Sửa đổi Luật Dầu khí để biến tiềm năng tài nguyên thành hiện thực

Thứ hai, 22/11/2021 08:06 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thực trạng về tiềm năng tài nguyên và nhu cầu luôn cao về năng lượng cho thấy công nghiệp dầu khí vẫn sẽ giữ vị trí hàng đầu trong tỷ phần năng lượng sơ cấp. Một khi chưa có nguồn tài nguyên mới đa dạng về công dụng có thể thay thế thì dầu khí vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng.

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí ở nước ta, rất cần kiện toàn khung pháp lý, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các hoạt động về dầu khí.

Vai trò của ngành Dầu khí trong quá khứ, hiện tại và tương lai

Dầu khí là ngành công nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Từ những năm 1990 khi đất nước ta còn khó khăn, bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế, ngành Dầu khí đóng vai trò rất quan trọng, có những năm đóng góp đến 30% ngân sách. Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến dầu khí, đã ra rất nhiều nghị quyết tạo điều kiện cho ngành phát triển. Riêng dầu khí còn có Luật Dầu khí ra đời rất sớm làm đường hướng hoạt động. Nhờ đó, ngành Dầu khí đã phát triển rất mạnh, thực sự đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước trong những năm 1990 trở về sau.

sua doi luat dau khi de bien tiem nang tai nguyen thanh hien thuc hinh 1

Dầu khí là ngành công nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân

Ông Vũ Quang Nam - nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Dầu khí đánh giá, ngành Dầu khí ngày nay vẫn đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới cũng vậy, dầu khí vẫn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi đó là ngành công nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Hiện nay, đóng góp của ngành Dầu khí khoảng 10% ngân sách, nhưng 10% đó rất quan trọng, nó là ngoại tệ. Đối với nhiều ngành nghề xuất khẩu, Nhà nước chỉ thu về tiền thuế, nhưng đối với dầu khí, toàn bộ ngoại tệ thu về từ bán dầu thô nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN). Ngoài ra, dầu khí đóng một vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí hết sức khó khăn, cùng với đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác, Petrovietnam đã nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó với những khó khăn của thị trường, ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nâng cao thu hồi dầu, nỗ lực khai thác tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép nhằm đóng góp cao nhất cho NSNN. Kết quả khai thác dầu thô tháng 10/2021 của Petrovietnam vượt 6,6% kế hoạch tháng 10, tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng. Từ đó, Petrovietnam đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu NSNN. Trong 10 tháng đầu năm, Petrovietnam nộp ngân sách ước đạt 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, những đóng góp quan trọng của Petrovietnam thể hiện trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, thực trạng về tiềm năng tài nguyên và nhu cầu luôn cao về năng lượng cho thấy công nghiệp dầu khí vẫn sẽ giữ vị trí hàng đầu trong tỷ phần năng lượng sơ cấp. Hơn nữa sản phẩm dầu khí không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như hóa dầu, nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vật liệu mới, quốc phòng. Một khi chưa có nguồn tài nguyên mới đa dạng về công dụng có thể thay thế dầu khí, thì dầu khí vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.

TS. Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, với tiềm năng trữ lượng còn lại được đánh giá còn rất lớn, dầu khí có đầy đủ cơ sở để tiếp tục đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia, vẫn có cơ hội đem lại thành công cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Qua đánh giá, tiềm năng trữ lượng còn lại trên thềm lục địa Việt Nam còn khá lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, kế hoạch gia tăng trữ lượng với mục tiêu đảm bảo sản lượng khai thác ổn định trong giai đoạn tới sẽ hết sức khó khăn và nhiều thách thức.

