Thời gian vừa qua, dư luận chưa hết “nóng” về việc nhiều héc ta rừng nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ tại khu hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị nhiều cá nhân san ủi để xây dựng biệt thự, lâu đài trái phép. Người ta có thể đỗ lỗi cho quy hoạch, cho việc chưa làm rõ được nguồn gốc đất để rồi UBND xã Minh Trí tiếp tay cho hoạt động mua bán, chuyển nhượng trái phép đất rừng phòng hộ. Thống kê của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, tại thôn Minh Tân đến nay có 25 trường hợp mua bán, chuyển nhượng đã tiến hành xây dựng và có chứng thực của lãnh đạo, cán bộ xã Minh Trí.
Sai phạm tại xã Minh Trí “chưa nguội” thì gần đây, theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng chục héc ta rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) đang bị xẻ thịt, tự ý chuyển đổi sai mục đích để làm những khu sinh thái, nghỉ dưỡng, xây dựng homestay, nhà vườn... “Mấy năm qua đến dạo gần đây, người dưới Hà Nội lên đây mua đất rừng nhiều mà chủ yếu họ làm mấy khu ăn chơi, nghỉ mát, xây nhà vườn thôi. Họ cho bê tông hóa trên đất rừng, gạt đồi, xẻ núi làm đường để xây dựng. Nói là rừng phòng hộ chứ bây giờ vào đấy khác gì khu dịch vụ đâu chú...”, một người dân thôn Lâm Trường chia sẻ trong sự buồn bã.
Rừng phòng hộ Lâm Trường - Sóc Sơn đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Trên dọc tuyến đường vào thôn Lâm Trường, xã Minh Phú những tấm biển chỉ dẫn của những khu nhà vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay được cắm tràn lan, công khai để có thể thu hút khách; thậm chí còn đề rõ cả số điện thoại trên biển để khách hàng dễ liên lạc. Muốn vào những khu vực trên để vui chơi thì con đường dễ dàng, sạch đẹp nhất là đi qua Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (được biết, Giám đốc Ban Quản lý hiện nay là bà Nguyễn Thị Thu Hằng).
Đi qua Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội tầm 2km, nơi đây là thiên đường của những hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái. Theo như lời quảng cáo hoa mỹ trên các trang facebook thì những khu dịch vụ này có những mái nhà đẹp nằm dưới tán rừng thông xanh mát. Nhiều khu dịch vụ có thể kể đến như: The Choai Villa Sóc Sơn; The Homie Sóc Sơn; The Moonlight Sóc Sơn; Khu sinh thái Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn; Nhà bên rừng U-LESA; Trà hoa viên Sóc Sơn... Đó là chưa kể đến hàng chục khu nhà vườn sang trọng được xây dựng nằm ven rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường.
Bên trong những khu dịch vụ là hàng loạt các tiện ích với nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ dưỡng, bể bơi... được xây dựng theo những hoạt cảnh của những câu chuyện cổ tích mang phong cách Châu Âu như: The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight Sóc Sơn... hay những không gian thư giãn đậm chất Châu Á: Trà hoa viên Sóc Sơn.
Những khu dịch vụ dưới dạng homestay được xây dựng ồ ạt trước sự làm ngơ từ cơ quan chức năng.
Bên cạnh những khu homestay đã được hoàn thiện thì hoạt động xây dựng vẫn diễn ra rầm rộ. Những khoảnh đất ven rừng, trên sườn đồi trước đó là những cây xanh thì đã được san ủi, đào lấp và thay vào đó là những ô đất trống được tạo mặt bằng, căng dây chuẩn bị xây dựng. Trên cao hơn, những con đường đất được máy xúc, máy ủi đào bới, mở lối để phục vụ thi công xây dựng; đất đá, cát sỏi, sắt thép và lán trại công nhân xây dựng được dựng ngay trên đất rừng.
Một trong những vi phạm hoành tráng phải được nhắc đến đó là The Choai Villa Sóc Sơn. Đây là một tổ hợp nghỉ dưỡng có đầy đủ dịch vụ cho khách hàng lựa chọn với các villa - nhà kính hai tầng được xây dựng kiên cố, hiện đại và khép kín. Tại The Choai Villa, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bạt núi, san đồi cho xây dạng nhà có 3 phòng ngủ kín và 2 phòng ngủ mở, 2 WC trong nhà, 1 WC ngoài trời, 4 phòng tắm. Villa có đầy đủ điều hoà, quạt điện, tủ lạnh, lò và dụng cụ nướng BBQ, bát đũa cốc chén đầy đủ, bếp gas, bếp từ có lò nướng... Có đầy đủ phòng khách, phòng đọc sách, có những nhà nghỉ phục vụ cho đoàn từ 10 đến 20 người có thể nghỉ lại. Buổi tối là những bữa tiệc nướng ngoài trời khói bay nghi ngút. Nếu những bữa tiệc nướng với những bếp than lớn khi gây cháy thì thiệt hại của rừng phòng hộ chắc chắn sẽ không thể lường hết được.
