Ngày 21/12/2017, Sở TN&MT phối hợp với UBND xã Tân Cương, Công ty TNHH Hải Thành tổ chức kiểm tra thực địa. Kết quả kiểm tra cho thấy: Công ty TNHH Hải Thành đang hoạt động san gạt, xúc đất mặt để tiến hành khai thác cát, sỏi. Hiện nay, Công ty TNHH Hải Thành chưa thực hiện việc thuê đất và ký hợp đồng theo quy định.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở TN&MT yêu cầu Công ty TNHH Hải Thành dừng ngay hoạt động xúc bốc, vận chuyển, chế biến khoáng sản cát, sỏi tại khu vực xã Tân Cương; tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất khu vực dự án để được khai thác theo quy định; công ty chỉ được tiến hành khai thác cát, sỏi khi được UBND tỉnh cho phép thuê đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định.
Việc khai thác của công ty TNHH Hải Thành tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, mất đất trồng chè, ô nhiễm môi trường
Trước đó như Báo điện tử Congluan.vn đã thông tin người dân ở xã Tân Cương bức xúc trước việc UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác cát, sỏi cho Công ty TNHH Hải Thành vào diện tích đất trồng chè đặc sản Tân Cương. Việc khai thác của Công ty TNHH Hải Thành tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, mất đất trồng chè, ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, nhiều hộ dân, không được cơ quan có thẩm quyền thông báo về việc công ty TNHH Hải Thành tiến hành khai thác cát, sỏi. Người dân không được thông báo thu hồi đất, không qua các khâu kiểm kê, đền bù tài sản gắn trên đất họ đang sử dụng nhưng công ty TNHH Hải Thành đã ngang nhiên vào khai thác.
Người dân ở vùng chè Thái Nguyên càng khó hiểu và xót xa hơn, bởi không hiểu sao Công ty TNHH Hải Thành lại được UBND tỉnh cho phép khai thác cát, sỏi vào đất trồng chè Tân Cương.
Cụ thể, ngày 01/11/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có giấy phép số 2934/GP-UBND, cho phép Công ty TNHH Hải Thành được khai thác cát sỏi tại khu vực xã Tân Cương, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) và xã Bỉm Sơn, xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) tỉnh Thái Nguyên. Diện tích khai thác 49,60 ha; trữ lượng khai thác 591.621m3 cát, sỏi; công suất khai thác 48.000m3 cát, sỏi/năm; thời gian khai thác 13 năm 4 tháng (trong đó, thời gian xây dựng cơ bản 01 năm, thời gian khai thác là 12 năm 4 tháng).
Sau khi báo thông tin, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình, có phản hồi cho rằng chè Tân Cương đã được chỉ dẫn địa lý, là đặc sản vùng miền; người dân và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp giữ gìn, bảo tồn, phát triển diện tích trồng chè, phát huy giá trị của sản phẩm.
Đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra lại việc này và có biện pháp xử lý phù hợp, đúng pháp luật, hợp lòng dân.
Nhóm PV