Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình
Liên quan đến nội dung bài viết, PV đặt vấn đề: Vừa qua Báo Nhà báo & Công luận có loạt bài phản ánh vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại tỉnh Sơn La. Trong đó, ngoài đối tượng cầm đầu đã bị bắt thì những cá nhân có liên quan đến vụ án vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cũng như nhiều tình tiết thể hiện tại thông báo kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La, vụ án này có những dấu hiệu cho thấy cơ quan CSĐT công an tỉnh Sơn La đã bỏ lọt tội phạm khi không khởi tố những cán bộ công an có liên quan đến đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT công an tỉnh Sơn La đã ký văn bản gửi Văn phòng quản lý đăng ký đất đai (VPQLĐĐ) huyện Sốp Cộp với nội dung “đến nay chưa có căn cứ kết luận bất động sản của Đặng Tuyết Nhung và Sồng A Dìa có liên quan đến vụ án, do đó chủ tài sản có quyền thực hiện các giao dịch đối với tài sản của mình theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, theo chúng tôi, căn cứ thông tin PV xác minh tại huyện Sốp Cộp, khối tài sản là nhà gắn liền trên đất của Đặng Tuyết Nhung được hình thành trong quá trình "làm ăn" với đối tượng lừa đảo, thì chưa thể xác định đây là tài sản hợp pháp. Và, nếu sau này xác định khối tài sản của Đặng Tuyết Nhung có liên quan đến vụ án, và nó đã được tẩu tán, mua bán, chuyển nhượng thì cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Đặc biệt hơn, vụ án này còn có liên quan đến một số cán bộ Ngân hàng là Đoàn Thị Chinh và Hà Xuân Tú. Cũng theo tài liệu PV có được, Đoàn Thị Chinh đã tiết lộ thông tin với đồng nghiệp của mình về việc bố Chinh đã mang 800 triệu đồng ra thành phố Sơn La để đưa cho cán bộ cơ quan CSĐT và cán bộ Viện KSND tỉnh Sơn La, với mục đích giúp Chinh không bị khởi tố. Còn việc giao dịch giữa bố Chinh và những cán bộ nói trên đã được thực hiện thành công hay chưa thì chúng tôi không khẳng định vì tất cả được thể hiện trong hồ sơ tài liệu mà chúng tôi sẽ chuyển tới Bộ trưởng Bộ Công an.
Trên cơ sở những thông tin NB&CL đã đăng tải, PV đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sẽ xử lý vụ án này như thế nào?
Về vấn đề PV nêu ra, Thượng tướng Tô Lâm đề nghị PV chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ án. "Trường hợp nếu đúng như những gì phóng viên phản ánh và tài liệu cũng thể hiện là có tiêu cực trong quá trình điều tra, Bộ trưởng sẽ xử lý nghiêm", Thượng Tướng Tô Lâm nói.
Cũng về vấn đề nêu trên, cùng với việc sắp tới TAND tỉnh Sơn La sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai, PV cũng có cuộc trao đổi với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
"Người bị hại trong vụ án nói trên đang ngày đêm “lo sợ” quyết định của Tòa sơ thẩm sắp tới sẽ tuyên bất lợi đối với họ? Vậy với tư cách là Chánh án TAND Tối cao, ông sẽ quan tâm đến vụ án như thế nào thưa Chánh án?", PV nêu câu hỏi.
Trả lời PV, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Thứ nhất, vụ án đang ở cấp sơ thẩm, cá nhân Chánh án không có thể can thiệp được gì trong quá trình xét xử để đảm bảo tính độc lập. Thứ hai, nếu có tài liệu chứng cứ gì về những vi phạm, PV hãy cung cấp thêm, Chánh án sẽ yêu cầu làm rõ.
Thứ ba, theo trình tự thủ tục tố tụng thì còn cấp phúc thẩm nữa và yêu cầu đặt ra là “cứ phải làm cho nghiêm”. "Nếu có tài liệu chứng cứ gì cứ đưa, tôi sẽ yêu cầu kiểm tra", Chánh án Nguyễn Hòa Bình một lần nữa khẳng định.
Liên quan đến những vấn đề nói trên, phóng viên Báo NB&CL sẽ tiếp tục phỏng vấn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La và những cơ quan tiến hành tố tụng xoay quanh vụ án.
Báo Điện tử Congluan.vn tiếp tục thông tin.
Đắc Nguyên