác phẩm đạt giải Xuất sắc, 27 tác phẩm đạt Huy chương Vàng và 32 tác phẩm đạt Huy chương Bạc.

TS. Nguyễn Đăng Chương cũng nhìn nhận, năm 2022 đánh dấu sự xóa bỏ khoảng cách chất lượng nghệ thuật giữa đơn vị công lập và ngoài công lập, khi các sân khấu xã hội hóa đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về lượng và chất các tác phẩm. Những năm trước đại dịch, những chuyện tình tay ba, chuyện ma mị, chuyện cười, thậm chí có cả những cảnh nóng, cảnh cướp giết rùng rợn trên sân khấu thì đến nay những cốt truyện đó đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề, các câu chuyện về lịch sử, danh nhân.

Đồng thời, sân khấu xuất hiện thêm những ngôi sao mới trong lực lượng sáng tạo, điển hình là đội ngũ đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn. “Đây là tín hiệu đáng mừng, có thể dần dần bù đắp phần nào sự khủng hoảng trong lực lượng sáng tạo đã trở thành căn bệnh trầm kha của nghệ thuật sân khấu nhiều năm qua” - TS. Nguyễn Đăng Chương nhận định.

Chìa khóa nào mở cánh cổng đi về phía khán giả?

Bên cạnh những điểm sáng nói trên, ông Nguyễn Đăng Chương cũng “nói thẳng” về những hạn chế, yếu kém của sân khấu trong năm qua. Theo ông, do thiếu hụt nhân lực, một số đơn vị phải đưa diễn viên kịch sang diễn chèo, diễn viên chèo sang diễn cải lương, diễn viên chuyên nghiệp làm công tác tuyên truyền thông tin lưu động.

Tình trạng này làm thui chột kỹ năng biểu diễn của diễn viên, xóa nhòa ranh giới về những nguyên tắc, đặc trưng cơ bản của các loại hình nghệ thuật trong quá trình sáng tạo. Điều đó đặc biệt thể hiện rõ trong các loại hình nghệ thuật truyền thống và kết quả cuối cùng là “ở đâu đó đã gieo vừng ra ngô”.

san khau lam gi de vuot qua cuoc khung hoang lon hinh 2

Vở cải lương “Đất liền và biển cả” của Đoàn Cải lương Hải Phòng là 1 trong số 4 vở diễn đạt giải A Giải thưởng sân khấu năm 2022.

Một thực trạng đáng buồn của sân khấu Việt Nam những năm gần đây - điều mà những người quan tâm đến sân khấu cho rằng đây là “cuộc khủng hoảng lớn” - đó là việc sân khấu đang mất dần khán giả. Nói về việc khán giả ngày nay không còn mặn mà với sân khấu, ông Chương cho biết, nếu chỉ nhìn vào số lượng hơn 60 vở diễn đoạt các giải thưởng cao tại 8 cuộc thi, liên hoan năm 2022 thì tưởng như “nghệ thuật sân khấu đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên”. Nhưng thực tế, nhiều vở diễn đạt giải khi biểu diễn phục vụ công chúng lại không có người xem, đành phải để vào kho lưu giữ.

“Phải chăng đội ngũ sáng tạo chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cổng về nhận thức và tâm hồn của khán giả ngày hôm nay?” - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đặt câu hỏi cho thực trạng này, đồng thời cho rằng đây là một bài toán cần sớm có lời giải, bởi lẽ theo ông, sự sống còn của nghệ thuật sân khấu chính là khán giả.

Ông Chương cũng đánh giá, sân khấu năm 2022 cũng như nhiều năm qua vô cùng thiếu vắng những tác phẩm về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi con người và đời sống xã hội trong thời kỳ hội nhập. Ông đưa ra dẫn chứng: Trong 27 vở diễn tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Hà Nam tháng 10/2022, chỉ có một vở diễn duy nhất phản ánh về cuộc sống đương đại, 26 tác phẩm còn lại đi vào khai thác lịch sử, dân gian, dã sử, truyền thuyết và danh nhân.

“Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng nghệ thuật sân khấu dường như ít đề cập hoặc né tránh thực tiễn đang diễn ra sôi động hàng ngày, tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị” - ông Chương nói.

san khau lam gi de vuot qua cuoc khung hoang lon hinh 3

Một cảnh trong vở cải lương “Đất liền và biển cả” của Đoàn Cải lương Hải Phòng.

Theo ông Chương, những mảng đề tài thuộc về quá khứ là đáng trân trọng, là tài sản vô giá của dân tộc, là mảnh đất màu mỡ cho những người sáng tạo nghệ thuật sân khấu cày xới, khai thác. “Thế nhưng, chúng ta cứ cày xới gieo trồng mãi trên mảnh đất màu mỡ ấy, ắt sẽ nhận được sự mỏi mòn, bạc màu trong tác phẩm. Tại sao chúng ta cứ mãi mượn chuyện xưa để nói nay mà không trực diện đối mặt để lý giải hiện thực sinh động đang chảy cuồn cuộn từng ngày, từng giờ giữa cuộc sống mênh mông rực rỡ sắc màu?” - TS. Nguyễn Đăng Chương trăn trở.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, không có kịch bản hay thì không thể có vở diễn hay. Năm 2022 có ít vở diễn hay vì sân khấu đang vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Cũng vì thế mà mỗi lần tham dự liên hoan, nhiều đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ, thậm chí còn sử dụng những kịch bản đã trình làng cách đây ba bốn chục năm. Từ đó, ông Chương lý giải, đây có lẽ là một nguyên nhân khiến nghệ thuật sân khấu chưa kéo được khán giả tới rạp.

Nên vinh danh những tác phẩm bán được vé?

Để nghệ thuật sân khấu những năm tới xuất hiện nhiều tác phẩm chất lượng cao, có được sức hút đối với khán giả, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, năm 2023, Hội sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động liên hoan sân khấu, mở các trại sáng tác, xây dựng Đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu…

Tuy nhiên, bà Mùi cũng cho rằng, muốn kéo khán giả trở lại nhà hát thì vấn đề mấu chốt vẫn phải là những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Sân khấu Việt Nam phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả.

san khau lam gi de vuot qua cuoc khung hoang lon hinh 4

Với vai Nguyễn Trãi trong vở cải lương “Đêm trước ngày hoàng đạo”, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao Giải diễn viên xuất sắc.

Một số nhà chuyên môn cho rằng, hiện đang có 2 khuynh hướng sáng tác tồn tại, một là làm vở dự thi để có giải thưởng; phía khác làm vở để bán vé, để có doanh thu. Vì vậy, giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần khuyến khích tác phẩm đoạt giải có thể bán được vé khi công diễn ở rạp. Đồng thời, các liên hoan sân khấu phải “nói không” với kịch bản cũ, hình thức dàn dựng đã lỗi thời.

Còn theo TS. Nguyễn Đăng Chương, để tháo gỡ những điểm nghẽn của sân khấu, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và những người trực tiếp tham gia sáng tạo.

Trước mắt, ông đề nghị có một cơ chế đặc thù để Nhà nước tài trợ thực hiện Đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu. Bởi theo ông, khi những “cây đa, cây đề về biên kịch đã và đang dắt tay nhau trở thành người thiên cổ”, thì hơn 10 năm qua, hai cơ sở đào tạo nghệ thuật lớn nhất cả nước là hai Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và TP. HCM không tuyển được học viên theo học chuyên ngành biên kịch sân khấu.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

(CLO) Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong gần một tháng với nhiều chương trình âm nhạc, thể thao và xúc tiến các hoạt động du lịch. Trong đó có không gian hoa, phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

(CLO) Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương năm 2024 sẽ điều chỉnh từ ngày 20/9-23/9 sang ngày 26 đến 29/10, với tổng kinh phí trên 4,1 tỉ đồng.

Đời sống văn hóa
Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

(CLO) Do yêu cầu tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão lũ, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định điều chỉnh quy mô Lễ hội Lam Kinh 2024.

Đời sống văn hóa
TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

(CLO) Chiều 19/9, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở ủng hộ việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đời sống văn hóa
Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.

Đời sống văn hóa