(NB&CL) - “Dũng cảm, năng động nhưng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức rõ thông tin nhanh nhạy nhưng phải chính xác, khách quan” – Nhà báo Duy Nghĩa – Trưởng đại diện Đài truyền hình Việt Nam tại Liên Bang Nga đã khẳng định như thế khi bắt đầu cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận về quá trình tác nghiệp của anh tại “điểm nóng” Ucraina những ngày qua.
Nhà báo Duy Nghĩa – Trưởng đại diện đài Truyền hình Việt Nam Tại Liên bang Nga
Không chỉ “nóng hổi” - còn phải chính xác, khách quan
+ Những ngày qua, thế giới và báo chí trong nước đặc biệt chú ý tới những biến động dữ dội tại Ucraina. “Bám” một sự kiện nóng bỏng và nhạy cảm như vậy trên “đất khách” chắc không hề đơn giản với những phóng viên thường trú như các anh?
- Để có được nguồn thông tin không chỉ “nóng hổi” mà còn phải chính xác, khách quan, chúng tôi đã phải theo sát hiện trường khi còn ở Kiev, tiếp cận với các nguồn thông tin của các cơ quan báo chí chính thống của Nga và Ucraina và nhất là các đồng nghiệp, những người thạo tin, của sứ quán… Sau khi đã có nguồn tin thì còn phải đối chiếu, kiểm chứng để sao cho có độ tin cậy cao.
Chỉ có 2 phóng viên nên chúng tôi chia địa bàn để hoạt động. Phóng viên Nhật Linh trực tại Mátxcơva lo mảng
dư luận, diễn biến tại Nga, tôi và phóng viên quay phim Chu Thái xuống Kiev. Khó khăn lớn nhất có lẽ là sự chênh lệch về thời gian. Giờ Hà Nội nhanh hơn giờ Kiev 5 tiếng đồng hồ và 3 tiếng so với Mátxcơva. Ở Hà Nội bản tin 19 giờ bắt đầu thì bên này mới 14 giờ. Giờ làm việc ở Ucraina cũng như ở Nga bắt đầu từ 10h sáng, kể cả đi biểu tình mọi việc cũng “răm rắp” như vậy. Như vậy chúng tôi chỉ có gần 2 tiếng để tác nghiệp ngoài hiện trường, ghi hình, thu xếp phỏng vấn, dẫn… sau đó nhanh chóng rút. Nhanh nhất là tầu điện ngầm thì không hoạt động nên chúng tôi phải vừa đi vừa chạy từ quảng trường ra ngoài mất gần 15 phút. Bắt được taxi về còn đỡ, không thì anh em hò nhau "sải" thật nhanh sao cho trước 13 giờ là phải có tin về. Bởi vậy chúng tôi phải sắp xếp bố trí rất chặt chẽ, chuẩn bị trước nội dung gì có thể, liên lạc với Phòng quốc tế để lên kế hoạch, kịch bản, cái gì nhà lo được thì mọi người cùng “chia lửa”… Bởi diễn biến tình hình nhanh chóng mặt, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì thông tin trở nên lạc hậu hoặc phải mất thời gian quay lại hiện trường. Biên tập, hoàn thiện, đọc cũng phải rất nhanh, cái gì gửi trước, cái gì gửi về sau cũng phải tính, bởi internet vào những lúc như thế này rất phập phù.
+ Việc truyền tin, hình ảnh về Việt Nam như thế nào, thưa anh?
Tất cả đều qua internet. Mạng nhanh thì chúng tôi đỡ khổ, còn chậm thì phiền toái, lo lắng vô cùng. Có hôm trong bản tin thời sự đã phải dời tin của chúng tôi xuống dưới vì không kịp do đường truyền trục trặc. Cùng với các hãng truyền hình lớn, Đài Truyền hình Việt Nam luôn có những cải tiến, áp dụng công nghệ mới đầu tư trang thiết bị hiện đại trong truyền tin để có được tin tức nhanh nhậy, chất lượng cao. Cũng trong dịp này, Đài đã cử anh Hoàng Trung Kiên- Phó giám đốc Trung tâm tin học Đo lường- chuyển thiết bị truyền tin sang điểm nóng Kiev để thực hiện các buổi truyền trực tiếp. Các đài bạn cũng dùng thiết bị này nhưng có thêm thiết bị truyền dẫn qua vệ tinh nên họ không gặp nhiều trục trặc, không bị ảnh hưởng bởi chất lượng đường truyền. Đáng tiếc là
chúng tôi đã không làm được buổi trực tiếp nào tại Kiev do mạng dưới đó quá kém, không đủ dải tần để truyền. Điều này cũng dễ hiểu vì trong tình hình lộn xộn như vậy, có internet mà dùng đã là hạnh phúc lắm rồi, còn chất lượng thì là vấn đề hoàn toàn khác. Đó là chưa kể đúng vào thời điểm đó, cáp internet nối đến Việt Nam bị đứt làm cho mạng trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Chúng tôi “hùng dũng” tiến vào ghi hình, dẫn…
+ Vất vả, khó khăn, nguy hiểm nhưng chắc chắn tác nghiệp tại một “điểm nóng” như Ucraina cũng đã để lại cho các anh những trải nghiệm nghề nghiệp không dễ có?
- Một việc mà đến giờ nghĩ lại cũng hơi rùng mình, là hôm 20 tháng 2 vừa qua, sau một trận chiến đấu đêm 19 giữa hai bên, chúng tôi tiến vào quảng trường mà không có trang bị bảo hiểm, mặc dù lãnh đạo Đài, anh chị em, Đại sứ quán nhắc nhở. Nhưng vì vội và vì không biết kiếm đâu ra nên “chậc lưỡi”… Quảng trường lúc đó thực sự là một bãi chiến trường, tiếng hú của xe cứu thương, tiếng đập đá để làm vũ khí, người ta rầm rập tập trung quân, chỉnh đốn hàng ngũ để tiến ra vị trí “tiền tiêu” thay ca, tiếng la hét dọn đường của những người khiêng xác chết, người bị thương. Trong bối cảnh đó, chúng tôi “hùng dũng” tiến vào ghi hình, dẫn… Trong giữa các câu
dẫn, tôi nghe người ta thông báo từ loa phóng thanh “cẩn thận có bắn tỉa” và “cảnh sát đang di chuyển”. Và lúc đó nhìn xung quanh thì chỉ còn tôi và Chu Thái không có bảo hiểm, ngoài những người biểu tình ra không có các đồng nghiệp, hoá ra họ đã rút ra xa hoặc chiếm độ cao ở các ban công trên các toà nhà cao tầng xung quanh. Được cái phóng sự hôm đó cũng được bạn xem truyền hình quan tâm nên cũng an ủi chúng tôi. Được tác nghiệp tại điểm nóng của thế giới cùng các hãng truyền hình lớn là một trải nghiệm tuyệt vời, khó quên.
+Tình hình ở Ucraina hẳn còn diễn biến rất phức tạp, kế hoạch tác nghiệp của các anh trong những ngày tới ra sao?
- Trong những ngày tới chúng tôi sẽ đến điểm nóng ở bán đảo Crưm nơi chủ nhật tới sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý để quyết định không chỉ số phận của bán đảo này mà cả hàng loạt mối quan hệ giằng chéo khác giữa Crưm với Ucraina, giữa Ucraina với Nga và với Mỹ và phương Tây.
+Vâng, xin cảm ơn anh!
Hà Vân(thực hiện)