Số hóa trường học cần được cụ thể bằng chính sách

Thứ ba, 09/11/2021 05:55 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội, việc chuyển đổi số trong các nhà trường là một xu thế tất yếu. 

Hiện nay, việc học sinh không được đến trường, mọi hoạt động của nhà trường tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác phải chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Một vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay đó là làm thế nào để quản lý và duy trì được chất lượng dạy học trong bối cảnh hiện nay.

Để hiểu rõ hơn về thực tiễn công tác này tại một trường phổ thông, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội.

Được biết, Trường THPT Phan Huy Chú là trường tự chủ tài chính, là trường chất lượng cao của Hà Nội.

so hoa truong hoc can duoc cu the bang chinh sach hinh 1

Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội (ảnh Quang Hùng).

Hiện nay, dịch COVID-19 kéo dài đã tác động như thế nào đối với công tác dạy học tại nhà trường. Được biết, Trường THPT Phan Huy Chú theo đuổi mục tiêu giáo dục chất lượng cao thì đây có phải là một thách thức lớn không? Nhà trường đã có biện pháp như thế nào để đảm bảo được chất lượng trong bối cảnh hiện nay?

Ông Hà Xuân Nhâm: Đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động, ảnh hưởng đến cả xã hội và ở hầu hết các lĩnh vực trong đó có giáo dục.

Việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến buộc các nhà trường phải thay đổi kế hoạch giáo dục cho phù hợp. Các hoạt động chuyên môn đa số cũng phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Một số hoạt động giáo dục khi triển khai trực tuyến sẽ khó khăn hơn nhiều so với trực tiếp.

Với trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, trong kế hoạch giáo dục đã được xây dựng theo định hướng tăng cường trải nghiệm thực tế, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực học sinh thì việc dịch bệnh kéo dài là một thách thức rất lớn.

Một số hoạt động giáo dục rất khó chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, rất khó để đảm bảo hiệu quả như khi giảng dạy trực tiếp. Ví dụ như các giờ học thí nghiệm thực hành, các hoạt động ngoại khóa, các bộ môn thể dục, sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng như tổ chức các kỳ khảo sát chất lượng định kỳ…

Do đó, nhà trường đã phải điều chỉnh đồng bộ trong kế hoạch, cùng nhau xây dựng, triển khai các hoạt động giáo dục cho phù hợp với tình hình mới để không cắt xén chương trình, không bỏ các hoạt động giáo dục và đảm bảo được chất lượng giáo dục trong tình hình mới.

Ví dụ tuần vừa qua chúng tôi vẫn triển khai tuần học tập trải nghiệm, thay vì học sinh được đi trải nghiệm thực tế ở một số địa điểm thì chúng tôi cử giáo viên tới những địa điểm đó để thực hiện các livestream để học sinh vẫn có thể nhìn, cảm nhận, hiểu và thực hiện các báo cáo sản phẩm trải nghiệm.

Thay vì các bài thí nghiệm ở phòng thí nghiệm thì giáo viên bộ môn thay đổi bằng các hóa chất mà các con có sẵn ở nhà, hướng dẫn tự thí nghiệm ở nhà để thực hiện các nội dung trải nghiệm…

Hiện nay, cả nước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về sống chung với COVID-19, nhà trường có gặp phải khó khăn gì không hay có nảy sinh vấn đề gì không? Theo ông, đâu là thách thức mà nhà trường phải đối mặt với dịch COVID-19 trong thời gian tới đây?

Ông Hà Xuân Nhâm: Khó khăn của nhà trường ngoài việc xây dựng kịch bản chi tiết để có thể linh hoạt trong tình hình mới, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến thì cần phải chú ý đến tâm lý của đội ngũ nhà giáo và học sinh khi đa số thời gian là ngồi trước màn hình máy tính.

Trong thời gian tới đây, thách thức lớn nhất với chúng tôi là việc làm sao để giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường có một tâm lý vững vàng để đối mặt với dịch bệnh kéo dài.

Đảm bảo duy trì đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ khi nhà trường bị cắt, giảm các nguồn thu; hỗ trợ cho những học sinh và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh…

so hoa truong hoc can duoc cu the bang chinh sach hinh 2

Chuyển đổi số trong giáo dục là một xu thế tất yếu (ảnh Quang Hùng).

Trong đại dịch thì công tác quản lý nhà trường được chuyển đổi linh hoạt như thế nào? Ông đánh giá như thế nào về việc số hóa, trực tuyến hay áp dụng công nghệ vào công tác quản lý giáo dục hiện nay? Để nâng cao được hiệu quả cần thiết như thế nào?

Ông Hà Xuân Nhâm: Chúng tôi có hệ thống công nghệ thông tin rất tốt nên công tác quản lý rất thuận lợi, hầu như không gặp nhiều khó khăn.

Về việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy là xu thế tất yếu và rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Tôi nghĩ rằng, việc mà mỗi nhà trường phải làm là thiết kế môi trường ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, có hệ thống để sao cho có một hệ sinh thái công nghệ thông tin giúp tăng cường sự tương tác, chia sẻ và an toàn bảo mật.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ để có thể sử dụng, khai thác, triển khai các công việc trong môi trường trực tuyến.

Lưu ý, việc số hóa chỉ là một phần, một nội dung nhỏ trong việc chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần nhiều đến kỹ năng, tư duy, sự hợp tác, tương tác và chia sẻ trên nền tảng công nghệ thông tin.

Trong Trường học việc dạy trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời nữa mà trở thành giải pháp lâu dài. Vậy theo thầy có nên đưa tiêu chí ứng dụng công nghệ vào để đánh giá xếp hạng nhà trường hay tiêu chí bắt buộc trong đánh giá trường học đạt chuẩn quốc gia hay không?

Ông Hà Xuân Nhâm: Xu thế hiện nay việc chuyển đổi số trong giáo dục là một xu thế tất yếu. Xu thế trên toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam và cũng không phải chỉ giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Rất mong sau này đưa vào cơ chế, chính sách cụ thể để các nhà trường có định hướng rõ nét hơn trong định hướng chuyển đổi số của mình.

Riêng Trường THPT Phan Huy Chú, dự kiến sau này sẽ thực hiện rất gắt gao, triệt để chuyển đổi số và phấn đấu đến giai đoạn nào đó đáp ứng được chuyện đào tạo từ xa.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Thí sinh lưu ý các mốc thời gian trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Thí sinh lưu ý các mốc thời gian trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024 tổ chức vào cuối tháng 6, thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến vào 8h ngày 17/7.

Giáo dục
Khi nào chứng chỉ hành nghề nhà giáo bị thu hồi?

Khi nào chứng chỉ hành nghề nhà giáo bị thu hồi?

(CLO) Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo bị thu hồi trong các trường hợp nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải.

Giáo dục
Sắp tới nhà giáo làm việc theo hợp đồng, quy mô học sinh giảm hợp đồng chấm dứt!

Sắp tới nhà giáo làm việc theo hợp đồng, quy mô học sinh giảm hợp đồng chấm dứt!

(CLO) Về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng nhà giáo, dự thảo nêu vì lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho cơ sở giáo dục buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà nhà giáo đang đảm nhận không còn và không thể thỏa thuận để bố trí việc làm khác.

Giáo dục
Trong dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo bị nghiêm cấm điều gì?

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo bị nghiêm cấm điều gì?

(CLO) Một trong những điều nghiêm cấm nhà giáo đó là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật.

Giáo dục
Chứng chỉ hành nghề nhà giáo có làm nhụt chí người theo đuổi nghề giáo?

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo có làm nhụt chí người theo đuổi nghề giáo?

(CLO) Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, sinh viên ra trường phải đủ điều kiện thực tập trong thời gian một năm sau đó được đánh giá hoàn thành mới được cơ quan tuyển dụng.

Giáo dục