Sau 20 năm, ngày 11/9 vẫn chưa kết thúc với người Mỹ

Thứ sáu, 10/09/2021 20:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày mai (11/9), nước Mỹ sẽ tưởng niệm 20 năm sự kiện khủng bố 11/9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng, làm cả nước Mỹ phải thay đổi. Và trong khi ngày 11/9 của hai thập kỷ trước thực ra vẫn chưa kết thúc với nhiều người, thì những bài học về vụ việc, khủng bố, lại đang dần bị lãng quên...

Câu chuyện đau buồn về vị nữ cảnh sát

Dù không có hồi ức về mẹ mình, nhưng Patricia Smith đã mất 20 năm để tìm hiểu về bà. Song thông qua những câu chuyện được kể lại bởi người thân, bạn bè và gia đình và tìm kiếm trên Google, cô ấy lắp ghép hình ảnh về mẹ mình lại với nhau, như ghép một tấm gương đã bị vỡ.

Smith luôn đeo sợi dây chuyền có tên mẹ mình: Moira Smith. Bà chính là người phụ nữ duy nhất trong số 23 sĩ quan phòng cháy chữa cháy và cứu hộ thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố của Al-Qeada vào Trung tâm Thương mại thế giới ngày 11/9 của 20 năm về trước.

"Đó là món đồ trang sức duy nhất mà bà để lại cho tôi khi thiệt mạng. Nó cũng là đồ trang sức duy nhất mà tôi đang đeo", Patricia Smith, 21 tuổi, tâm sự. “Tôi lo lắng đến mức sợ đánh mất bất cứ thứ gì mà bà để lại cho tôi. Tôi muốn giữ lại tất cả”.

Vào ngày mai, thứ Bảy (11/9/2021), Mỹ sẽ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công gây chết nhiều người nhất lịch sử nước này với 2.977 người thiệt mạng khi 19 kẻ khủng bố từ cách đó nửa vòng trái đất đã đánh cướp 4 chiếc máy bay thương mại và biến chúng thành tên lửa gieo rắc tử thần cho thành phố New York, Lầu Năm Góc và cả một cánh đồng ở vùng nông thôn Shanksville, Pennsylvania.

Vụ khủng bố đó đã mang lại những thay đổi lớn đến mức khó có thể tìm thấy một người Mỹ nào đó không bị ảnh hưởng bởi sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001. Kể từ đó, nước Mỹ đã tiến hành rất nhiều chiến dịch trên toàn quốc, từ tăng cường an ninh tại sân bay, quân sự hóa cảnh sát , cho đến các cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm để tiêu diệt bọn khủng bố. Ngay cả bản chất của nhân phẩm và quyền tự do tại nước Mỹ cũng đã được định nghĩa lại bởi sự kiện 11/9.

“Khi nói về sự kiện 11/9 với các học sinh, tôi giải thích rằng đó thực sự là một sự kiện thay đổi cuộc đời. Nó đã thay đổi cách thức hoạt động của chính phủ Mỹ và cả cách người Mỹ sống ngày nay”, cựu Bộ trưởng tư pháp Mỹ Alberto Gonzales, người từng là cố vấn của Nhà Trắng cho Tổng thống George W. Bush lúc bấy giờ, cho biết.

sau 20 nam ngay 11 9 van chua ket thuc voi nguoi my hinh 1

Patricia Smith chỉ mới hai tuổi khi mẹ cô, nữ cảnh sát Moira Smith, thiệt mạng trong vụ 11/9 - Ảnh: AP

Hơn 70 triệu người sinh ra ở Mỹ vào ngày 11/9

Hơn 70 triệu người Mỹ đã được sinh ra vào ngày 11/9. Hàng triệu người khác, như Patricia Smith, còn quá trẻ để hiểu được sự tàn phá và sự biến đổi sau đó. Nhưng một số người vẫn bị ám ảnh bởi thất bại của nước Mỹ trước các cuộc tấn công cầu kỳ và tưởng rất khó thực hiện này. Nước Mỹ đã cử quân đội đến Afghanistan để tiêu diệt nhóm khủng bố al-Qaeda, song thêm hơn 2.400 lính Mỹ đã ngã xuống vì cuộc chiến này – gần bằng số người chết trong vụ 11/9.

Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan kéo dài tới 4 đời tổng thống chỉ vừa kết thúc vào cuối tháng trước, trong một sự rút lui hỗn loạn của quân đội. Thêm 13 quân nhân khác hy sinh. Thật tồi tệ, 4 người trong đó sinh vào năm 2001, năm xảy ra sự kiện 11/9. Taliban là tổ chức kiểm soát Afghanistan vào năm 2001, nơi trú ẩn an toàn cho Al-Qaeda lại đang trở lại nắm quyền. Trong suốt 20 năm qua, có lẽ không lúc nào người Mỹ lại cảm thấy lo lắng trước lễ tưởng niệm ngày 11/9 như lúc này.

Loren Crowe là sinh viên Đại học Columbia vào ngày 11/9. Anh gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp vào năm 2005 và đã đến Afghanistan chiến đấu. Anh ấy nói rằng công lý vẫn chưa được thực thi trong suốt 20 năm qua, dù Mỹ đã tiêu diệt được tên trùm khủng bố Osama bin Laden.

Trong khi đã 10 năm kể từ khi Osama bin Laden, kẻ sáng lập Al-Qaeda, bị tiêu diệt trên đất Pakistan, không ai bị kết tội đã giúp hắn thực hiện âm mưu quỷ quyệt mà hắn chủ mưu. Cũng chỉ có thêm một người đã nhận tội và bị kết án tù chung thân.

"Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Bây giờ chúng ta 20 năm sau không có công lý", Patricia Smith nói trong chuyến thăm gần đây đến tòa tháp đôi - tòa nhà 110 tầng đã mất 7 năm để xây dựng, còn những kẻ khủng bố phá hủy nó chỉ trong 2 giờ đồng hồ.

sau 20 nam ngay 11 9 van chua ket thuc voi nguoi my hinh 2

Đai súng và huy hiệu của nữ cảnh sát Moira Smith được trưng bày tại Bảo tàng cảnh sát Mỹ - Ảnh: AP

Cơn mưa chết chóc từ bầu trời

Khi nữ sĩ quan Moira Smith rời khỏi nhà vào thứ Ba định mệnh đó và đi đến Quận 13 thành phố New York, cô hôn tạm biệt đứa con gái 2 tuổi Patricia và trao bé vào tay chồng cô, Jim Smith. Hai cha con đã dành cả buổi sáng để xem phim hoạt hình Winnie the Pooh trên TV mà không biết về cuộc tấn công đang bắt đầu.

Lúc 8h46 sáng, bà Moira Smith nghe thấy tiếng động như sấm sét trên đầu, nhìn lên bầu trời trong xanh và thấy một chiếc Boeing 767 thân rộng sà xuống sát đường chân trời. Chuyến bay 11 của American Airlines lao vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm thương mại thế giới, biến mất trong một quả cầu lửa giữa tầng 93 và tầng 99.

Chỉ 17 phút sau, chuyến bay 175 của United Airlines bị cướp đã đâm vào tòa tháp phía nam. Khi tòa tháp đôi bốc cháy, một nhiếp ảnh gia trên báo đã chụp được cảnh cô Smith dẫn một người đàn ông ăn mặc bảnh bao, đầu đầy máu, rời khỏi thảm họa trước khi cô quay lại giúp đỡ những người khác. Nhưng không lâu sau, Moira Smith phát thông tin qua bộ đàm xin cứu giúp trong tuyệt vọng: “Tôi không thể thở được. Hãy giúp tôi”.

Chuyến bay 77 của American Airlines, một chiếc máy bay Boeing 757, cất cánh từ Sân bay quốc tế Dulles của Washington hướng đến Los Angeles cũng bị cướp. 9h37, điều không tưởng đã xảy ra: Chiếc máy bay đó lao thẳng vào bức tường phía tây Lầu Năm Góc.

Chuyến bay 93 của United Airlines cất cánh từ Sân bay Quốc tế Newark ở New Jersey vào sáng hôm đó hướng đến San Francisco. Theo báo cáo từ Ban an toàn giao thông vận tải Mỹ, một nhóm gồm 4 kẻ khủng bố Al-Qaeda đã xông vào buồng lái và lúc 9h32 sáng, máy ghi âm buồng lái cho biết một cuộc ẩu đã đã xảy ra và nghe được lời ai đó hét lên: “Ra khỏi đây!”.

