(CLO) Được gọi là “truyền nhân” trống trận Tây Sơn đời thứ 9, cô Nguyễn Thị Thuận 60 tuổi cho biết, cô muốn xuất hiện trong chương trình Người bí ẩn của Đài truyền hình TP.HCM để khán giả biết nhiều hơn đến báu vật quê nhà.
[caption id="attachment_154561" align="aligncenter" width="600"]

Cô Nguyễn Thị Thuận, truyền nhân 9 đời giữ trống trận Tây Sơn biểu diễn trong chương trình Người bí ẩn.[/caption]
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại vùng quê Bình Định, ngót nghét 60 tuổi, cô Thuận đã có hơn nửa thế kỷ đầu ấp tay gối cùng chiếc trống trận hào hùng. Cô Thuận được ông bà kể lại rằng: Đây là loại nhạc trận do ba anh em áo vải Nguyễn Huệ đặt ra. Đặc biệt nhạc trống không có hồi lui quân vì vua Quang Trung chưa bao giờ nao núng trước bất cứ kẻ thù nào.

Cô Thuận tự hào kể: Dòng họ tôi đã gắn bó với chiếc trống Tây Sơn từ lúc đất nước còn loạn lạc. Ngay từ lúc 8 tuổi, cô đã được cụ thân sinh chỉ dạy cho từng phách từng nhịp đầu tiên. Trống trận Tây Sơn gồm 12 chiếc trống, xếp thành ba bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài (Thiên – Địa – Nhân). Để tạo nên âm thanh rền vang, cô Thuận phải đánh trống bằng cả 2 tay với dùi trống dài 30 cm và 2 cùi chỏ. Đưa hai tay lên múa là có thể đánh cả 4 mặt trống hay tang trống cùng một lúc. Để trở nên thuần thục, cô Thuận đã nhiều lần bị chấn thương cánh tay và vai do quá hăng say tập luyện

Hơn 50 năm oanh liệt cùng trống trận Tây Sơn, cô Thuận được người dân Bình Đình yêu thương vì phả được hồn thiêng sông núi, hào khí thần tốc vào từng thanh âm khi réo rắt, lúc hoan ca của dàn trống trận. Phục vụ liên tục 20 năm tại Bảo tàng Quang Trung, cô Thuận bùi ngùi: “Mỗi tháng được lương 5 triệu thiệt khó để mưu sinh nhưng trống Tây Sơn là bảo vật của dòng họ tôi, tôi phải giữ”.

Cô Thuận kể, giờ nhà tôi đã tìm ra truyền nhân đời thứ 10 rồi. Cô cho biết đã kịp truyền lại tiếng trống oai hùng của vùng quê Bình Đình cho cô con gái út 34 tuổi. Cô Thuận mong mỏi: “Chỉ mong tiếng trống Tây Sơn sẽ còn mãi giữa cuộc sống mới mẻ hiện giờ”.
Thu Hiền