Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 1-6. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Ấn Độ đã nêu bật tầm nhìn của ông về các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hướng tới các mối quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn. Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta nên có quyền tiếp cận bình đẳng - như một quyền được luật pháp quốc tế thừa nhận - đối với việc sử dụng các vùng biển và không phận quốc tế. Điều này đòi hỏi sự tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế."
Thủ tướng Modi khẳng định khi tất cả nhất trí tuân thủ quy tắc này, các tuyến hàng hải sẽ mở đường cho sự thịnh vượng và hòa bình.
Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này cũng nhấn mạnh việc các quốc gia cần đảm bảo duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, trên cơ sở tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, không phân biệt là nước lớn hay nước nhỏ.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ ủng hộ việc tích cực đối thoại để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo các quy định của luật pháp quốc tế cũng như cho biết sẽ kiên trì theo đuổi chính sách đa phương trong các nỗ lực giải quyết những thách thức an ninh hiện nay, đặc biệt là đảm bảo quyền tự do hàng hải và lưu thông thương mại hàng hóa trên biển.
Thủ tướng Modi đã phác thảo vai trò của New Delhi trong việc định hình trật tự trong bối cảnh thế giới liên tục bất ổn và đưa ra cách tiếp cận không hiếu chiến trong các vấn đề ở Đông Nam Á.
Ông cũng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách "Hành động hướng Đông" mà nước này đang theo đuổi. Ông khẳng định Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những trụ cột trong chính sách này đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác nhiều mặt với các quốc gia ASEAN cũng như Ấn Độ Dương.
Đề cập đến sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ luôn dẫn đầu triển khai các kết nối mang tính khu vực này, nhấn mạnh rằng sáng kiến này cần phải dựa trên sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự minh bạch trong quản trị của từng quốc gia.
Giới chuyên gia nhận định việc lần đầu tiên, một Thủ tướng Ấn Độ tham dự SLD 2018 và phát biểu dẫn đề là một lựa chọn "mang tính chiến lược," đặc biệt là trong bối cảnh nhóm Bộ Tứ khu vực (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) hay khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở thành từ khóa của an ninh khu vực.
Chính vì vậy, mời ông Modi tới phát biểu dẫn đề sẽ tạo ra một cơ hội cho các đại biểu có thể được lắng nghe những quan điểm từ phía Ấn Độ về các vấn đề này cũng như có thể tìm hiểu rõ hơn về vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực đang hình thành, đặc biệt là vai trò của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ khu vực, hay là trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.
Mặt khác, các chuyên gia cũng bày tỏ rằng phát biểu dẫn đề khai mạc SLD 2018 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với thông điệp mà các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đưa tại diễn đàn lần này có thể giúp làm rõ hơn khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như vai trò của Bộ Tứ khu vực trong cấu trúc an ninh khu vực hiện nay, từ đó tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, gây dựng lòng tin nhằm góp phần thiết thực vào giải quyết các thách thức.
SLD lần thứ 17 - diễn đàn an ninh quan trọng vào bậc nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đã chính thức khai mạc tối 1/6 tại Singapore. Hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số năm 2017 đã tham dự diễn đàn.
Dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự SLD 2018 là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh./.
Theo TTXVN