Ở độ cao 41.000 feet, máy bay đột ngột đổi hướng trên phía đông bắc Ohio và bắt đầu hạ độ cao khi nó hướng về phía đông nam. Ít nhất 13 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã bắt đầu gọi điện cho những người thân, thông báo rằng chuyến bay đã bị cướp bởi bốn người đàn ông đeo khăn quàng đỏ và cầm dao, một tiếp viên hàng không thiệt mạng và một hành khách bị đâm.

Theo đoạn ghi âm, một số hành khách cho biết họ đang lập phương án chống trả và họ đã thành công. Tom Ridge, người khi đó là thống đốc bang Pennsylvania và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa đầu tiên của Mỹ sau vụ 11/9, nói những kẻ không tặc sẽ lái máy bay vào Tòa nhà quốc hội, nếu hành khách không ngăn chặn.

sau 20 nam ngay 11 9 van chua ket thuc voi nguoi my hinh 3

Hình ảnh nữ cảnh sát Moira Smith được chụp lại khi giải cứu nạn nhân, trước khi thiệt mạng sau đó - Ảnh: AP

Manh mối bị bỏ qua

Trong 20 năm qua, 2 cựu nhân viên FBI - Kenneth Williams và Mark Rossini đã trằn trọc hàng đêm vì nỗi đau sót khi họ đã đưa ra lời cảnh báo về vụ việc, nhưng bị phớt lờ.

Hai tháng trước vụ tấn công 11/9, Williams, khi đó là đặc vụ tại văn phòng FBI ở Phoenix, đã báo cáo cấp trên tại FBI rằng anh ta đã thu thập thông tin tình báo cho thấy Bin Laden và tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang có âm mưu làm điều gì đó liên quan tới ngành hàng không ở Mỹ, ngoài ra các cộng sự mạng lưới khủng bố đang theo học các trường lái máy bay ở Arizona.

Tuy nhiên, báo cáo của Williams không được xem xét vì không có những thông tin cụ thể. Song 1 trong 10 kẻ khủng bố được liệt kê trong báo cáo của Williams có quan hệ mật thiết với Hani Hanjour, kẻ không tặc lái chuyến bay 77 lao vào Lầu Năm Góc.

Trong khi đó, vào tháng 3/2000, Mark Rossini được điều động từ đội chống khủng bố I-49 của FBI về Trung tâm chống khủng bố của CIA ở bang Virginia. Vào một buổi sáng, anh nhận được một bức điện tín cho biết hai đặc vụ cấp cao của al-Qaeda đã nhập cảnh vào Mỹ vào tháng 1/2000.

Rossini nói với đồng nghiệp Doug Miller soạn bức điện tới FBI, bởi các đặc nhiệm al-Qaeda đã vào Mỹ trong bối cảnh toàn quốc báo động về một “Âm mưu thiên niên kỷ”, sau vụ một chiếc xe đầy chất nổ ở bang Washington do một tên Al-Qeada cầm lái được phát hiện.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao tại CIA khi đó lại yêu cầu Miller không gửi điện tín cho FBI. CIA chưa bao giờ giải thích công khai lý do tại sao họ lại chặn tài liệu của Miller. Kết quả là chính 2 đặc vụ al-Qaeda đó nằm trong số những kẻ không tặc vụ 11/9.

Rossini cho biết, thực ra có một lượng lớn thông tin tình báo CIA được chia sẻ với FBI, nhưng tại sao bản báo cáo của Miller không được gửi đi vẫn là một bí ẩn liên quan ngày nay.

“Tôi đã dành cả 20 năm qua để cố gắng tìm ra lý do, tìm ra sự thật. Tôi không thể chấp nhận nó”, Rossini, người đã từ chức vào năm 2008, trước khi bị kết tội truy cập hồ sơ trong dữ liệu FBI. Anh ta bị kết án một năm quản chế, phải thực hiện 250 giờ phục vụ cộng đồng và nộp phạt 5.000 USD.

sau 20 nam ngay 11 9 van chua ket thuc voi nguoi my hinh 4

Cựu Tổng thống George W. Bush chỉ đạo giải cứu người bị nạn trong vụ khủng bố 11/9 - Ảnh: AP

“Ngày dài nhất lịch sử lịch sử nước Mỹ”

Trong hai thập kỷ qua, những tiếng nói của sự tức giận và mất lòng tin vào chính phủ đã không ngừng được cất lên, bởi những bí mật vẫn chưa được tiết lộ.