sua doi luat dau khi de bien tiem nang tai nguyen thanh hien thuc hinh 2

Hiện thực hóa giá trị tài nguyên

Trong giai đoạn 2021-2025, Petrovietnam định hướng phát triển hoạt động thăm dò khai thác dầu khí gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tham gia thực thi bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Để thực hiện được mục tiêu này, TS. Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP cho rằng, cần cải thiện môi trường đầu tư. Nếu môi trường đầu tư, cơ chế chính sách không khuyến khích, không cạnh tranh thì không thu hút được nguồn vốn, công nghệ mới trên thế giới để tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Việc đẩy mạnh thu hút đầu nước ngoài trong hoạt động tìm kiếm thăm dò có vai trò rất quan trọng vừa thu hút vốn, công nghệ, cũng nhằm chia sẻ rủi ro vì dầu khí là ngành đặc biệt, cần vốn lớn, kỹ thuật cao và đặc thù nhiều rủi ro.

Cần đổi mới khung pháp lý để thu hút đầu tư trong hoạt động dầu khí

Theo TS. Phan Ngọc Trung - Thành viên HĐTV Petrovietnam, số lượng hợp đồng dầu khí ký mới và trữ lượng dầu khí gia tăng giai đoạn 2015-2020 giảm mạnh so với giai đoạn 2010-2014. Điều đó chứng tỏ hoạt động tìm kiếm, thăm dò những năm gần đây hết sức khó khăn. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân nhưng tác động từ việc sửa đổi hợp đồng dầu khí là rất lớn. Trong hợp đồng dầu khí hiện nay tính khuyến khích với các nhà thầu dầu khí bị hạn chế rất nhiều. Trong khi thực tế đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò ở nước ta hiện nay thì 30% là vốn của Nhà nước, các công ty dầu khí trong nước, còn 70% là tiền đầu tư nước ngoài. Khi tiềm lực tài chính của chúng ta đang hạn hẹp, chúng ta cần tiếp thị đầu tư, cần chỉnh sửa hợp đồng dầu khí làm sao để khuyến khích đầu tư và tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng để thu hút đầu tư.

“Hiện nay tất cả các công việc khó, phức tạp như tìm kiếm, thăm dò, khai thác ở khu vực nước sâu xa bờ, áp suất cao, nhiệt độ cao, mỏ nhỏ, mỏ cận biên,… chúng ta đều có thể làm được, chỉ chờ vào đầu tư. Tài nguyên chỉ là tài nguyên khi chúng ta hiện thực hóa được nó, còn nếu nó không còn giá trị, đồng nghĩa chúng ta sẽ mất nguồn thu. Cần sửa đổi hợp đồng dầu khí để tạo điều kiện khuyến khích đầu tư trong tình hình mới. Chúng ta muốn thu nhiều hơn, nhưng thực tế những năm qua, khi số lượng hợp đồng dầu khí giảm đi nhiều thì thực tế chúng ta thu được ít hơn. Do đó, cần có sự thay đổi hợp đồng dầu khí, khuyến khích để thu hút đầu tư, hiện thực hóa sớm giá trị tài nguyên”, TS. Nguyễn Quỳnh Lâm - Tổng Giám đốc Vietsovpetro nhận định.

Tổng Giám đốc Petrovietnam - TS. Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, tiềm năng trữ lượng dầu khí Việt Nam còn lại lớn, để nguồn tài nguyên này có thể góp phần vào phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác cần được triển khai thuận lợi, thông suốt. Do đó, rất cần thiết điều chỉnh về cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cho phù hợp với tình hình mới để làm động lực cho các nhà đầu tư, tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, qua đó tạo ra các nguồn thu mới cho đất nước.

HV

Bình Luận

Tin khác

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thừa Thiên Huế: Yêu cầu các cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán

Thừa Thiên Huế: Yêu cầu các cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán

(CLO) Thừa Thiên Huế, sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 mà không chịu xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá xăng tăng lên 24.810 đồng/lít từ 15h chiều nay

Giá xăng tăng lên 24.810 đồng/lít từ 15h chiều nay

(CLO) Từ 15h ngày 28/3, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 410 đồng, còn xăng RON 95 tăng 530 đồng/lít.

Thị trường - Doanh nghiệp