"Tấm gương trong" của miền Châu Thổ

Chủ nhật, 14/10/2018 09:21 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đã nhiều lần đi về miền Tây tác nghiệp, miền châu thổ mộc mạc thắm đượm tình đất, tình người và những kí ức về một thời một thuở đã khiến chúng tôi, những người cầm bút không thể không nguôi thương nhớ về bao tấm gương trung liệt vì Tổ quốc. Ngòi bút và trái tim của người viết đã tìm về; hồi sinh miền kỉ niệm tưởng như lãng quên bởi thời gian. Và câu chuyện về một số phận bi tráng được hậu thế chia sẻ trong niềm tiếc thương vô bờ…

Trong một lần tác nghiệp, tôi dừng chân bên bờ sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, tình cờ gặp một cụ bà với gương mặt phúc hậu tuổi ngoài 80 - cụ là Huỳnh Thị Chín. Biết tôi là nhà báo, cụ Chín cười hiền rồi cùng nhau bắt chuyện. Gia đình cụ từ bên Bến Tre về đây sinh sống được mấy chục năm. Cụ có năm anh chị hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà ít người tìm được thi thể. Thân tộc cụ nhiều lần đi tìm các anh chị nhưng không được, đặc biệt là người chị gái. “Có người chị ruột Huỳnh Thị Rỉ (Bảy Rỉ) là người mà bác trăn trở suốt cuộc đời, vì số phận của chị ấy đầy bi thương, bi tráng”- cụ Chín rưng rưng.

Cuộc sống vốn dĩ có nhiều điều kỳ diệu. Sau hơn 40 năm không hề biết mộ phần, thân thể chị mình nằm ở đâu, tình cờ, một hôm cụ Chín ra cầu cảng lấy cá về làm nước mắm, thì thấy một chị chèo ghe cập bến. Tay chị này cầm tờ báo cũ ve vẩy làm quạt. Thoáng qua, cụ thấy ngoài bìa có dòng chữ Cà Mau. Cụ Chín ấn tượng với địa danh này vì các anh chị của cụ đều hoạt động và hy sinh nơi đây. Cụ vào nhà lấy một cái quạt đề nghị đổi lấy tờ báo. Giở từng trang báo để xem thì thấy một bài báo có tựa đề Viếng mộ em. “Bác đọc và giật mình vì đó là bài báo viết về chị Bảy Rỉ của bác”, cụ Chín nhớ lại. Ngay hôm sau, cụ Chín bắt xe xuống Cà Mau, liên hệ  tác giả bài báo nhờ dẫn đi tìm mộ chị Bảy Rỉ.

Kể đến đây, cụ Chín nghẹn lời im lặng. Ánh mắt rưng rưng nhìn ra phía dòng sông Tiền đang thao thiết chảy.

Báo Công luận
 Bà Huỳnh Thị Chín bên di ảnh của chị Bảy Rỉ

Tờ Bán đảo Cà Mau của Hội Văn học nghệ thuật Minh Hải phát hành vào tháng 6/1996, có bài viết Viếng mộ em của tác giả Quách Văn Bảy. Ông là đồng đội với chị Huỳnh Thị Rỉ. Thời kỳ đó, ông Bảy làm Bí thư xã Đoàn thanh niên lao động xã Khánh An.

Quách Văn Bảy viết về chị Bảy Rỉ sau lần đầu bị bắt, bị hành hạ và thoát nạn vì địch tưởng chị đã chết, chúng vứt xác chị bên vệ đường. Chị được đồng bào cứu chữa rồi chuyển đến công tác xã Khánh An. “Vừa công tác đoàn lại làm nghề đỡ đẻ giỏi có tiếng, sợ địch biết được nên khó ở yên nơi cũ. Đảng phân công em sang công tác cùng chúng tôi và được tập thể Ban chấp hành phân công phụ trách ấp 10, xã Khánh An, trực tiếp làm việc với các phân đoàn trại trú Ông Bường, Bến Gỗ… lúc ấy là năm 1958. Em vừa công tác đoàn vừa liên kết đỡ đẻ cho nhiều sản phụ, tình cảm uy tín rất nhiều nơi vùng em công tác.

Một ngày nọ, lính dân vệ đồn Vàm Cái Tàu, do tên cảnh sát Danh chỉ huy, càn vào ấp 10 bắt được em dẫn về đồn. Về đồn, tên Danh bảo: “Hãy làm vợ tôi thì được tự do hạnh phúc, bằng không sẽ bị giải ra Cà Mau tù tội suốt đời, vì em là cán bộ nằm vùng, Việt cộng chính cống”. Em trả lời dứt khoát: “Tôi là gái có chồng là phụ nữ gia đình, vô tội, các ông phải thả về”… Không thuyết phục được em, chúng tìm mọi cách điều tra để tìm cơ sở, em chỉ đáp “không biết, không nghe, không thấy”. Bọn chúng sấn lại, thay nhau hãm hiếp, em chết ngất. Em tỉnh, chúng lại tiếp tục đánh, em lại ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong chuồng cọp. Không khai thác được gì, sau một thời gian giam cầm, cuối cùng chúng phải thả em ra, trở về căn cứ giữa rừng U Minh Hạ….”

