Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức vào thứ Tư (13/7). Một loạt anh trai và cháu trai của ông trước đó cũng đã từ chức khỏi các vị trí bộ trưởng khi Sri Lanka rơi vào tình trạng kinh tế kiệt quệ, với việc cạn kiệt nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi nước này giành được độc lập khỏi Anh vào năm 1948.
Người biểu tình Sri Lanka vẫn đang chiếm giữ các tòa nhà của tổng thống và thủ tướng. Ảnh: Reuters
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters
Người biểu tình đứng bên cạnh hồ bơi tại dinh tổng thống Sri Lanka. Ảnh: Reuters
Chủ tịch quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết trong một tuyên bố, quốc hội Sri Lanka sẽ họp lại vào thứ Sáu tới và sẽ bỏ phiếu để bầu ra một tổng thống mới trong 5 ngày sau đó.
"Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo đảng được tổ chức hôm nay, mọi người đã nhất trí rằng điều này là cần thiết để đảm bảo một chính phủ mới của toàn đảng được thành lập phù hợp với Hiến pháp. Đảng cầm quyền cho biết thủ tướng và nội các đã sẵn sàng từ chức để bổ nhiệm một chính phủ toàn đảng", tuyên bố cho biết.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người có nhà riêng đang bị những người biểu tình chiếm đóng, cũng đã nói rằng ông sẽ từ chức. Văn phòng của ông cho biết, Tổng thống Rajapaksa đã xác nhận kế hoạch từ chức của mình với thủ tướng, nói thêm rằng nội các sẽ từ chức sau khi đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ toàn đảng.
Thống đốc ngân hàng trung ương nói rằng bất ổn chính trị có thể làm hỏng các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ nền kinh tế đang sụp đổ của quốc gia Nam Á này.
Thống đốc Ngân hàng Sri Lanka Nandalal Weerasinghe nói rằng ông sẽ tiếp tục công việc này, mặc dù hồi tháng 5 ông từng nói có thể từ chức nếu không có sự ổn định chính trị ở quốc đảo 22 triệu dân.
Các nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình cho biết đám đông sẽ chiếm dinh thự của tổng thống và thủ tướng ở Colombo cho đến khi họ chính thức rời nhiệm sở. Cuối tuần qua tại tư gia của tổng thống, những người biểu tình đã nhảy xuống hồ bơi, chen lấn nhau trên máy chạy bộ và thử ngồi trên những chiếc ghế sofa.
"Chúng tôi sẽ không đi đâu cả cho đến khi tổng thống này rời đi và chúng tôi có một chính phủ được người dân chấp nhận", Jude Hansana, 31 tuổi, người đã cắm trại bên ngoài dinh thự tổng thống từ đầu tháng 4, cho biết.
Một người biểu tình khác, Dushantha Gunasinghe, nói rằng anh đã di chuyển 130 km để đến Colombo, thậm chí phải bộ một đoạn vì hết nhiên liệu. Người đàn ông 28 tuổi này nói thêm: “Tôi đi một mình trong suốt quãng đường dài bởi vì tôi tin rằng chính phủ này cần phải giải tán và chúng tôi cần những nhà lãnh đạo tốt hơn".
Cảnh sát cho biết họ đã nhận được 17,8 triệu rupee (khoảng 50.000 USD) do một nhóm người biểu tình giao nộp khi họ tìm thấy chúng tại tư dinh của tổng thống vào hôm thứ Bảy trước đó. Một video về các thanh niên đếm tiền đã lan truyền trên mạng xã hội.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi một quá trình chuyển đổi chính phủ suôn sẻ và "các giải pháp bền vững" cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Sri Lanka.
Huy Hoàng (theo Reuters)