Một căn nhà kính 2 tầng của chủ đầu tư The Choai Villa xây dựng kiên cố ngay trên đất rừng phòng hộ thôn Lâm Trường đang thách thức pháp luật.
Chưa bao giờ rừng phòng hộ Sóc Sơn rơi vào cảnh thương tâm như hiện tại. Hoạt động xẻ núi, bạt đồi và xây dựng trái phép vẫn cứ hằng ngày diễn ra trước sự bất lực, có dấu hiệu của sự tiếp tay đến từ chính quyền địa phương và thanh tra xây dựng. Huyện Sóc Sơn được hưởng lợi gì từ những khu dịch vụ này? Theo như ông Lê Văn Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội thông tin: “Toàn bộ khu vực thôn Lâm Trường có diện tích rừng phòng hộ khoảng hơn 100ha; chưa có bất kỳ khu dịch vụ nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tất cả đều là tự phát, bởi đã là rừng phòng hộ thì không thể xây dựng nhiều công trình trên đó được”.
Như vậy, huyện Sóc Sơn không được hưởng lợi gì từ những khu dịch vụ trên, trái lại còn xảy ra nhiều bất cập về quản lý bảo vệ rừng, nguy cơ gây cháy rừng, gây mất an ninh trật tự từ hoạt động kinh doanh trái phép này. Ông Sơn còn cho biết thêm, khu hồ Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn) đã từng xảy ra vụ đuối nước thương tâm, nguyên nhân là không có sự quản lý tốt từ chính quyền địa phương.
Nhiều năm qua, UBND xã Minh Phú, Thanh tra xây dựng, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội đã làm gì để ngăn chặn việc rừng phòng hộ bị xâm hại. Câu trả lời chúng tôi nhận được từ các cơ quan trên là tương đối giống nhau: “Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản những hành vi vi phạm đầy đủ. Không để phát sinh xây dựng công trình mới”.
Để đi vào những khu dịch vụ được xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ thì chỉ có một con đường là đi qua Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội.
Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch UBND xã Minh Phú, ông Hân thừa nhận tất cả hoạt động xây dựng của các khu dịch vụ đều là trái phép, có sai phạm. Ông Hân cũng không quên “đổ lỗi” cho những vi phạm trên là từ tồn tại cũ. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập tới một loạt các khu dịch vụ đang tiến hành xây dựng, san gạt đất rừng thì ông Hân nói: “Cái này mong anh em chia sẻ. Anh đã chỉ đạo công an xã, thanh tra xây dựng vào kiểm tra và lập biên bản, tuyệt đối không để phát sinh sai phạm xây dựng mới...”.
Sau khi làm việc với UBND xã Minh Phú mà không được cung cấp bất kỳ văn bản báo cáo, hồ sơ xử lý vi phạm nào từ những sai phạm trên, chúng tôi lại tiếp tục vào thôn Lâm Trường để ghi nhận có đúng như cái “tuyệt đối” của ông Chủ tịch xã Minh Phú nói? Tuy nhiên, hoạt động xây dựng vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có cuộc đình chỉ nào.
Những khoảnh rừng phòng hộ đã được san phẳng, căng dây để chuẩn bị xây dựng công trình phục vụ lợi ích của nhóm cá nhân. (Ảnh chụp tại Homestay The Moonlight Sóc Sơn)
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn để thông báo và mong UBND huyện có chỉ đạo kịp thời nhưng rất tiếc, ông Tuấn không nghe máy. Báo Nhà báo và Công luận cũng đã có công văn số 185/2018/CV-NB&CL gửi UBND huyện Sóc Sơn về việc cung cấp thông tin về những khu dịch vụ xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại thôn Lâm Trường nhưng cũng chưa nhận được phản hồi.
Hàng nghìn héc ta rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn được ví như lá phổi xanh của thành phố Hà Nội. Nhưng giờ đây lá phổi ấy đang bị tổn thương nghiêm trọng bởi những hoạt động trái phép của con người.
Đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiến hành thanh tra kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm trên.
Dưới đây là một số hình ảnh về các khu dịch vụ trên đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ:
Trà Hoa Viên Sóc Sơn tại thôn Lâm Trường là khu nghỉ dưỡng có đầy đủ bể bơi đã đi vào hoạt động nhưng chính quyền sở tại không thể xử lý.
The Homie Sóc Sơn còn nhiều công trình vẫn đang xây dựng, vật liệu vứt ngổn ngang.
Nhà bên rừng U-LESA cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2017
Khu sinh thái Thiên Phú Lâm đào đường, khoét núi, xâm hại nghiêm trọng rừng phòng hộ.
Homestay The Moonlight cũng đang được tất bật đi vào hoàn thiện.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV