Tại sao Trung Quốc không từ bỏ mục tiêu carbon, bất chấp khó khăn?

Thứ sáu, 29/10/2021 17:15 PM - 0 Trả lời

(CLO) Từ chỗ quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang rất quyết liệt cam kết và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trước thềm hội nghị COP26. Trung Quốc đang muốn đi trước một bước trong việc tận dụng “kinh tế xanh” như một lĩnh vực tăng trưởng đầu tư mới và có ý nghĩa lâu dài.

Trung Quốc đang tự làm mới mình

Tình trạng mất điện cản trở việc sản xuất ở nhiều khu vực rộng lớn gần đây tại Trung Quốc cho thấy con đường gập ghềnh phía trước trong hành trình đạt các mục tiêu giảm phát thải khí carbon của nước này. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa việc thực hiện các mục tiêu môi trường còn vụng về ở địa phương với sự quyết liệt ở cấp quốc gia của họ.

tai sao trung quoc khong tu bo muc tieu carbon bat chap kho khan hinh 1

Trung Quốc đang rất nghiêm túc chuyển sang nền kinh tế xanh - Minh họa: Craig Stephens

Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong việc đạt được mục tiêu giảm khí carbon vào năm 2030 và đạt mức độ trung tính carbon vào năm 2060. Họ coi việc trở thành một xã hội ít carbon là động lực để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và năng lượng mới của mình trên toàn thế giới.

Điều này giúp Trung Quốc mở ra những con đường mới cho đầu tư khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại trong các lĩnh vực truyền thống, như bất động sản và đầu tư tài sản cố định. Nói tóm lại, Trung Quốc tỏ ra sáng suốt trong việc theo đuổi quá trình khử cacbon vì lợi ích lâu dài.

Phần còn lại của thế giới nên hiểu tầm quan trọng của việc Trung Quốc tham gia giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, mà còn “nặng ký” hàng đầu với rất nhiều ngành công nghiệp nặng.

Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng phôi thép, xi măng và nhôm của thế giới, đồng thời chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ than, đồng và niken toàn cầu. Sự thống trị này một phần đến từ việc việc phần còn lại của thế giới gia công phần lớn các sản phẩm của mình tại Trung Quốc.

Dù ít hay nhiều, người tiêu dùng trên thế giới đều có trách nhiệm từ một phần lượng khí thải carbon tại Trung Quốc. Chỉ lấy một vài ví dụ như 88% điện thoại di động, 82% máy điều hòa và 70% TV trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc vào năm ngoái.

Tất cả những điều trên khiến Trung Quốc trở thành nước thải ra khí nhà kính lớn nhất thế giới - chịu trách nhiệm cho gần 30% lượng khí thải carbon dioxide trên toàn cầu.

tai sao trung quoc khong tu bo muc tieu carbon bat chap kho khan hinh 2

Năng lượng mặt trời đang được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Sự thống trị đang hình thành

Lời hứa về một động lực đầu tư mới không thể là lời hứa suông. Ước tính việc khử carbon của Trung Quốc sẽ tiêu tốn từ 100 đến 130 nghìn tỷ nhân dân tệ (15,6 đến 20,3 nghìn tỷ USD) trong những thập kỷ tới. Như vậy, nó cũng sẽ tạo ra 0,6% tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm. Đó là những tỷ lệ có ý nghĩa, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang chậm lại.

Một số trong những khoản đầu tư đó sẽ đổ vào các lĩnh vực vốn đã bùng nổ, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydro… Đây là những nền tảng trong kế hoạch giảm thiểu carbon của Trung Quốc.

Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực mô-đun năng lượng mặt trời, khi chiếm khoảng 70% sản lượng của thế giới. Vào năm ngoái, Trung Quốc cũng chiếm 37% tổng lượng điện mặt trời trên toàn cầu, dù tổng lượng điện nói chung này chỉ tăng 2% so với năm 2009.

Trung Quốc dự kiến sẽ tạo ra từ 60-100 gigawatt điện mặt trời hàng năm trong những năm tới. Con số này xấp xỉ 3-5 lần công suất phát điện của đập Tam Hiệp, nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.

Khi tất cả các nền kinh tế lớn chịu áp lực trong việc tăng “tỷ lệ xanh” trong sản xuất, việc xuất khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Riêng ngay trong năm nay, việc xuất khẩu đó đã tăng 20%.

Về năng lượng gió, công suất tích lũy của Trung Quốc cũng đang tăng 35% mỗi năm, trong khi nước này chiếm khoảng 40% thị phần tuabin gió trên toàn cầu.

Doanh số bán xe năng lượng mới (NEV) đang bùng nổ ở Trung Quốc, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nửa đầu năm nay, Trung Quốc chiếm hơn 40% doanh số các loại xe chạy bằng động cơ hybrid hoặc hoàn toàn bằng điện này trên thế giới.

tai sao trung quoc khong tu bo muc tieu carbon bat chap kho khan hinh 3

Trung Quốc chiếm 70% sản lượng modun năng lượng mặt trời và 40% tuabin gió trên toàn cầu - Ảnh: SCMP

Hướng tới vị trí lãnh đạo

Cách đây không lâu, cả ba lĩnh vực nói trên đều là những ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của chính phủ. Ngày nay, chúng không chỉ phát triển, tự đứng trên đôi chân của mình, mà còn đem lại một con đường tăng trưởng dài hạn cho Trung Quốc.

Cuộc họp về khí hậu COP26 sắp tới tại Glasgow có khả năng tạo ra rất nhiều cam kết từ các quốc gia công nghiệp hàng đầu và những quốc gia khác sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào năng lượng xanh. Do vậy, Trung Quốc sẽ có thêm vô số đơn đặt hàng năng lượng và các thiết bị để đáp ứng các mục tiêu này.

Hiện, nhiều ngành công nghiệp truyền thống như thép và xi măng của Trung Quốc đang bị giới hạn. Năm nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển của quốc gia này đã tìm cách hạn chế sản xuất thép ở mức tương đương như năm ngoái.

Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã bắt buộc phải cắt giảm đều đặn tỷ lệ năng lượng được sử dụng cho một đơn vị sản phẩm công nghiệp. Sản xuất thép và xi măng, hóa chất đang là trọng tâm trong kế hoạch cắt giảm công suất của chính quyền trung ương Trung Quốc. Ngoài ra, việc cắt giảm năng lượng cho mỗi sản phẩm cũng đang được áp dụng cho ngành công nghiệp nhẹ như điện tử, thiết bị gia dụng và dệt may.

Hệ quả của việc cắt giảm và gián đoạn sản xuất của Trung Quốc như đã biết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian vừa qua, thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới. Song như đã phân tích, tất cả đều nằm trong tính toán của Trung Quốc.

Ngoài ngành công nghiệp, Trung Quốc có những lý do khác để theo đuổi chương trình nghị sự kinh tế xanh của mình. Do tính cấp thiết, sự nóng lên toàn cầu đang trở thành một công cụ của ngoại giao quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang tranh giành vị trí lãnh đạo.

Do đã được hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc có thể chủ động làm chậm lại làn sóng hội nhập kinh tế để chiếm ưu thế. Bởi vậy, từ chỗ từng bị chỉ trích gây hại cho môi trường, Trung Quốc đang không chỉ đưa ra các cam kết khí hậu ở mức độ cao nhất trước thềm hội nghị COP26, mà còn đang kêu gọi thế giới cắt giảm khí thải và xây dựng nền kinh tế xanh!

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Lính Mỹ bị bắt ở Nga vì tội ăn trộm của bạn gái

Lính Mỹ bị bắt ở Nga vì tội ăn trộm của bạn gái

(CLO) Một người lính Mỹ đến thăm bạn gái ở thành phố cảng Vladivostok của Nga đã bị bắt vì tội ăn trộm của cô ấy và đang bị giam giữ, theo các quan chức Mỹ cho biết.

Thế giới 24h
Israel tuyên bố vẫn tấn công Rafah dù Hamas đã chấp nhận ngừng bắn

Israel tuyên bố vẫn tấn công Rafah dù Hamas đã chấp nhận ngừng bắn

(CLO) Hamas hôm thứ Hai (6/5) cho biết họ đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn ở Gaza, song Israel vẫn yêu cầu người Palestine ở Rafah sơ tán và tiếp tục lên kế hoạch tiến quân vào thành phố đang có hơn 1 triệu người tị nạn này.

Thế giới 24h
Ý thừa nhận phương Tây trừng phạt thất bại, kêu gọi Ukraine đàm phán với Nga

Ý thừa nhận phương Tây trừng phạt thất bại, kêu gọi Ukraine đàm phán với Nga

(CLO) Bộ trưởng Quốc phòng Ý, Guido Crosetto, hôm thứ Hai cho biết các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga đã thất bại và kêu gọi các bên đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Thế giới 24h
Nga sắp tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để cảnh báo phương Tây

Nga sắp tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để cảnh báo phương Tây

(CLO) Nga hôm thứ Hai (6/5) cho biết, họ sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự bao gồm thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đây là phản ứng của Nga trước những lời đe dọa khiêu khích từ phương Tây.

Thế giới 24h
Indonesia muốn giảm đóng góp trong dự án máy bay chiến đấu với Hàn Quốc

Indonesia muốn giảm đóng góp trong dự án máy bay chiến đấu với Hàn Quốc

(CLO) Indonesia đã đề xuất giảm mạnh khoản đóng góp trong dự án phát triển dòng tiêm kích KF-21 chung với Hàn Quốc. Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, con số mới sẽ chỉ bằng một phần ba số tiền đã thỏa thuận trước đây.

Thế giới 24h