Sẽ rà soát tổng thể việc sáp nhập thôn để sửa đổi quy định phù hợp điều kiện và đặc thù mỗi địa phương
Bộ trưởng trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp công tác của Báo Nhà báo và Công luận đối với các nhiệm vụ của Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Nhà báo và Công luận về công tác sắp xếp thôn, tổ dân phố.
+ Thưa Bộ trưởng, chủ trương sắp xếp lại quy mô khu dân cư, sáp nhập, kiện toàn bộ máy nhằm tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, qua quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Xin Bộ trưởng cho biết về những kết quả nổi bật của công tác sắp xếp thôn, tổ dân phố trong thời gian qua?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 136.824 thôn, tổ dân phố (trong đó có 89.531 thôn và 47.293 tổ dân phố). Về quy mô số hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố ở khu vực đồng bằng trung bình là 200-300 hộ gia đình; ở khu vực miền núi và những nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, diện tích rộng, dân cư phân tán nên quy mô dân số nhỏ, nhiều thôn dưới 100 hộ gia đình, cá biệt có nơi dưới 10 hộ gia đình; ở khu vực đô thị, biến động tăng dân số cơ học ngày càng cao nhưng quy định về quy mô hộ gia đình của tổ dân phố không thay đổi nên số lượng tổ dân phố tăng nhanh, có nơi còn có mô hình trung gian giữa tổ dân phố và phường, thị trấn (ví dụ như mô hình khu phố tại thành phố Hồ Chí Minh). Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố rất lớn (678.659 người, trung bình gần 5 người/1 thôn, tổ dân phố).
Trước thực trạng đó, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, yêu cầu “Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 và Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012) hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Theo đó, đã quy định cụ thể về quy mô số hộ gia đình đối với các thôn, tổ dân phố theo vùng, miền phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư; đồng thời, quy định “Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình theo quy định thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; đối với các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập”.
Thực hiện chủ trương của Đảng và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các địa phương trên cả nước đã xây dựng đề án sắp xếp thôn, tổ dân phố trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Kết quả, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước còn 90.508 thôn, tổ dân phố (trong đó có 69.580 thôn và 20.928 tổ dân phố), giảm 46.316 thôn, tổ dân phố (33,85%) so với năm 2015 và số người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố còn 297.844 người, giảm 380.815 người (56,11%) so với năm 2015.
Việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố đã làm giảm số lượng lớn thôn, tổ dân phố; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng nguồn lực cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chế độ chính sách đối người người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, việc tăng quy mô các thôn, tổ dân phố đã tác động tích cực đến xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hoá, thuận lợi nhiều hơn cho hoạt động quản lý Nhà nước, tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuống cơ sở và các hoạt động tự quản tại địa phương.
+ Vừa qua, nhóm phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã dành nhiều tháng để đi ghi nhận thực tế tại các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc và thực hiện loạt bài viết: “Khó khăn khi sáp nhập thôn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa – nhìn từ thực tiễn”. Trong đó, phản ánh những vướng mắc, khó khăn về điều kiện địa lý, các vấn đề khác biệt về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn… Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản thì việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố trong thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như Báo Nhà báo và Công luận đã phản ánh, cụ thể:
Một là, tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, do đặc thù địa lý tự nhiên bị chia cắt, dân cư phân bố không đồng đều nên sau khi sáp nhập các thôn thì khoảng cách về địa lý giữa các hộ trong thôn và từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm thôn, bản và trung tâm của xã tăng lên, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng,... Trong khi đó, ở vùng đồng bằng, một số thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình không bảo đảm theo quy định, nhưng do không nằm liền kề nhau nên không thể sáp nhập được; thậm chí một số thôn, tổ dân phố phải chia tách để sáp nhập vào nhiều thôn, tổ dân phố khác liền kề nên gặp khó khăn khi lấy ý kiến cử tri trong quá trình thực hiện.
Hai là, về đặc thù lịch sử, truyền thống, dân tộc, văn hóa, phong tục, tập quán, ở nhiều vùng, tư tưởng dòng họ ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên rất khó hòa nhập, khó tạo đồng thuận khi sáp nhập vào thôn khác. Làng, ấp, thôn, buôn, bản ở Việt Nam đều có tên gọi cụ thể và gắn với lịch sử, do vậy, việc đặt tên mới sau sáp nhập gặp khó khăn vì hầu hết người dân muốn giữ tên truyền thống đã gắn bó lâu đời. Bên cạnh đó, việc bổ sung, điều chỉnh hương ước, quy ước của các thôn, làng sau sáp nhập cũng nảy sinh vướng mắc, khó khăn, vì trước đó đều có quy ước, hương ước riêng. Ở một số nơi, việc thống nhất những quy định chung về trật tự, vệ sinh, nếp sống văn minh; phong tục, tập quán, sinh hoạt của thôn, làng sau sáp nhập chưa tạo được sự đồng thuận, phát sinh bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh trật tự của các địa phương.
Ba là, về cơ sở vật chất, với phạm vi, quy mô dân số lớn hơn, các nhà văn hóa trước đây không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân, một số nhà văn hóa thôn được sử dụng phục vụ sinh hoạt cộng đồng thì diện tích nhỏ so với dân số tăng lên, không nằm ở trung tâm của thôn; không ít tổ dân phố ở các thành phố lớn, nhất là các khu chung cư cao tầng thì việc tổ chức họp dân gặp khó khăn, trong khi đó việc cải tạo, xây dựng mới nhà văn hóa mới, khu vui chơi, các thiết chế văn hóa ở thôn, tổ dân phố mới gặp khó khăn về quỹ đất và kinh phí thực hiện.
Bốn là, đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, do sáp nhập các thôn, tổ dân phố nên khối lượng công việc của thôn, tổ dân phố tăng lên trong khi số lượng người hoạt động không chuyên trách giảm đáng kể và chế độ phụ cấp cho các đối tượng này còn thấp, chưa khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác, phát huy tối đa năng lực, hiệu quả phục vụ cộng đồng.
+ Thời gian tới, Bộ Nội vụ có giải pháp gì để công tác sắp xếp thôn, tổ dân phố đạt được hiệu quả, khắc phục những khó khăn, vướng mắc như Bộ trưởng đã nêu ở trên?
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng và của pháp luật về sắp xếp thôn, tổ dân phố; nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập như đã nêu trên, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về rà soát, sắp xếp thôn, tổ dân phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ việc tiếp tục sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời với việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để thấu hiểu và nhận được sự đồng thuận của quần chúng Nhân dân, không tiến hành sắp xếp một cách cứng nhắc, cơ học. Nơi nào thuận lợi, hội đủ điều kiện thì thực hiện trước; nơi nào phức tạp, khó khăn thì cần có lộ trình cụ thể, và phải luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân.
Hai là, trong quá trình sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố cần chú ý đến những đặc thù về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, an ninh, quốc phòng, bảo đảm hài hòa giữa văn hóa truyền thống và đặc thù của mỗi vùng miền. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cần tích cực vận động quần chúng, các tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo thực hiện tốt phong trào “sống tốt đời, đẹp đạo” để vừa làm tốt việc đạo, vừa góp phần xây dựng đất nước; chủ động tổ chức những buổi giao lưu, gặp gỡ để giúp các cộng đồng dân cư hòa nhập sau sáp nhập, nhằm tạo sự đồng thuận góp phần chung tay, đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Ba là, về chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh trong việc quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, bảo đảm khuyến khích và thu hút sự cống hiến của họ đối với cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố.
Bốn là, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ 4 sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và các thiết chế dân chủ khác tại cơ sở (Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng). Sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành rà soát tổng thể, toàn bộ thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước, từ đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện và đặc thù của mỗi địa phương.
Cuối cùng, qua đây, tôi cũng trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp công tác của Báo Nhà báo và Công luận đối với các nhiệm vụ của Bộ Nội vụ!
+ Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn của Báo Nhà báo và Công luận!
(CLO) Quyết định nêu rõ hai phi công được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì "đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc."
(CLO) Đánh giá cao vai trò và tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng quan trọng của Đảng Cách mạng hiện đại cầm quyền (PRM) tại Cộng hòa Dominica, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy, tiến tới thiết lập quan hệ chính thức giữa hai Đảng trong thời gian tới.
(CLO) Từ ngày 19-21/11/2024, Tổng thống Luis Rodolfo Abinader Corona cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Dominica đã đón Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Dominica.
(CLO) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
(CLO) Ngày 21/11, tại Nam Định, thanh tra 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng gồm: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
(CLO) Ngày 21/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hải Dương tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về công tác cán bộ của Tỉnh đoàn Hải Dương.