Mô hình 3D đường Hồ Tây- Ba Vì khá đẹp, nhưng khi thực hiện có được như thế này?
Bản Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 lại đang được dư luận chú ý sau khi thành phố Hà Nội có văn bản chính thức kiến nghị xem xét lại hai nội dung trong Đồ án, đó là đề xuất chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì và xây dựng đường Hồ Tây- Ba Vì. Đây là hai vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau nhất, thu hút sự chú ý, tranh luận của giới chuyên môn, các nhà quản lý và từng người dân trong suốt thời gian qua.
Trước đây chưa lâu, hai nội dung trên cũng bị nhiều ý kiến phản đối từ phía đại biểu Quốc hội. Sau kỳ họp thứ bảy, đã có không ít ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ về tính khả thi của đồ án bởi cơ sở lý luận của Đồ án chưa vững chắc và nhiều vấn đề không nhận được sự đồng thuận.
Trao đổi với báo chí, một quan chức của Bộ Xây dựng cho biết trong đồ án đã chỉnh sửa vẫn bảo lưu trục Thăng Long, chỉ có điều nó đã đổi tên thành đường Hồ Tây- Ba Vì. Lý do phải làm đường này là để đảm bảo giải thoát cho giao thông phía tây thủ đô; lấy chỗ làm đường ống dẫn nước từ sông Đà, hệ thống nước thải, cáp điện ngầm và làm chỗ vui chơi, giải trí. Theo đó, cần có quy hoạch làm tuyến đường này “giữ đất” để sau này thuận lợi cho giải phóng mặt bằng?
Tuy nhiên, không hiểu là nhóm làm dự án đã nghiên cứu thực tế như thế nào và tầm nhìn dài hạn ra sao bởi ngay thực tế hiện nay đã có đầy đủ những lý do để bác bỏ sự cần thiết phải làm đường Hồ Tây- Ba Vì.
Về giao thông, với những tuyến đường đã và đang triển khai xây dựng để đi lên khu vực phía tây Hà Nội đã có trên 32 làn xe cùng các tuyến đường sắt đô thị, nhu cầu giao thông giữa trung tâm và đô thị vệ tinh đã được bảo đảm. Và nếu có xây dựng ngay đường Hồ Tây- Ba Vì bây giờ thì công tác giải phóng mặt bằng cũng đã cực kỳ nan giải rồi. Bởi dọc theo hướng tuyến chỉ tính đến phạm vi đường vành đai 4 đã có hàng trăm nhà máy, khu dân cư, dự án đô thị… đã tồn tại. Như vậy, dự toán cho xây dựng con đường này sẽ tăng lên một con số rất lớn. Một dự án ít ý nghĩa nhưng phải trả giá quá đắt như vậy liệu có khả thi và có nên làm?
Quy hoạch phải là những giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân và hiện thực hóa những điều đó. Quy hoạch là việc rất cần nhưng cũng rất khó, vì vậy phải có sự nghiên cứu thấu đáo, cách xử lý phù hợp.
Đã có một kiến trúc sư cảnh báo: Nếu không cẩn thận, Quy hoạch chung Hà Nội sẽ trở thành một quy hoạch treo khổng lồ. Mà quy hoạch treo luôn là nỗi ám ảnh, nỗi khiếp sợ của người dân.
PV
___________________________________________________________________________
Dân đen nghe Thứ trưởng nói
Mấy ngày hôm nay lại nghe dư luận bàn tán về trục Thăng Long (hay ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng đặt tên lại là trục Hồ Tây- Ba Vì) những người dân quê tôi thấy sốt hết cả ruột. Nghe ông Thứ trưởng nói thì thấy Hà Nội trong vài ba chục năm nữa sẽ to đẹp lắm, hoành tráng lắm thì ai cũng mừng. Nhưng mừng đi liền với cái lo đấy. Bởi quy hoạch thì khi các ông vẽ ra đẹp thế nhưng có thực hiện nổi không? Hay chỉ vẽ ra để tiêu hết số tiền Nhà nước đã bỏ ra thôi?
