Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu EIB cũng theo được làn sóng tăng giá của thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng. EIB đã tăng được hơn 28% khi từ mức 12.650 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017 đến mức đỉnh giá 16.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/1.
Tuy nhiên, sau thông tin khách hàng Chu Thị Bình mất hơn 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại đây đã khiến cổ phiếu này “lao dốc”.
Từ mốc 16.200 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 2, mức giá cao nhất trong gần 4 năm qua, cổ phiếu EIB đã trải qua 11 phiên giao dịch với chỉ 2 phiên tăng giá nhẹ còn lại là giảm giá.
Thị giá EIB giảm về vùng 14.250 đồng/cổ phiếu và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mới đây, Eximbank đã có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm lưu ý chứng khoán lên tiếng với cổ đông về việc để mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Công văn này do ông Lê Văn Quyết - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ký. Nội dung công văn cho biết, vừa qua trên một số phương tiện truyền thông có thông tin về bà C.T.B (bà Chu Thị Bình), khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM yêu cầu hoàn trả và tất toán tiền gửi trên các sổ tiết kiệm mở tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM.
“Về đề nghị này của khách hàng nêu trên, Eximbank đang gặp gỡ và làm việc với khách hàng để sớm tìm giải pháp phù hợp, hợp tác với Cơ quan Cảnh sảnh sát điều tra Bộ Công an trong suốt quá trình điều tra và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, báo cáo Ngân hàng Nhà nước”, phía Eximbank cho biết.
Đồng thời, ngân hàng này cũng khẳng định “sẽ công bố thông tin khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng”.
Số tiền gửi 245 tỷ đồng bị thất thoát là trường hợp mất tiền gửi lớn nhất được ghi nhận tại Eximbank từ trước đến nay và bằng khoảng 30% lợi nhuận sau thuế của năm 2017.
Giả sử, ngân hàng thua kiện và phải hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi phát sinh cho khách hàng Chu Thị Bình, số tiền này sẽ được lấy từ nguồn dự phòng rủi ro hoạt động và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm 2018 của ngân hàng này.
P.V