Ông Quách Văn Bảy viết những dòng đầy xúc động: “Lúc ấy, tôi làm bí thư xã Đoàn, cùng đồng chí Hai Măng là bí thư Đảng ủy tiến hành kiểm thảo em. Chúng tôi nghe em trình bày cặn kẽ, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân người cán bộ của Đoàn. Ngồi dựa gốc chồi em tức tưởi khóc, nước mắt tuôn rơi: “Về đây em mới khóc với các anh, chứ ở trong tù, trước mặt địch, không bao giờ em để rơi nước mắt”. Câu nói đó tôi còn nhớ mãi”.

Bảy Rỉ luôn hăng hái trong nhiệm vụ được giao, nhưng chẳng may lại sa vào lưới giặc lần thứ ba và cũng là lần cuối. Lần này bọn lính đi càn bắt được chị cùng một đồng chí cán bộ. Thừa lúc địch sơ hở, em mở dây trói cho đồng chí cán bộ thoát thân, còn mình bị bắt lại. Địch tra tấn, hành hạ nhục hình, dẫn đi khắp xóm, rồi chúng đã bắn chị. Trước khi hy sinh, chị hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”…

Huỳnh Thị Rỉ anh dũng hy sinh vào năm 1959 tại ấp Mỹ Bình, xã Phú Mỹ B, huyện Trần Văn Thời, lúc đó vừa tròn 21 tuổi.

Cảm phục trước tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Huỳnh Thị Ri, đồng chí Minh Phượng đã viết thơ bài thơ Em là tấm gương trong làm dậy sóng biết bao tâm hồn Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung; trong bối cảnh cùng chia ngọt sẻ bùi cùng miền Nam ruột thịt trong những ngày đạn xới, bom cày và bao mất mát, đau thương. Tấm lòng kiên trung của người liệt nữ là gương trong, sáng soi miền châu thổ yêu thương. Nơi có biết bao máu xương của đồng bào đã đổ xuống; thắm đỏ như phù sa bên dòng Cửu Long muôn đời đắp bồi thêm ngọt lành hoa trái, sinh quyển chốn này.

 “Em là một tấm gương soi rạng rỡ / Tuổi hai mươi thơm ngát vị yêu đời /Thù Mỹ - Ngô, thề chẳng đội chung trời / Em dấn bước hiến mình dâng Tổ quốc”.

…Gương em nghìn thuở trong ngần

Rạng danh con Triệu, cháu Trưng anh hùng.

Sử em tôi tạc vào lòng

Kinh em tôi tụng trên dòng đấu tranh...

Báo Công luận
 Tác giả bài viết viếng mộ liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Ông Nguyễn Xuân Kỹ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre. Trong thời kỳ hoạt động, ông Kỹ là Bí thư xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, xác nhận: “Bà Huỳnh Thị Rỉ được giao nhiệm vụ đội viên đội tự vệ mật phụ trách theo dõi phục vụ võ trang diệt trung đội Bảo an Tổng Báo Đức tại Tiên Thủy. Bà được giao làm quân báo theo dõi tình hình xây dựng công sự, đổi thay quy luật tuần tiễu của trung đội bảo an. Bà cung cấp tình hình rất chính xác cho ta lúc bấy giờ. Bà Rỉ được kết nạp lực lượng nòng cốt đối tượng kết nạp Đảng viên Đảng Cộng sản. Sau đó vì địch tình nghi theo dõi, chúng tôi chủ trương cho bà đi theo người cha vào miền Tây từ đó”.

Ông Huỳnh Văn Thanh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thới Bình trăn trở khi chúng tôi đề cập đến các chế độ, chính sách cho liệt sĩ Huỳnh Thị Rỉ. “Chị Rỉ là một biểu tượng cho chúng tôi học tập. Tôi nhớ vào thời kỳ đầu thập niên 60, tấm gương sáng của chị còn hơn cả danh hiệu anh hùng. Chính quyền Cà Mau còn thiếu sót trong việc lập hồ sơ, trong đó có trách nhiệm bản thân tôi”, ông Thanh nói.

Lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên ai, hay bất cứ số phận nào. Huống hồ đây là một trường hợp nữ anh hùng. Đây thực sự là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

Thái Sơn

Tin khác

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo