Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9

Tân Trào - Kim Long: “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”

Thứ hai, 02/09/2024 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tân Trào trước kia có tên là Kim Long, nơi điều kiện địa lý thuận lợi, có núi Hồng, sông Phó Đáy che chở, có đường liên lạc đi nhiều ngả thuận lợi, các nhà quân sự hay lựa chọn “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và được lưu truyền trong dân gian câu ca: “Kim Long đất hiểm tứ bề/ Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long”. “Có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt”, Tân Trào- Kim Long đã tiếp nối Pác Bó trở thành căn cứ địa thứ hai của cách mạng Việt Nam, trở thành trung tâm lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Từ Tân Trào đến Ba Đình lịch sử

“Không hiểu được, như huyền thoại cổ tích/Chỉ biết từ thánh địa Tân Trào/Bác dựng lại cả non sông”. Câu thơ của thi sĩ Cao Xuân Thái là sự phác hoạ bằng thi ca hành trình vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như của cách mạng Việt Nam, từ việc lựa chọn Tân Trào làm căn cứ địa, để rồi có được cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, bản Tuyên ngôn Độc lập được vang lên trên quảng trường Ba Đình, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). 

Bài liên quan

Kì công hành trình dịch chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng

Ngày 28/1/1941 (tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (cũ) biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sau đó Người đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành căn cứ địa đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Chính tại nơi đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng nên  tiền đề vững chắc cho cách mạng Việt Nam.

Tại đây, Hội nghị Trung ương lần thứ Tám tháng 5/1941 được triệu tập mang đến những quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Cũng tại nơi đây, Mặt trận Việt Minh ra đời, Đội Du kích Pác Bó thành lập... Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng chỉ rõ: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta…

tan trao  kim long tien kha di cong thoai kha di thu hinh 1

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, bao gồm 12 xã trong khu ATK thuộc hai huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Nơi đây, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ở, làm việc trong suốt hai thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đấu tranh giành lại độc lập, tự do, hoà bình cho dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đào Thanh

Tuy nhiên, bước sang cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945, khi chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc, ở châu Á, phát xít Nhật bị đẩy vào thế bị bao vây và bị uy hiếp từ bốn phía… Diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước theo chiều hướng có lợi cho cách mạng, để tiện lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, nắm thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh (tháng 8/1942 Bác Hồ lấy tên mới là Hồ Chí Minh) quyết định rời Pác Bó về Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang. Chỉ thị của Người tới đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói khá rõ lý do của quyết định dịch chuyển này.

Cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài” và bảo toàn lực lượng của ta “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”  mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt”- lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo. “Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần trung ương”- Người nói rõ thêm. 

Vâng lệnh Cụ Hồ, trở lại Kim Quan Thượng, với nhãn quan quân sự sắc sảo, Võ Nguyên Giáp nhận thấy trong vùng rừng núi Việt Bắc trùng điệp ấy Tân Trào là nơi đáp ứng được các yêu cầu mà Bác đặt ra. Đây là một địa bàn hiểm trở, xa quốc lộ, bảo đảm “tiến có thể công, thoái có thể thủ”, lại có cơ sở chính trị tốt, nhất là từ sau cuộc Khởi nghĩa Thanh La, nơi đây đã được xây dựng thành khu tự do. Trong con mắt của nhà quân sự này thì Tân Trào hội đủ các yếu tố “nhân sơn, nhân hải” để có thể xây dựng thành “đại bản doanh” cho Bác và Trung ương chỉ đạo Cách mạng.

Theo Chỉ thị của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bàn bạc với các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ, cân nhắc nhiều yếu tố và quyết định chọn làng Kim Long, Tân Trào để làm trung tâm chỉ đạo cách mạng mới. Bởi khi đó, nơi đây đã có cơ sở cách mạng được xây dựng từ rất sớm, địa thế núi rừng hiểm trở, bảo đảm an toàn bí mật. Từ đây có đường đi nhiều ngả, lên ngược về xuôi”- nhà văn Phù Ninh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, người từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết thêm.

tan trao  kim long tien kha di cong thoai kha di thu hinh 2

Sau khi nhất trí với đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 4/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác hơn 20 người bắt đầu hành trình từ Pác Bó về Tân Trào. Để chuẩn bị cho việc di chuyển, tại Pác Bó, trước khi lên đường Bác Hồ thành lập một tiểu đội đặc biệt. Tiểu đội được học tập về chính trị và huấn luyện về quân sự với những bài cơ bản như sử dụng vũ khí thông thường, tình huống gặp địch... Trước lúc lên đường, Bác Hồ tập hợp toàn đoàn tại Khuổi Nặm, phân công nhiệm vụ cho từng người mang máy móc, phụ tùng vô tuyến điện.

Theo các tư liệu, ngày hôm đó, đồng chí Đặng Văn Cáp, người “bác sĩ kiêm vệ sĩ” luôn đi bên cạnh Bác kể lại: “Bác tập hợp toàn đội tại lán Khuổi Nặm nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến đi, phân công từng người… và căn dặn: “Đây là chuyến đi công tác hết sức khẩn trương, gian khổ, đường dài, phải giữ bí mật…”. Lộ trình được chia làm hai chặng, từ Pác Bó đến Lam Sơn (Hòa An) và từ Lam Sơn đi Tân Trào. Đoàn xuất phát dọc theo bờ suối Lê-nin, lãnh tụ Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng, đầu đội nón chóp quai chéo, khăn che mặt, vai đeo túi dết, tay chống gậy, buổi tối đoàn đến Bản Nưa, xã Đào Ngạn (Hà Quảng). 

Phải đến chiều ngày 21/5/1945, sau 17 ngày di chuyển, trải hơn 400km đường rừng, qua 10 huyện của 3 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang), trèo đèo lội suối, vượt qua đỉnh núi quanh năm mây phủ, có nơi chưa có vết chân người, 13 điểm ngủ qua đêm trên chặng đường dài có lúc gặp địch, tình huống nguy hiểm, Bác cùng đoàn công tác mới đến Đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Từ Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi đón Bác, tới Nà Kiến gặp Bác. Ông thấy: “Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt mỏi sau chặng đường đi xa, râu để dài, duy chỉ có đôi mắt vẫn tinh anh như bất cứ lúc nào”.

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, các đồng chí phụ trách Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ: Song Hào, Tạ Xuân Thu... tổ chức đón Bác Hồ và đoàn ở đình Hồng Thái. “Đi đầu đoàn người là một đồng chí có tuổi mặc áo chàm, dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt xương xương, nước da rám nắng, chòm râu đen nhánh lưa thưa. Đồng chí bước đi thoăn thoắt, chiếc mũ dạ đen đội đầu, mảnh khăn mặt trắng vắt vai, tay cầm một chiếc gậy nhỏ”- đồng chí Song Hào kể lại.

Về đến Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến khoảng 1 tuần. Sau đó Bác chuyển lên ở trong căn lán nhỏ, đơn sơ bên sườn đồi thuộc khu rừng Nà Lừa (Nà Nưa) cách làng Tân Lập hơn 1km về phía Đông dãy núi Hồng để giữ bí mật và tiện làm việc. Lán được ngăn thành 2 gian nhỏ, một bên nơi Bác Hồ nghỉ, một bên vừa là chỗ làm việc, đọc sách báo, vừa là chỗ để tiếp khách. Xung quanh cạnh lán của Bác Hồ còn có lán đặt điện đài và lán của các đồng chí cảnh vệ.

Đất thiêng Kim Long - Tân Trào: Nuôi dưỡng, chở che cho cách mạng

Vùng đất Kim Long có địa thế giống như một con rồng cuộn mình từ núi Khau Nhì về đến thôn Tân Lập. Thôn Tân Lập có núi chắn, sông ngăn xưa kia muốn vào thôn chỉ có một con đường duy nhất là từ Châu lỵ Sơn Dương đi qua nhiều khu rừng vào xã Thanh La vượt sông Phó Đáy mới vào được. Từ làng Tân Lập chỉ có một đường độc đạo vượt đèo De sang Định Hóa, Thái Nguyên.

Trong “Tân Trào năm ấy”, nhà văn Hồ Phương từng ghi lại lời kể của Thượng tướng Song Hào: “Tân Trào là nơi địa thế đẹp không những theo con mắt quân sự, mà còn đẹp cả về thiên nhiên. Từ phía ngoài đường cái đá từ châu lỵ Tự Do đi vào, chỉ có một con đường mòn duy nhất vượt qua những khu rừng rậm rạp, vòng qua xã Thanh La, ra Hồng Thái rồi mới vào được tới cánh đồng Tân Trào. Và từ Tân Trào muốn sang Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên) cũng chỉ có một con đường mòn duy nhất vượt qua đèo Chắn để đi ra. Chung quanh Tân Trào, rừng tre, rừng nứa rất xanh tươi khác hẳn với những khu rừng cằn cỗi ở những vùng ngoài. Đứng từ Tân Trào, gần hai gốc đa lớn ở giữa làng, nhìn về phía bắc thấy dãy núi Khao Hắp xanh rì, nhìn về phía nam chân núi Nà Lừa thấy tre, nứa ken dày, phảng phất như những khu rừng trúc trong các bức tranh thuỷ mặc. Núi Nà Lừa chỉ cách đầu làng không quá hai cây số. Nhìn ra xa nữa là đỉnh núi Hồng màu lam già in bật từ nền trời cao lồng lộng. Từ chân dãy núi Hồng có một con suối trong trẻo chạy đến xóm Thia (giữa đường từ Hồng Thái vào Tân Trào) thì chảy vào sông Đáy và từ chân núi Khao Nhì không xa đấy lắm cũng có một dòng suối nhỏ mang tên Khuôn Pén chảy về tới cánh đồng và ra tới trước đình làng thì lượn thành một đường cánh cung mềm mại rồi cũng chảy ra sông Đáy”.

tan trao  kim long tien kha di cong thoai kha di thu hinh 3

Ngày 24/5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về đến Tân Trào để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Trong ảnh: Bác Hồ ở Hang Bòng (Tân Trào, Sơn Dương) 

Bởi địa thế là thế mà người dân nơi đây có câu vè: “Kim Long đất hiểm tứ bề/ Kẻ thù muốn chết thì về Kim Long”… Khi Bác Hồ về đây đã đặt tên mới cho thôn Cả là Tân Lập, với mong muốn người dân có một cuộc sống mới; xã Kim Long cũng được Người đổi tên thành Tân Trào.

Vùng đất hiếm Kim Long - Tân Trào ấy, với những người dân chất phát, giàu tình cảm, giàu lòng yêu nước, đã là nơi nuôi dưỡng, chở che cho cách mạng. Cũng theo lời kể của Thiếu tướng Song Hào: “Từ khi Bác và Trung ương về, Tân Trào càng dần dần trở nên thực sự là Thủ đô lâm thời của Tổ quốc, trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ nơi đây toả đi khắp các chân trời của đất nước mọi chỉ thị, đường lối, phương châm, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Cũng từ nơi đây đã thu hút về biết bao nhiêu thanh niên anh tuấn bốn phương. Nghe theo tiếng gọi của cách mạng, anh em đã rời bỏ làng mạc, xưởng máy, trường học, công sở, đô thị... đi tìm Việt Minh, đi tìm Giải phóng quân, đi tìm Đảng. Con đường cửa ngõ Bình Ca càng ngày càng trở nên tấp nập kẻ ra người vào, như con đường Chùa Hương trong những ngày mở hội.

Nhân dân trong Khu giải phóng nói chung và Tân Trào nói riêng cũng ngày càng được hưởng đầy đủ những quyền lợi tốt đẹp mà cách mạng đã mang tới như: phổ thông đầu phiếu, bầu cử Hội đồng nhân dân, mở rộng bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ, thực hiện nam nữ bình đẳng và “đời sống mới”, bãi bỏ các thứ thuế má vô lý, nặng nề, nhục nhã mà đế quốc, phát xít đã bắt nhân dân ta phải còng lưng cống nạp... Một mặt được hưởng những quyền lợi cách mạng mang tới, một mặt nhân dân Khu giải phóng và Tân Trào cũng nô nức, hăng hái làm tròn những phần trách nhiệm của mình để đẩy mạnh cách mạng tiến tới như vào dân quân tự vệ, canh gác, tuần tra, tiếp tế lương thực, thi đua sản xuất...”

tan trao  kim long tien kha di cong thoai kha di thu hinh 4

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày đấu tranh chống thực dân Pháp.

Tân Trào, Kim Long những ngày thu 1945 đã trở thành Thủ đô Giải phóng, Trung tâm của an toàn khu bảo vệ bí mật cho Bác Hồ và nhiều cơ quan Trung ương trong những ngày tiền khởi nghĩa. Đã từng có những cuộc hành quân của địch từ Thiện Kế lên, Tuyên Quang xuống, Thái Nguyên sang... hòng đánh thẳng vào Tân Trào, nhưng đều bị quân và dân ta chặn đánh, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ Bác Hồ và căn cứ địa cách mạng. Như lời cụ Hoàng Đạo Thuý: Đường gay go thêm, những đỉnh đồi nào, đầu đường nào cũng có tự vệ. Giặc chưa đến nơi đã có hiệu trống, hiệu mõ báo trước. Nó có xông đến, cũng chỉ thấy có vườn không, nhà trống; ra oai thì cũng đến đốt được mấy cái nhà bỏ không là cùng, mà có lúc lại phải khiêng xác về.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị tuyên bố thành lập Khu giải phóng. Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng. Phạm vi Khu giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Khu giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên Thường trực và là Ủy viên Quân sự.

