(NBCL) Năm 1967, khi ký Tuyên bố Bangkok 1967 “khai sinh” Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực đã mơ giấc mơ về một Cộng đồng ASEAN (EC) thống nhất, hòa bình, thịnh vượng. Và phải mất tới 48 năm, sau rất nhiều nỗ lực, giấc mơ ngày ấy mới trở thành hiện thực.
[caption id="attachment_72795" align="aligncenter" width="640"]

Tổng thống Brack Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27[/caption]
Câu chuyện thần kỳ
Ngày 22/11/2015, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ở Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt bút ký văn kiện Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015. Nhìn lại chặng đường ASEAN đã vượt qua trong suốt gần nửa thế kỷ qua mới thấy rõ hết tầm vóc của thành tựu này, thấy rõ đây không chỉ là một động thái lịch sử mà còn là cả một câu chuyện thần kỳ.
Các nước ASEAN có tới hơn 600 triệu người, nói các ngôn ngữ khác nhau, đặt niềm tin vào nhiều tôn giáo riêng biệt và được lãnh đạo dưới nhiều thể chế chính trị. Thêm vào đó, những xung khắc cao độ của đời sống chính trị quốc tế kể từ sau thế chiến thứ hai đã khiến khu vực này chìm trong thù địch và nghi kỵ dai dẳng. Vì thế, một cộng đồng chung gắn kết chặt chẽ các quốc gia Đông Nam Á với nhau một thời bị xem là một ý tưởng thiếu khả thi, một ước mơ không thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, sự biến đổi ngày càng mạnh mẽ của tình hình thế giới, đặc biệt là sự xuất hiện và gia tăng phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự ứng phó và xử lý, đã khiến các nước Đông Nam Á buộc phải… nghĩ khác. Tất cả nhận diện rõ nguy cơ nếu không có hòa bình và ổn định, không kiến tạo niềm tin thì khu vực tiếp tục sẽ là vùng trũng phát triển, sẽ rơi thế bất ổn, thế đối đầu và bị lợi dụng. Mà muốn có hòa bình, ổn định và phát triển, chỉ có thể là đoàn kết và liên kết.
Nhưng từ nghĩ khác đến làm khác là cả một quãng đường dài, với quyết tâm gắn kết bền bỉ, trải qua vô vàn những cuộc họp thượng đỉnh, mô hình cộng đồng ASEAN mới dần hiện ra. Tháng 12/1997, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN và sau khi Hiệp hội đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, trong đó lần đầu tiên đề cập ý tưởng về một cộng đồng hài hòa các quốc gia Đông Nam Á, nơi “sông núi không còn ngăn cách mà gắn kết chúng ta trong hợp tác và hữu nghị”.
Tháng 10/2003 với Tuyên bố Hòa hợp Bali II, các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 năm 2007 họp tại Cebu (Philippines) đã quyết định đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa AC sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Và đến ngày 31/12/2015, đúng như lời “hẹn ước”, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Câu chuyện gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á tưởng như thần kỳ và không tưởng ngày nào đã trở thành hiện thực.

Vượt thách thức để đạt tham vọng lớn
Tuyên bố tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhấn mạnh Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị- An ninh (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC), sẽ đưa ASEAN chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với vai trò và vị thế ngày càng cao ở trong khu vực và trên thế giới, gắn kết sâu hơn về chính trị, liên kết sâu hơn về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên. Trong đó, AEC được đánh giá là giữ vai trò quan trọng hơn cả trong AC. Với AEC, các nhà lãnh đạo ASEAN nuôi tham vọng kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất nhất thể hóa trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao được chu chuyển tự do, đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ...
Tuy nhiên, xét về thực lực của ASEAN hiện nay, thấy rõ những mục tiêu trên thực sự là tham vọng lớn. Bởi, bên cạnh những cơ hội lớn, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất mà Cộng đồng ASEAN phải đối mặt là vấn đề an ninh. Các chuyên gia nhận định, vấn đề an ninh có thể dễ dàng phá vỡ hoà bình mà các quốc gia vùng Đông Nam Á đã cố gắng thiết lập. Mức độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia ASEAN cũng gây khó khăn cho các nước khi làm việc cùng nhau và gắn bó khăng khít trên quy mô lớn.
Việc thực hiện các mục tiêu mà Cộng đồng ASEAN đề ra cũng trở nên khó khăn. Sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa các nước ASEAN cũng khiến khả năng hợp tác của họ trở nên khó thực hiện hơn, thậm chí có thể gây ra những xung đột. Bên cạnh đó, còn vô số rào cản khác như: Tình trạng tham nhũng, cơ sở hạ tầng không đồng đều, chi phí vận tải và vận tải biển chênh lệch lớn.
Cuộc chơi bình đẳng mới cho Việt Nam
Cộng đồng ASEAN ra đời đúng vào thời điểm tròn 20 năm Việt Nam tham gia và gắn bó với ASEAN. Tham gia Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đứng trước cơ hội được tiếp cận thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do của các nước đối tác ASEAN.
Cơ hội đem lại là rất lớn, song cùng với đó Cộng đồng ASEAN cũng đem lại cả thách thức cho Việt Nam, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại. Khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, áp lực cạnh tranh lớn sẽ đè lên các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN. Tại các hội nghị ASEAN 27, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu cao quyết tâm và cam kết của Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp cụ thể và thiết thực để triển khai hợp tác ASEAN và tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực. “Đường lớn” đã mở vấn đề còn lại chỉ là: nên đi thế nào?
Hồng Hà