Sức sống mới trên con đường huyền thoại

Thứ ba, 28/04/2015 07:09 AM - 0 Trả lời

(congluan.vn) - Từ những vết chân tứa máu của lớp chiến sỹ, TNXP lặng thầm, gan góc năm này qua năm khác leo đèo vượt núi vào chi viện cho chiến trường miền Nam, một con đường chiến lược ra đời mang tên đường Trường Sơn và sau đó là đường Hồ Chí Minh lịch sử. 56 năm đi qua, ẩn giấu trong mình những bề dày trầm tích chiến công, giờ đây con đường huyền thoại đó đã làm đổi thay kỳ diệu cuộc sống của hàng triệu người dân, hàng ngàn bản làng từ Nam ra Bắc.

(congluan.vn) - Từ những vết chân tứa máu của lớp chiến sỹ, TNXP lặng thầm, gan góc năm này qua năm khác leo đèo vượt núi vào chi viện cho chiến trường miền Nam, một con đường chiến lược ra đời mang tên đường Trường Sơn và sau đó là đường Hồ Chí Minh lịch sử. 56 năm đi qua, ẩn giấu trong mình những bề dày trầm tích chiến công, giờ đây con đường huyền thoại đó đã làm đổi thay kỳ diệu cuộc sống của hàng triệu người dân, hàng ngàn bản làng từ Nam ra Bắc.

dl1

Các em học sinh biểu diễn văn nghệ tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại tượng đài chiến thắng Truông Bồn

Những chấm đỏ trên tuyến đường chiến lược

1. Trên tấm bản đồ chỉ Quốc lộ 15 trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, đoạn qua Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình có những chấm đỏ, những mốc son lịch sử, được không chỉ cả nước mà nhiều người ở nước ngoài tìm đến. Đó là Truông Bồn; Ngã ba Đồng Lộc và Đường 20- Quyết Thắng.

Chúng tôi đến Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn vào những ngày đầu tháng Tư. Con đường 30 chạy vào xã Mỹ Sơn (Đô Lương – Nghệ An) rải nhựa phẳng lỳ, uốn lượn qua nhiều xóm thôn trù phú, ngút ngát màu xanh.

Kỷ niệm trỗi dậy trong tôi. Đó là vào một đêm đầu tháng 11/1968, tôi cùng một số sỹ quan của Sư đoàn 32 (Quân khu 3) từ hậu cứ Nông Cống- Thanh Hóa được lệnh hành quân vào bổ sung lực lượng cho sư đoàn đang chiến đấu ở phía Nam. Khoảng 10h đêm, đoàn xe chúng tôi chạy đến “tọa độ lửa Truông Bồn”. Khác với mọi lần, một không gian lặng thầm trùm lên những khuôn mặt nữ TNXP ở đây vốn nổi tiếng táo tợn, tinh nghịch, mỗi lần có xe bộ đội đi qua. Hỏi chuyện một cô trẻ nhất trong số đó, chúng tôi được biết, mới cách đây vài hôm, công việc san lấp hố bom, giải phóng đoàn xe quân sự sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ ập đến, dội bom tới tấp. Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông cùng các chiến sỹ Cao Ngọc Hòa, Đinh Thị Thông vừa nhảy được xuống hầm thì trời đất chuyển rung, khói bom mù trời. Những xác người, cuốc xẻng, quang gánh bi hất tung lên, ném ra xa hàng chục mét. 13 chiến sỹ của “Tiểu đội Thép”, “Tiểu đội cảm tử” do Trần Thị Thông chỉ huy thuộc Đại đội TNXP 317 đã mãi mãi ra đi. Nhiều người trong số đó vừa nhận giấy báo đậu đại học, nhưng tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ với chị em thêm vài đêm, đã không còn cơ hội vào trường…

Gặp lại cựu Tiểu đội trưởng TNXP “Tiểu đội Thép” Trần Thị Thông- người mà các đồng đội bới tìm được trong cái đêm định mệnh đó, ngay tại khu di tích Truông Bồn, cả hai chúng tôi không giấu được xúc động. Chị Thông bùi ngùi kể lại: “Hồi đó, Truông Bồn là tuyến đường độc đạo, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi đây đã từng ghi dấu những chiến công bất hủ của quân và dân ta, trong đó có 1.500 cán bộ chiến sỹ của 9 đại đội TNXP thuộc tổng đội TNXP tỉnh Nghệ An. “Tiểu đội Thép” của chúng em đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Truông Bồn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Nhưng rất nhiều đồng đội thân thương của em không được hưởng niềm vinh quang đó!” Giọng chị nghẹn lại, chùng xuống. Tấm lưng của một người già vì tuổi tác, vì những nỗi vất vả, nguy nan trải qua trong cuộc chiến, giờ trông như còng hơn khi nói về đồng đội của mình.

Tôi phóng mặt nhìn ra bốn phía xung quanh. Truông Bòn giờ đây bát ngát xanh. Sự trù phú bao trùm lên khắp xóm làng, xã Mỹ Sơn nói riêng, các xã trên tuyến đường chiến lược 15 huyền thoại giờ trở nên giàu có. Đường Hồ Chí Minh được nhà nước đầu tư nâng cấp chạy qua đến đâu mang theo sự văn minh, phồn thịnh đến đó.

Anh Chu Vĩnh Hiệp- Trưởng BQL Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn cho biết: năm 2010, khu di tích này được đầu tư xây dựng quy mô, hoành tráng với tổng mức kinh phí đến gần 175 tỷ đồng. Với tấm lòng tri ân công lao người đã khuất, bà con địa phương- những người một thời góp công của, xương máu cho tuyến đường huyết mạch này, một lần nữa tình nguyện di dời nhà cửa, nhường vườn tược, cây trái để xây dựng khu di tích rộng đến 217.327m2. Một khu tái định cư rộng 2,3 ha nằm ngay phía Tây Bắc khu di tích, dành cho 46 hộ dân vừa được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 20,3 tỷ đồng.

Cũng theo anh Hiệp, tuy Khu Di tích Truông Bồn mới chính thức đi vào hoạt động một năm nay nhưng đã đón hơn 100 ngàn lượt khách trong và ngoài nước. Đời sống các hộ dân khu vực này không chỉ bằng mà còn cao hơn nơi ở cũ rất nhiều. Nhiều hộ chuyển sang làm dịch vụ du lịch- thương mại như mở cửa hàng ăn uống, nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, quay phim phục vụ du khách, thu nhập cao hơn nhiều lần khi làm nông nghiệp. Tương lai không xa, Truông Bồn sẽ là một thị trấn sầm uất, một địa chỉ du lịch đầy hấp dẫn.

2.Trên đường hành hương về Đồng Lộc, chúng tôi dùng lại bên chiếc cầu Tùng Cốc, dấu mốc lịch sử, góp phần quan trọng để làm nên một ngã ba huyền thoại mang tên Đồng Lộc.

Không to, không dài, cầu Tùng Cốc bắc qua một con suối rộng 14m. Song điều đáng nói là, những năm 1967-1968 cùng với hệ thống cầu trên đường 15A như Cầu Đôi, Cầu Máng, Cầu Tối, Cống Khiêm Ích, cầu Tùng Cốc ngày cũng như đêm đã cõng trên mình không biết bao nhiêu xe, chở bao nhiêu bộ đội, vũ khí, lương thực… ra tuyền tuyến lớn. Đại đội TNXP 557 Hà Tĩnh gồm 61 nam, 82 nữ, đã 213 ngày đêm bám trụ, chống chọi với máy bay Mỹ, san lấp hố bom, cứu xe, rà phá bom chưa nổ để cho “những đoàn quân tuôn ra tiền tuyến”. Không biết bao nhiêu bộ đội, TNXP đã vĩnh viễn hóa thân vào những chiếc cầu, hóa vào cây vào đất, thành lời nguyền sông núi cho bầu trời Đồng Lộc mãi xanh trong. Bài thơ “Qua cầu Tùng Cốc” của nhà thơ áo lính Phạm Tiến Duật như là một minh chứng lịch sử nói về những chiếc cầu một thời “ngày đêm bom dội/ vẫn nguyên vẹn đứng trong lửa khói” cùng cả nước đánh Mỹ.

Tôi tìm đến cầu Tùng Cốc trong một ngày nắng gắt. Lặng lẽ, thâm trầm như một đồng đội tìm lại miền ký ức sâu thẳm của mình. Cầu xưa đã được xây lại thành chiếc cầu mới nhưng hình hài vẫn giản dị, khiêm nhường như xưa. Nước dưới chân cầu vẫn thăm thẳm chảy. Điều kỳ lạ trên mặt nước kia lại mọc dày từng đám hoa súng tím ngời ngợi trên những đám rêu. Những bông súng đỏ au, tươi rói như biểu tượng một thời chiến thắng, như kết tinh giọt máu hồng của những người đã ngã xuống nơi này. Men theo hai bờ ngầm cầu là những vạt cỏ non xanh và từng đàn trâu, đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ…