Khu Giải phóng là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng, lán Nà Nưa đã trở thành “Đại bản doanh”, trung tâm lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Đất thiêng Kim Long - Tân Trào đã trở thành căn cứ địa, trung tâm của cách mạng Việt Nam, nuôi dưỡng, chở che cho cách mạng. Nhân dân Tân Trào đã bảo vệ an toàn lãnh tụ và Trung ương Đảng, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là vùng đất rộng, rừng núi đại ngàn, có địa giới tiếp giáp với các xã thuộc 6 huyện, 3 tỉnh giữa lòng Việt Bắc. Do đặc điểm của địa hình, đồi núi trong khu căn cứ chiếm 90% diện tích toàn vùng, được che phủ bởi một lớp thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, phong phú về chủng loại, tạo thành bức màn che phủ đường đi lối lại và nhà ở bên trong, rất tiện lợi cho việc khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ xây dựng lán trại, nhà ở, kho tàng, hầm hào, công sự.

Những ngọn núi phía Bắc như: Khuổi Đốc (575m), Làng Quan (722m), làng Chạp (501m), Khao Hòa (395m) cùng những ngọn núi cao ở phía Đông Nam như: núi Hồng, núi Thia, núi Là Lừa. Những dãy núi ở phía Tây Nam như: núi Bòng, núi Nản Đeng (núi Đỏ), núi Phủ Màng...

Vây quanh từng thôn, xóm, bản, làng còn có những ngọn núi thấp hơn, nhiều hình, muôn vẻ, những dãy núi đá dựng vách đứng như những bức tường thành kiên cố, có nhiều hang động có sức chứa từ vài chục người đến hàng trăm người rất thuận lợi cho việc chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng và cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm...

Về giao thông, trước đây, đường vào khu căn cứ cách mạng Tân Trào chỉ có một con đường bộ độc đạo liên xã từ huyện lỵ Sơn Dương vào qua nhiều chỗ vòng, tránh, vượt dốc, vượt đèo, đặc biệt là phải qua đèo Chắn, cao, hiểm trở, nhiều đoạn chạy ven theo các chân núi, cạnh sông, suối, khe sâu, vực thẳm, một bên là núi cao, vách đứng, rừng rậm. Giao thông khu vực tuy có khó khăn, hiểm trở song cũng khá cơ động, linh hoạt. Do vậy Tân Trào thực sự là vùng đất “Địa lợi”, tiến có thể đánh, lui có thể giữ.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Chính phủ yêu cầu tập trung cao độ thực hiện kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả bão số 3

Chính phủ yêu cầu tập trung cao độ thực hiện kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả bão số 3

(CLO) Chính phủ yêu cầu ưu tiên tối đa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiên quyết tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển; tập trung cao độ thực hiện kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra...

Tin tức
Phê chuẩn ông Nguyễn Huy Dũng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Phê chuẩn ông Nguyễn Huy Dũng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

(CLO) Thủ tướng Chính phủ quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025.

Tin tức
Thường trực Chính phủ họp với các địa phương về khắc phục hậu quả bão số 3

Thường trực Chính phủ họp với các địa phương về khắc phục hậu quả bão số 3

(CLO) Sáng 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tin tức
Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà các hộ dân bị lũ lụt tại Ninh Bình, Nam Định

Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà các hộ dân bị lũ lụt tại Ninh Bình, Nam Định

(CLO) Ngày 14/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh và Đoàn công tác đã về thăm, tặng quà và chia sẻ với các hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Nam Định.

Tin tức
Quảng Ninh: Tổ chức kỳ họp bất thường để kịp thời xử lý hậu quả của cơn bão số 3

Quảng Ninh: Tổ chức kỳ họp bất thường để kịp thời xử lý hậu quả của cơn bão số 3

(CLO) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất chủ trương, Kỳ họp thứ 21 - Kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh khóa XIV sẽ được tổ chức vào ngày 23/9 để kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Tin tức