Ông Thứ trưởng nói bây giờ không còn khái niệm Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì nữa nhưng ta cần nhớ lại mấy tháng trước, chính ông đã hăng hái như thế nào khi đưa ra khái niệm đó và tranh cãi bảo vệ cái trung tâm hành chính này cũng nhiệt tình, hăng hái như thế nào?
Như nhiều ý kiến đã phân tích, bây giờ Hòa Lạc mới lơ thơ vài cơ quan, đơn vị, làng xóm cũng chưa đông, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, kinh tế chưa phát triển, công ăn việc làm ít… Vậy mà ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nói rằng chỉ trong 20 năm nữa thôi, nơi đây sẽ hình thành một đô thị có 60 vạn dân (theo GS Phạm Ngọc Đăng- Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, lúc đó nó tương đương với số dân ở hai TP lớn là Hải Phòng và Đà Nẵng. Với số dân như vậy, Hòa Lạc không phải là TP vệ tinh mà là TP độc lập loại một). Dân ở đâu sẽ đến Hòa Lạc mà nhiều như vậy? Họ sẽ làm gì để sống nhỉ? Nên nhớ là từ giờ đến năm 2030 còn rất ít thời gian thôi.
Chúng tôi là người dân, và thấy rất bất bình khi ông Thứ trưởng nói sau khi khảo sát kỹ, thấy tại trục Hồ Tây- Ba Vì không có dự án đang xây dựng. Vậy xin ông trả lời trục này sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu di tích? Bao nhiêu giá trị văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng hoặc mất đi vĩnh viễn? Liệu sẽ có bao nhiêu người dân sẽ phải mất nhà cửa, di dời đi để phục vụ con đường này? Phải chăng Bộ Xây dựng chỉ tính đến quyền lợi của chủ những dự án đô thị mà không đếm xỉa gì đến đời sống của những người dân đen như chúng tôi?
Qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng thấy rằng ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng có quan điểm tiền hậu bất nhất. Ngoài việc đưa ra và cực lực bảo vệ ý tưởng dời đô lên Ba Vì sau đó lại thôi thì trong việc xây dựng trục Thăng Long hình như mỗi ngày ông nghĩ ra thêm một lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Đầu tiên là phục vụ cho việc kết nối văn hóa, sau rồi tích hợp đường nước, đường cáp ngầm và bây giờ lại đẻ ra việc phục vụ quân sự nữa. Không rõ vài hôm nữa ông lại nghĩ ra thêm những chức năng gì mới cho con đường này?
Đã có người tạm tính khi làm con đường này phải hết 10.000 tỷ đồng (500 triệu USD) nhưng bây giờ thử đem số tiền này ra để thuê, chắc chẳng có doanh nghiệp nào dám nhảy vào làm. Là người làm chuyên môn, chắc ông Thứ trưởng tính ra được.
Xin có vài lời chia sẻ. Mong được lượng thứ.
Vương Văn Mùi (Hoài Đức- Hà Nội)
Không nên làm đường Hồ Tây - Ba Vì
Không nên làm đường Hồ Tây - Ba Vì, vì nó rất lãng phí. Nên mở rộng một số tuyến đường cũ và làm thêm đoạn đường mới để rút ngắn đường đi vào các tỉnh phía Nam hàng chục km.
Lê Vĩnh Cẩn
Làm đường Hồ Tây - Ba Vì lợi bất cập hại
Gần đây người dân lại xôn xao quanh chuyện quy hoạch đường Hồ Tây - Ba Vì và UBND thành phố Hà Nội có văn bản kiến nghị Chính phủ không nên làm đường Hồ Tây - Ba Vì. Quả thật nếu xây dựng con đường này nói như ông Nguyễn Đình Toàn nó có tác dụng dẫn nước sạch từ hồ Hòa Bình về Hà Nội, giữ đất như một số quốc gia đã làm... Chẳng biết có tác dụng như vậy không nhưng nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người dân trong vùng quy hoạch làm đường, gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Khi xây dựng phá vỡ hàng loạt làng mạc mà người dân đã sinh sống ở đây lâu đời.
La Uy