Tôi lững thững bách bộ qua cầu Tùng Cốc trong náo nức xe cộ ngược xuôi. Những khóm tre, khóm chuối xanh tốt dọc bờ suối ngầm. Bờ Bắc, bờ Nam cầu Tùng Cốc bây giờ đã san sát nhà cửa, không ít những ngôi nhà to, đẹp mọc lên còn thơm nồng mùi vôi vữa. Các dịch vụ thương mại mở ra nhộn nhịp. Bên kia cầu Tùng Cốc thay vào những ụ pháo cao xạ phòng không trực chiến thuở xưa là cột phát sóng VinaPhone sừng sững vươn lên trời cao.

Anh Võ Đức Lợi- Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc cho biết: xóm Tùng Liên- địa phận của cầu Tùng Cốc hiện có 180 gia đình. Hơn 50 gia đình là cán bộ công chức, bộ đội đã nghỉ hưu. Còn 130 gia đình sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Làng Tùng Liên chưa ai giàu có lắm, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện nay đã giảm nhiều. Tuy đất đai nông nghiệp chỉ có hơn 35ha, nhưng mấy năm gần đây, nhờ xã Đồng Lộc đẩy mạnh làm giao thông và thủy lợi nội đồng, nên đã biến vùng đất khô hạn ở Tùng Liên thành những cánh đồng xanh mát mắt của lúa, ngô, đậu, lạc. Nhiều chủ hộ nông dân mỗi mùa vụ thu hoạch từ 2-3 tấn thóc, phát triển mô hình chăn nuôi bò, nuôi hươu. Nhiều hộ kinh doanh buôn bán giỏi, mỗi năm thu lãi đến 150-200 triệu đồng...

Rời cầu Tùng Cốc trong chạng vạng, tôi vẫn nghe như đâu đây tiếng hát, tiếng cười vang động cây rừng của các anh, các chị mở đường năm nào. Máu đào lớp lớp TNXP đổ xuống cầu Tùng Cốc, cầu Đồi, cầu Máng… không bao giờ uổng phí. Những dòng máu nóng của tuổi 20 đó đã hòa cùng máu lớp lớp anh hùng liệt sỹ tô thắm thêm lá cờ độc lập, kết thành hoa trái tự do của cả một dân tộc Việt Nam.

Hang 8 cô và đường 20- Quyết Thắng

3. “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Những câu thơ hào sảng cứ vẳng đến bên tai tôi trong chuyến vào với con đường 20- Quyết thắng huyền thoại của Quảng Bình một thời đất lửa.

Đã vài lần được diện kiến tướng Đồng Sỹ Nguyên ngay tại khu B Tổng cục Chính trị những năm 70, tôi vẫn nhớ như in thời khắc ác liệt ở tuyến lửa Quảng Bình những năm ông còn làm Tư lệnh Đoàn 559, qua câu chuyện ông kể.

dl2

Nhà bia tưởng niệm hang Tám Cô cùng những anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng

Ấy là năm 1965, lực lượng vận tải cơ giới của Đoàn 559 theo đường 12A qua Tây Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại túi nước Xiêng Phan (Lào). Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở một con đường mới từ Đông qua Tây Trường Sơn đến bản Lùm Bùm, nối với đường 12B rồi nhập vào đường 9 để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuyến đường xẻ ngang Trường Sơn này về sau trở thành nổi tiếng với cái tên “Đường 20 - Quyết Thắng”.

Chiến tranh đã đi qua song hồi ức về cung đường huyền thoại ấy vẫn găm sâu trong bộ nhớ của vị tướng già. Ông nói, đúng 17h30 phút ngày 30 tết Bính Ngọ 1966, Bộ Tư lệnh 559 phát lệnh chiến dịch mở đường. 4.800 cán bộ chiến sỹ mang cả bánh chưng, lương khô ra ăn, nghỉ tại mặt đường. Sau 77 ngày đêm lao động cật lực, con đường máu trộn nước mắt dài 125 km khởi điểm từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (Bố Trạch- Quảng Bình) đã nối với điểm cuối tại ngã ba Lùm Bùm.

Phát hiện đường 20 là tuyến đường giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, từ năm 1965 -1972, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá hòng hủy diệt con đường này. Tại đây chúng đã huy động 3.020 lần máy bay, oanh tạc 20.600 quả bom phá, 790 quả bom sát thương, 3.400 lượt bom bi, 216 quả bom cháy. 7 năm bám trụ trọng điểm này, đã có 552 cán bộ, chiến sỹ hy sinh anh dũng, hàng ngàn người khác mang trong mình thương tích suốt đời.

Đường 20- Quyết Thắng và Hang Tám Cô, nơi 8 cô gái TNXP hy sinh ngày 14/11/1972 trở thành một mốc son chói đỏ của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Con đường 20- Quyết Thắng năm xưa nay được trải nhựa rộng rất nhiều lần, uốn lượn giữa bạt ngàn màu xanh cao su và cơ man vườn cây ăn quả của bà con địa phương. Ông Chủ tịch xã Thượng Trạch – Đinh Hợp khoe với chúng tôi một con đường mới vừa được đầu tư thi công: “Đó là con đường vào bản Ca roong và bản Cồn Roàng nay đã phủ nhựa bóng nhoáng. Dân bản sẽ không phải chịu cảnh lội bùn, đẩy xe máy như trước. Thượng Trạch cũng nhờ Đảng, nhờ Nhà nước mà phát huy được tiềm năng, lợi thế của xã biên giới. Đời sống bà con khấm khá hẳn lên là do đường sá thông thương, giao lưu buôn bán thuận lợi.”

Con đường 20 xưa là mạch máu chảy vào tiền phương, nay là tuyến đường của giao thương hội nhập. Điện, đường, trường học, trạm xá, chợ búa, nhà văn hóa thôn bản xã nào cũng được xây dựng khang trang. Bố Trạch, mảnh đất chiến địa năm xưa nay được nhà nước đầu tư thành điểm du lịch tầm cỡ quốc tế; hàng ngàn ha đồi núi một thời đạn bom san phẳng, trọc lốc nay xanh ngút mắt cao su. Ông Phan Văn Giòn, Chủ tịch UBND huyện tự hào nói với khách: “Hai năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thật sự là một “cú hích” mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện vùng cao Bố Trạch. Nhân dân vùng này giàu lên nhanh chóng. Rất nhiều hộ đã trở thành tỷ phú. Ti vi, xe máy xịn giờ rải khắp làng. Hộ có ô tô riêng để làm ăn, buôn bán không thể đếm hết”.

Rời Truông Bồn, Đồng Lộc, Đường 20 – Quyết Thắng trong những ngày Tháng Tư lịch sử, tôi chầm chậm bước chân, nhìn lại dấu tích của những chiến trường xưa. Vẫn như nghe đâu đây tiếng rì rầm của những đoàn quân, của những chuyến xe ngày đêm âm thầm chảy ra tiền tuyến...

Tháng Tư -2015

  • Khắc Hiển

Tin khác

Ninh Bình: Cần kiểm tra dấu hiệu đổ chất thải trái phép tại dự án hơn 1.000 tỷ đồng

Ninh Bình: Cần kiểm tra dấu hiệu đổ chất thải trái phép tại dự án hơn 1.000 tỷ đồng

(CLO) Một lượng lớn bùn đất, rác thải xây dựng tại các dự án trên khúc sông dài 1km đi qua trung tâm thành phố Ninh Bình có dấu hiệu đổ thải không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đời sống
Hà Nội: Dân quân tự vệ chốt, trực ngày đêm ngăn chặn đổ trộm rác thải

Hà Nội: Dân quân tự vệ chốt, trực ngày đêm ngăn chặn đổ trộm rác thải

(CLO) Dân quân tự vệ chốt, túc trực ngày đêm tại các con ngõ, theo dõi khu vực để tránh tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng và đốt rác trái phép ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Đời sống
Bình Phước: Chính quyền, Công an vào cuộc vụ khai thác đất lậu ở TP Đồng Xoài

Bình Phước: Chính quyền, Công an vào cuộc vụ khai thác đất lậu ở TP Đồng Xoài

(CLO) Lãnh đạo chính quyền địa phương đã lập biên bản vụ khai thác đất lậu, có tờ trình đề nghị xử phạt và thành lập tổ kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản với sự tham gia của cơ quan công an.

Đời sống
Lào Cai: Vùng cao xuất hiện mưa đá, giông lốc và rét sâu

Lào Cai: Vùng cao xuất hiện mưa đá, giông lốc và rét sâu

(CLO) Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường nên đêm về sáng ngày 28/3 vùng cao tỉnh Lào Cai xuất hiện mưa đá, giông lốc và rét sâu hơn các ngày trước.

Đời sống
Bạc Liêu: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân

Bạc Liêu: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân

(NB&CL) Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024.

Đời sống