“Ngày 11/9 là ngày dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó vẫn chưa kết thúc với những ai mất người thân yêu, những người mắc bệnh và cả những người đã mất”, công nhân xây dựng John Feal, một trong số hàng trăm tình nguyện viên lao đến Trung tâm thương mại thế giới tìm kiếm nạn nhân, cất lời ai oán.

Feal bị thương nặng trong cuộc tìm kiếm, khi bị cả một tấm thép rơi trúng chân. Ông đã thành lập Quỹ FealGood, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ những người phản ứng đầu tiên ở New York mắc một loạt các bệnh liên quan đến ngày 11/9 - bao gồm bệnh phổi, bệnh trào ngược dạ dày, ung thư, rối loạn căng thẳng và phiền muộn. Ông cũng đã vận động Quốc hội tiếp tục hỗ trợ cho họ, dù một số lãnh đạo cho rằng không còn cần thiết.

Feal nói: "Tôi sẽ 55 tuổi vào tháng 11 tới. Tôi 34 tuổi khi bị thương. Đó là gần một nửa cuộc đời của tôi. Tôi thức dậy mỗi sáng và luôn được nhắc nhở về nỗi đau đó khi nhìn bàn chân què cụt của mình... Thời gian đã không tồn tại với tôi suốt 20 năm, mọi thứ với tôi vẫn chỉ như mới ngày hôm qua”.

'Họ đã phá hủy cuộc sống của tôi'

Chỉ 45 ngày sau vụ tấn công ngày 11/9, do lo sợ một cuộc phục kích tiếp theo, Quốc hội đã thông qua Đạo luật yêu nước, mở rộng quyền giám sát của chính phủ, bao gồm việc xem xét hồ sơ ngân hàng và thậm chí cả tài khoản thư viện. Đạo luật này cũng cho phép Cơ quan an ninh Mỹ thực hiện các cuộc khám xét một cách dễ dàng hơn.

Sau vụ 11/9, chính phủ Mỹ bị cáo buộc đã bắt cóc, giam giữ và tra tấn hàng loạt tù nhân mà không có bất cứ phán xét nào của tòa án, bao gồm hơn 800 tù nhân bị đưa đến trại giam Guantanamo.

Lakhdar Boumediene, một công dân gốc Algeria, đã bị giam giữ trong 7 năm tại Guantanamo, nơi anh ta nói rằng anh ta bị thẩm vấn không ngừng và bị tra tấn thường xuyên. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã bác bỏ cáo buộc về việc các tù nhân bị tra tấn tại Guantanamo.

sau 20 nam ngay 11 9 van chua ket thuc voi nguoi my hinh 5

Lính cứu hỏa băng qua đống đổ nát sau khi hai máy bay bị cướp đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, làm sập tòa tháp đôi 110 tầng - Ảnh: Shawn Baldwin / AP

Những bài học không được học

Panetta là Bộ trưởng quốc phòng khi Bin Laden bị giết vào ngày 2/5/2011. Ông nhớ lại cảm giác nhẹ nhõm khi nghe những tiếng hô vang “Mỹ, Mỹ, CIA, CIA”  phát ra từ một đám đông tụ bên ngoài Nhà Trắng.

Nhưng một thập kỷ sau cái chết của bin Laden, nước Mỹ vẫn luôn nằm dưới sự đe dọa của các nhóm khủng bố đã lan tỏa trên khắp thế giới. Theo Panetta, “không có một chiến lược toàn diện nào để đánh bại chủ nghĩa khủng bố trên thế giới".

Sau vụ 11/9, Mỹ có sứ mệnh rõ ràng là tiêu diệt Al-Qaeda và tiêu diệt bin Laden.  Khi song việc, họ lại tập trung vào các vấn đề khác và lãng quên chủ nghĩa khủng bố. Tom Ridge, cựu Bộ trưởng an ninh nội địa, cho biết cuộc nổi dậy ngày 6/1 tại tòa nhà Capitoll là một dấu hiệu cho thấy một số bài học kinh nghiệm từ vụ 11/9 đã bị lãng quên.

Có phải nước Mỹ đã quay trở lại sự tự mãn như trước ngày 9/11 không? Đây là một câu hỏi lớn dành cho quốc gia có vai trò quan trọng với an ninh toàn cầu này!

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế