Sự khác biệt giữa ông Trump và bà Harris về chính sự nước Mỹ

Thứ bảy, 31/08/2024 09:26 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc đua song mã giữa ứng viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên của Đảng Dân chủ, đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris đang bước vào giai đoạn nước rút gay cấn. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cơ hội chiến thắng chia đều cho cả hai. Vậy quan điểm của hai ứng viên này về các vấn đề then chốt của nước Mỹ có gì khác biệt?

Vào tháng 11 tới, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới, mà quyết định của họ sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng từ chương trình tranh cử của các ứng viên đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chính trị Mỹ. Cách tiếp cận của ông Donald Trump và bà Kamala Harris trong giải quyết các vấn đề chính mà nước Mỹ đang phải đối mặt sẽ là “kim chỉ nam” cho quyết định của cử tri.

su khac biet giua ong trump va ba harris ve chinh su nuoc my hinh 1

Ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump Ảnh: NBC News

Về kinh tế, trong đó bao gồm vấn đề thuế và tạo việc làm, cả hai ứng cử viên đều đưa ra cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Chương trình kinh tế của bà Harris rất giống với của Tổng thống Joe Biden và nhắm đến việc thu hút tầng lớp trung lưu. Tại cuộc họp ở Bắc Carolina ngày 16/8, bà Harris cam kết tập trung vào việc tạo cơ hội cho tầng lớp trung lưu, giảm chi phí thực phẩm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, củng cố tín dụng thuế trẻ em và tạo ra sự khác biệt với cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump về thuế quan và các loại thuế.

Trong khi đó, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cam kết thúc đẩy chính sách kinh tế đầy tham vọng. Phát biểu tại một nhà máy ở Pennsylvania ngày 20/8, ông Trump cho biết: “Kế hoạch của chúng tối sẽ giảm thuế, giải phóng năng lượng của Mỹ, giảm bớt các quy định, khôi phục cơ sở công nghiệp và thúc đẩy chương trình 'Made in America'”.

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả quyền phá thai. Quyền phá thai đã trở thành vấn đề quan trọng đối với Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, cũng như đối với cuộc bầu cử sắp tới. Chủ trương của Đảng Dân chủ nói chung và bà Harris nói riêng, là cung cấp cho mọi người khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ. Tại Đại hội Đảng Dân chủ, bà Harris cam kết khôi phục quyền được phá thai toàn quốc, đồng thời chỉ trích ông Trump cùng Đảng Cộng hòa vì đã ủng hộ các lệnh cấm phá thai trên nhiều bang và đang tìm cách mở rộng hơn nữa.

Trong khi đó, quyền sinh sản được cho là một điểm yếu lớn đối với cựu Tổng thống Donald Trump. Chiến dịch của ứng cử viên đảng Cộng hòa này hầu như luôn tìm cách né tránh các vấn đề liên quan đến phá thai và quyền sinh sản, do chủ trương chống phá thai của họ không được lòng cử tri kể từ khi phán quyết đảm bảo quyền phá thai bị hủy bỏ cách đây 2 năm. Phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ngày 29/8, ông Trump cho biết nếu đắc cử sẽ miễn phí dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và trừ các khoản chi phí lớn liên quan đến trẻ sơ sinh. Ông Trump nhấn mạnh rằng, điều này thể hiện cam kết của ông đối với việc ủng hộ các gia đình Mỹ.

Về các quyền và tự do dân sự, bao gồm việc sử dụng súng đạn, sự khác biệt trong quan điểm giữa hai ứng cử viên cũng đồng thời phản ánh sự khác biệt giữa hai đảng. Trong khi Đảng Dân chủ lâu nay vẫn luôn muốn áp đặt kiểm soát súng đạn thì Đảng Cộng hòa lại phản đối với lý do tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ quy định quyền của người dân đối với việc cất giữ và mang theo vũ khí là “không được phép xâm phạm”. Phát biểu tại đại hội Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) vào ngày 14/4/2023, ông Trump đả kích đảng Dân chủ trong việc tiếp tục coi các biện pháp an toàn trường học là kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng súng đạn. Theo ông, đây không phải là cốt lõi vấn đề, mà đó là các vấn đề tâm lý, xã hội, văn hóa…

Về chính sách nhập cư, bà Harris tuyên bố sẽ thúc đẩy một dự luật toàn diện về biên giới, nhằm thắt chặt việc nhập cư vào Mỹ và cam kết “thực thi luật pháp” đối với các trường hợp vượt biên trái pháp. Phát biểu trên đài CNN ngày 29/8, bà Harris nhấn mạnh: “Luật pháp cần phải được tuân thủ và thực thi nhằm xử lý những người vượt biên trái pháp vào nước Mỹ, và phải có hình phạt cho những hành động này”.

Chính sách nhập cư vốn là vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tái tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump. Trước đó, ông đã cam kết hoàn thành việc xây dựng một bức tường dọc theo toàn bộ biên giới và thực hiện nỗ lực trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Hồi tháng 6, ông Trump cũng cảnh báo đánh thuế quan nặng các quốc gia không ngăn chặn người nhập cư trái phép nếu tái đắc cử. Cam kết này tiếp tục được ông Trump nhấn mạnh trong chuyến thăm biên giới Mỹ - Mexico ở Montezuma Pass thuộc tiểu bang Arizona vào ngày 22/8. “Các quốc gia sẽ phải chấp nhận những người nhập cư quay về nước. Nếu không, Mỹ sẽ không giao dịch với các nước đó và sẽ áp thuế quan cao với các nước này”, ông Trump nói.

Về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm đến đường lối của hai ứng cử viên đối với Nga và cuộc xung đột tại Ukraine. Nếu như ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris cam kết tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và các đồng minh NATO, thì ông Trump không ít lần tuyên bố sẵn sàng “thỏa thuận” với Nga. Ông Trump luôn theo đuổi chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, tức coi việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ là ưu tiên hàng đầu, do vậy trong quan hệ với Nga ông cũng nhấn mạnh sẽ sẵn sàng thỏa thuận nếu có lợi.

Ngày 21/8, TASS đưa tin, cố vấn chiến dịch cấp cao của ông Trump - Brian Hughes tiết lộ, ứng viên Donald Trump sẽ lên kế hoạch thúc đẩy thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí với Nga nếu ông thắng cử. Trong vấn đề Ukraine, ông Trump từng lên tiếng chỉ trích các khoản viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, đồng thời cam kết “sẽ mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine” với tư cách là tổng thống Mỹ.

Về Trung Quốc, cơ bản cho dù ông Trump hay bà Harris giành chiến thắng, quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ đi theo tiến trình cạnh tranh có kiểm soát trong 4 năm tới. Tuy nhiên, chỉ khác ở mức độ, nếu ông Trump giành chiến thắng thì việc kiểm soát cuộc cạnh tranh này được dự báo sẽ khó khăn hơn. Trước kia, ở thời điểm còn là nghị sĩ, bà Harris đã đồng bảo trợ các dự luật liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, thì ông Trump phát động chiến tranh thương mại và cam kết tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu đắc cử lần nữa.

Về tiến trình hòa bình ở Trung Đông, bà Harris bày tỏ đồng tình với quan điểm của Tổng thống Joe Biden về việc tích cực ủng hộ Israel, đồng thời bác bỏ những kêu gọi từ một số thành viên đảng Dân chủ về việc Washington cần xem xét lại việc gửi vũ khí cho Israel do con số thương vong cao của người Palestine ở Dải Gaza. Bà Harris ủng hộ ngừng bắn và thỏa thuận giải cứu con tin trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Bà cũng kêu gọi giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine. Khi còn là thượng nghị sĩ, bà đã ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran và bỏ phiếu ủng hộ các hạn chế đối với việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út.

Trong khi đó, cách tiếp cận của ông Trump đối với Trung Đông đã được xác định bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và Ả Rập Xê Út, cùng với lập trường đối đầu với Iran. Ông đã từ bỏ sự đồng thuận lưỡng đảng lâu nay bằng cách tuyên bố rằng mình không quan tâm đến việc một nhà nước Palestine riêng biệt được thành lập.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, bà Harris cho rằng khủng hoảng khí hậu là một “mối đe dọa sống còn” đối với nhân loại. Bà đã ủng hộ nhiều chính sách khí hậu của Tổng thống Joe Biden, bao gồm quyết định tái gia nhập Hiệp định Paris, và bà đã bỏ phiếu quyết định để thông qua dự luật đầu tư vào năng lượng sạch và khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tại cuộc gặp gỡ với sinh viên ở Maryland ngày 14/7/2023, bà Harris từng nhấn mạnh khi Mỹ tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, xe điện, giảm ô nhiễm, “người dân Mỹ có thể hít thở không khí trong lành và uống nước sạch”.

Trong khi đó, ông Trump nhiều lần đặt nghi vấn về cơ sở khoa học của biến đổi khí hậu và bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu hoạt động của con người có phải chịu trách nhiệm cho sự biến đổi này hay không. Ông cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, xem xét lại các sáng kiến năng lượng sạch của Chính quyền Biden, và rút Mỹ khỏi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu quan trọng.

Về vấn đề tội phạm và cải cách tư pháp, bà Harris chủ trương thực hiện chính sách nhân văn, “tạo cơ hội cho những người từng phạm sai lầm quay lại cuộc sống bình thường và cung cấp sự hỗ trợ cũng như nguồn lực để làm điều này”. Trong khi đó, ông Trump bày tỏ hoài nghi chính sách của đảng Dân chủ. “Kamala Harris sẽ mang đến tội ác, hỗn loạn… Bạn sẽ thấy mức độ tội phạm gia tăng chưa từng có… Tôi sẽ bảo đảm luật pháp, trật tự, an ninh và hòa bình”, ông Trump nói tại cuộc gặp gỡ cử tri ở Michigan vào ngày 21/8/2024.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.

Tiêu điểm Quốc tế
Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024: Các cuộc tranh luận có làm thay đổi quyết định của cử tri không?

Bầu cử Mỹ 2024: Các cuộc tranh luận có làm thay đổi quyết định của cử tri không?

(CLO) Các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa vẫn gần như ngang bằng trước thời điểm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ hôm 10/9 diễn ra.

Tiêu điểm Quốc tế
Từ “đại hồng thuỷ” đến hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử

Từ “đại hồng thuỷ” đến hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử

(NB&CL) Chỉ trong vòng 4 tháng qua, quốc gia Nam Mỹ Brazil đã phải quay cuồng trong hai cơn thịnh nộ trái ngược của mẹ thiên nhiên. Tháng 4, tháng 5/2024, liên tục những trận mưa lớn đã nhấn chìm Brazil trong biển nước hàng tháng trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của nước này. Và chỉ 4 tháng sau đó, Brazil lại phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử với hơn 3 triệu km2 bị ảnh hưởng, chiếm hơn 30% diện tích lãnh thổ quốc gia lớn thứ 3 châu Mỹ này.

Tiêu điểm Quốc tế
Toan tính chiến lược của các bên ở Trung Đông

Toan tính chiến lược của các bên ở Trung Đông

(CLO) Đã hơn một tháng kể từ khi thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran, song việc Iran tấn công trả đũa vẫn chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo gay gắt. Vậy toan tính của Iran là gì? Còn Mỹ - Israel chuẩn bị ra sao trước nguy cơ Iran tấn công trả đũa?

Tiêu điểm Quốc tế