Vụ án Lê Nguyễn Hưng- nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỉ đồng của Eximbank rồi bỏ trốn hay vụ Nguyễn Thị Lam- nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Vinh, Nghệ An) lừa đảo chiếm đoạt 50 tỉ đồng của Eximbank đang gây xôn xao dư luận gần đây đều xuất phát từ quy định “chết người” này.
Các khách hàng không phải đến ngân hàng thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền khi có số tiền gửi tiết kiệm từ 2 tỉ đồng trở lên. Theo quy định khách hàng VIP Eximbank ban hành tháng 1/2012, có 4 hạng khách hàng VIP, cụ thể VIP Đồng có tiền gửi từ 2 - 5 tỉ đồng, VIP Bạc từ 5 - 10 tỉ đồng, VIP Vàng từ 10 - 20 tỉ đồng,VIP Kim cương từ 20 tỉ đồng trở lên.
Ngoài ra khách hàng vay cũng được xếp hạng VIP theo 4 hạng tùy số tiền vay. Đây là lý do khách hàng không phải đến ngân hàng mà làm việc thông qua cán bộ công nhân viên Eximbank dẫn đến tình trạng Nguyễn Thị Lam dù đã nghỉ làm tại Eximbank nhưng vẫn thực hiện rút 34 tỉ đồng tại Eximbank bằng các chứng từ giả. Hay Lê Nguyễn Hưng lừa khách hàng ký vào giấy tờ để rút 245 tỉ đồng trên tài khoản của khách hàng Chu Thị Bình.
Quá nhiều tai tiếng dồn dập trong thời gian gần đây khiến Eximbank lao đao
Eximbank hiện nay đang triển khai dịch vụ Eximbank VIP phục vụ khách hàng cá nhân VIP khi gửi tiết kiệm hay vay ở một mức cao sẽ được ưu đãi lãi, miễn phí dịch vụ...
Một trong những ưu đãi phục vụ đó là “Được Eximbank xem xét cung cấp dịch vụ thu, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay, dịch vụ thẻ tận nơi theo yêu cầu của khách hàng”.
Quy định này không phải mới, từ năm 2012 đã có quy chế về phục vụ khách hàng VIP có nêu điều khoản này. Các khách hàng VIP không cần đến ngân hàng mà được phục vụ tận nơi.
Đây là một trong những sơ hở dễ bị cán bộ ngân hàng lợi dụng chiếm đoạt tiền khi các giao dịch tiền gửi diễn ra ngoài phạm vi hoạt động của ngân hàng.
Chính vì quy chế giao dịch tận nhà này mà cả ngân hàng và khách hàng đều không thể phát hiện ra trong thời gian dài số tiền bị rút. Ngoài ra quy chế “phục vụ tận nhà” đã không tuân thủ quy định của pháp luật.
Tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Quy chế tiền gửi tiết kiệm, tại điều 12 quy định địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm nêu: “Đối với mỗi thẻ tiết kiệm, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được phép nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch nơi cấp thẻ hoặc các địa điểm giao dịch khác của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.
Để rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm thì người gửi tiền phải trực tiếp đến phòng giao dịch xuất trình thẻ tiết kiệm, xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, nộp giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký đã đăng ký... Với quy chế khách hàng VIP Eximbank đã không tuân thủ những quy định cơ bản nhất của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Ngoài ra, Quyết định 1160 cũng có quy định trách nhiệm của ngân hàng “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.
Thế nhưng 2 vụ việc mất tiền liên quan đến tiền gửi của khách hàng tại Eximbank kéo dài từ 1 - 2 năm vẫn chưa giải quyết thỏa đáng cho khách. Không chỉ lao đao vì sóng ngầm nhân sự, gần đây, Eximbank liên tục đối mặt với các thông tin bất lợi.
Trong đó, có vụ khách hàng VIP mất 245 tỷ ở Eximbank chi nhánh TP.HCM. Vụ kiều nữ 8x rút ruột 50 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank Đô Lương (Nghệ An) cũng khiến uy tín của ngân hàng bị suy giảm.
Vụ này cho thấy lỗi do Eximbank yếu kém trong quản trị. Việc dây dưa trả tiền lại cho khách hàng không những không góp phần khắc phục được hậu quả mà còn có dấu hiệu cố tình chiếm dụng tiền bất hợp pháp, gây thiệt hại cho khách hàng, làm suy giảm uy tín của Eximbank và gián tiếp làm suy giảm uy tín cả hệ thống tín dụng.
Nếu Eximbank cố tình không nhận ra điều đó thì NH Nhà nước phải can thiệp để bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng, chứ không thì còn ai tin vào NH nữa!
Và những đợt "sóng ngầm"
Ba năm vừa qua là một khoảng thời gian được xem là bi đát với Eximbank. Từ một ngân hàng top đầu, thuộc “câu lạc bộ ngàn tỷ” về lợi nhuận, Eximbank chứng kiến lợi nhuận tụt giảm, thậm chí thua lỗ.
Kể từ ĐHCĐ 2015 của Eximbank (hồi cuối tháng 7/2015) khi mà cựu chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng. Các nhóm cổ đông vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn người vào quản trị.
Trong năm 2016, Eximbank đã 2 lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng đầu không xuôi đuôi không lọt. Cả 2 lần đại hội của ngân hàng này đều kết thúc trong bế tắc và cuộc chiến quyền lực “hậu Lê Hùng Dũng” vẫn chưa được định đoạt rõ ràng.
Theo kế hoạch, ĐHCĐ Eximbank 2018 sẽ diễn ra ngày 27/4/2018. Năm nay, trong 4 hồ sơ, có 1 ứng cử viên đã tham gia ứng cử trong đại hội năm 2017. Hiện HĐQT Eximbank có 9 thành viên bao gồm: ông Lê Minh Quốc (Chủ tịch HĐQT), ông Đặng Anh Mai (phó chủ tịch), ông Yasuhiro Saitoh (phó chủ tịch), ông Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Yutaka Moriwaki.
Thêm một lần nữa, chương trình đại hội cổ đông 2018 Eximbank lặp lại nội dung bỏ phiếu bầu thành viên HĐQT, tăng số thành viên HĐQT quản trị lên 11 người trong nhiệm kỳ 2015-2020 - công việc mà trong nhiều đại hội thường niên và bất thường trước đó đã thực hiện nhưng bất thành.
Tuy nhiên, cuộc chiến khốc liệt giữa các phe phái khiến chỉ có 1 người trúng cử là ông Yutaka Moriwaki, với tỷ lệ không cao như thường thấy: chỉ hơn 55%.
Ba năm vừa qua là một khoảng thời gian được xem là bi đát với Eximbank. Từ một ngân hàng top đầu, thuộc “câu lạc bộ ngàn tỷ” về lợi nhuận, Eximbank chứng kiến lợi nhuận tụt giảm, thậm chí thua lỗ.
Dường như, những đợt sóng ngầm vẫn chưa dừng lại./.