(Congluan.vn) – Tại Đại hội cổ đông bất thường NH Sài Gòn Thương Tín – Sacombank diễn ra tuần qua, đã có hơn 93% cổ đông Sacombank đã thông qua chủ trương sáp nhập NH Phương Nam – Southern Bank với tỷ lệ một cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu STB.
[caption id="attachment_25496" align="aligncenter" width="1127"]
ĐHCĐ bất thường của Sacombank có đại diện 79,19% cổ đông có quyền biểu quyết[/caption]
Đại hội cổ đông bất thường Sacombank có sự xuất hiện của Chủ tịch NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Lê Hùng Dũng, nơi đang sở hữu 9,8% cổ phần của Sacombank và đại diện 79,19% cổ đông có quyền biểu quyết.
Sự có mặt của ông Lê Hùng Dũng gây chú ý, bởi sự sáp nhập Sacombank – Southern Bank có ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của Eximbank.
Cổ đông Sacombank đồng thuận cao
Trao với tư cách đại diện cổ đông lớn, ông Lê Hùng Dũng cho rằng việc sáp nhập Sacombank và Southern Bank có cả yếu tố tích cực và tiêu cực, song "cái lợi" sẽ lớn hơn, dù nhà băng sẽ gặp khó khăn trong vài năm tới. "Hiện thị trường có 4 ngân hàng quy mô lớn. Giờ nếu Sacombank sáp nhập Phương Nam thì vốn điều lệ sẽ hơn 18.000 tỷ đồng, tăng quy mô và năng lực tài chính rất lớn…", ông Dũng nói.
Sau phát biểu của ông Dũng, nhiều cổ đông vẫn đặt các câu hỏi liên quan đến nội dung bản đề án, nhất là cơ sở để tính ra tỷ lệ hoán đổi 1:0,75 (một cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank). Phó chủ tịch Eximbank - Nguyễn Phước Dừa cũng chất vấn với tư cách cổ đông: "Tôi đề nghị ban lãnh đạo giải thích rõ tỷ lệ hoán đổi để các cổ đông không phải băn khoăn trước khi sáp nhập."
[caption id="attachment_25494" align="aligncenter" width="1127"]
Đề án sáp nhập đã nhận được sự đồng thuận lớn của cổ đông[/caption]
Giải trình về tỷ lệ hoán đổi, Phó chủ tịch Sacombank - Nguyễn Miên Tuấn cho rằng căn cứ theo thị trường, giá sáp nhập của Phương Nam hiện nay có thể dưới mệnh giá, chỉ khoảng 6.000 đồng (so với STB là gần 20.000 đồng), nhưng khi chuyển giao thì giá giao dịch phải cao hơn giá thị trường, nên Sacombank đưa ra tỷ lệ 1:0,75 cho hài hòa lợi ích các bên.
Trong Đại hội, các cổ đông chú ý tới phần báo cáo sức khỏe về “sức khỏe” của Southern Bank.
Theo số liệu của Thanh tra NHNN, Southern Bank có 18.786 tỷ đồng nợ xấu (so với con số 2.500 tỷ công bố cuối 2014) và việc trích lập dự phòng có thể ảnh hưởng kết quả kinh doanh.
Hiện Southern Bank đã thực hiện xử lý thu hồi hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC 1.444 tỷ và cơ cấu lại 6.768 tỷ. Ngoài ra, khoản đầu tư trái phiếu của ngân hàng đến cuối năm 2014 là 2.420 tỷ đồng đã tất toán hết. Trong các khoản phải thu 1.118 tỷ đồng, ngoài 714 tỷ phải thu của Cty Vàng bạc đá quý Phương Nam đã quá hạn, các khoản còn lại được đánh giá là có khả năng thu hồi.
Đại hội cổ đông bất thường của Sacombank cuối cùng cũng đạt được sự đồng thuận: Đại diện 93,2% cổ đông có quyền biểu quyết dự họp đã đồng ý với đề án sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ hoán đổi là 1:0,75.
Như vậy, việc sáp nhập này chỉ còn còn chờ ý kiến cổ đông Southern Bank tại đại hội diễn ra ngày 14/7 tới là cơ bản hoàn tất (trước đó, về kế hoạch sáp nhập này, chỉ một số cổ đông Sacombank có sự phản đối).
Chấm dứt được “sở hữu chéo”
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự sáp nhập Sacombank – Southern Bank là giải quyết được tình trạng sở hữu chéo, cũng chấm dứt những lùm xùm, đồn đoán: “Sacombank “nhập” Southern Bank hay ngược lại” ?
[caption id="attachment_25495" align="aligncenter" width="1127"]
Chủ tọa đoàn tại ĐHCĐ bất thường Sacombank[/caption]
Thực tế, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015 của Sacombank, ông Trầm Bê đang là Phó chủ tịch HĐQT, con trai Trầm Khải Hoà là thành viên HĐQT. Tổng sở hữu của cá nhân ông Trầm Bê cùng các con trai, con gái và con rể là hơn 84,2 triệu cổ phần, tương đương 7% vốn điều lệ Sacombank.
Còn tại tại Southern Bank, ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Trầm Bê) đang là Phó chủ tịch HĐQT. Tổng sở hữu của cả gia đình ông Trầm Bê tại đây lên đến 21%.
Khi hai ngân hàng này sáp nhập làm một, tức là không còn 02 ngân hàng để tình trạng sở hữu chéo tại dây diễn ra.
Theo đề án sáp nhập, ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, có vốn điều lệ trên 18.853 tỷ đồng. Trong đó Sacombank hơn 12.425 tỷ đồng, Southern Bank là 4.000 tỷ đồng và hơn 2.427 tỷ đồng từ vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ chia cổ tức (2013-2014) và cổ phiếu thưởng.
Tổng tài sản của tổ chức mới là 290.000 tỷ đồng, dự kiến tăng lên gần 355.000 tỷ vào năm 2017. Ngân hàng sẽ có mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia, Lào, với khoảng 3,5 triệu khách hàng. Sau sáp nhập, Sacombank sẽ lớn nhất khối tư nhân, đã bám rất sát một đại diện của ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, có khả năng “thách thức” quyền lực của bộ ba quốc doanh Vietcombank – VietinBank và BIDV.
Kiên Giang
Quá trình thâu tóm Sacombank được đồn đoán từ cuối 2011. Đến tháng 2/2012, nhóm thâu tóm chính thức lộ diện khi Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Cùng lúc, thị trường xuất hiện thông tin ông Trầm Bê và những người liên quan cũng nắm một lượng lớn cổ phần của nhà băng này.
Cuộc thâu tóm kết thúc bằng cuộc họp đại hội cổ đông của Sacombank vào tháng 5/2012 với việc ông Phạm Hữu Phú (đại diện Eximbank) và một loạt lãnh đạo từ Southern Bank trúng cử vào ban quản trị và điều hành Sacombank. Ba tháng sau, cha đẻ của Sacombank, ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh rút lui hoàn toàn khỏi Sacombank.
Sau này, tháng 3/2014, Eximbank cũng rút khỏi Sacombank với việc ông Phạm Hữu Phú rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank, về làm lại Eximbank làm Tổng giám đốc.
Một băn khoăn liên quan tới sự sáp nhập Sacombank – Southern Bank là quyền lợi của Eximbank, cổ đông lớn đang sở hữu 9,8% cổ phần của Sacombank: 9.8% cổ phần trên sẽ được quy đổi ra sao khi xuất hiện “Sacombank mới”?