Theo Công văn phúc đáp số 1079/UBND-NC gửi Báo NB&CL ngày 16/3/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc các hộ dân tại Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc khu dân cư do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng phát triển nhà Đại Dũng làm chủ đầu tư:
“Khoảng cuối năm 1999 đến năm 2000, ông Đinh Quý Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng phát triển nhà Đại Dũng (gọi tắt là Công ty Đại Dũng) nhận chuyển nhượng khoảng 33.000m2 đất của 06 (sáu) hộ dân gồm: Hồ Văn Chuộng, Hồ Văn Thử, Hồ Văn Công, Phạm Văn Nguyên, Nguyễn Văn Hài, Trần Ngọc Quế tại khu phố Bình Đường 1, phường Bình An và 19.080m2 đất của bà Hồ Thị Đức tại khu phố Nhị Đồng, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Đinh Quý Dũng không thực hiện các thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, mà tiến hành san ủi mặt bằng, mở đường, phân ra nhiều lô đất để chuyển nhượng cho các hộ dân có nhu cầu.
Việc chuyển nhượng được ông Dũng lập hợp đồng bằng “giấy tờ tay” từ những người được cấp giấy chứng nhận (những người này đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Dũng) sang trực tiếp cho người nhận chuyển nhượng sử dụng đất từ ông Dũng.
Hành vi vi phạm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Dũng đã được TAND thị xã Dĩ An xét xử sơ thẩm tại bản án số 152/2008/HSST ngày 09/7/2008 và TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm tại bản án số 77/2010/HSPT ngày 25/6/2010.
Theo bản án số 77/2010/HSPT ngày 25/6/2010 của TAND tỉnh Bình Dương, thì ông Đinh Quý Dũng phải nộp 50.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm; nộp lại số thuế đã trốn là 1.827.433.614 đồng và số tiền truy thu thuế là 800.672.477 đồng; tiếp tục tạm giữ số tiền 200.000.000 đồng mà gia đình ông Dũng đã nộp để đảm bảo thi hành án; quản thủ 06 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án.
Tuy nhiên hiện nay, ông Đinh Quý Dũng chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án, nên việc các cơ quan có thẩm quyền quản thủ các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên để đảm bảo thi hành án là thực hiện đúng nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật và đúng quy định pháp luật”.
Theo luật sư Thái Văn Chung – Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp: “Ý kiến trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hơi bảo thủ khi nói “việc các cơ quan có thẩm quyền quản thủ các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên để đảm bảo thi hành án là thực hiện đúng nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật và đúng quy định pháp luật”.
“Ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh đã vô tình công nhận Tòa tuyên “quản thủ” là đúng quy định pháp luật. Trong khi Pháp lệnh THA dân sự (cũ) và Luật THA dân sự hiện hành đều không quy định cũng như không đề cập đến thuật ngữ “quản thủ”.
Điều 41 BLHS 1999 (về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm) mà TAND tỉnh Bình Dương viện dẫn làm căn cứ tuyên “quản thủ” giấy đỏ của bà Đức và những người khác đều không có quy định về biện pháp này” - Luật sư Chung giải thích.
“Theo cách hiểu thông thường, từ “quản thủ” có thể được hiểu là tạm giữ giấy tờ đất trong một thời gian để người phải THA thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Ở đây, tòa không xác định bà Đức là người tham gia tố tụng và phán quyết của tòa cũng không buộc bà phải thực hiện nghĩa vụ nào nên việc tuyên “quản thủ” giấy đỏ đứng tên bà là không ổn về mặt pháp lý” – Một cán bộ THA nhận xét.
“Việc tòa án tuyên “quản thủ” giấy đỏ của bà Đức nên rất khó thi hành án” (Ý kiến của ông Hồ Quý Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục THA thị xã Dĩ An).
Một người dân đặt câu hỏi: “Hiện nay toàn bộ đất ông Dũng đã bán hết, vì thế nếu ông Dũng không chịu thực hiện nghĩa vụ thì tất cả các giấy đỏ mà tòa tuyên quản thủ sẽ ra sao? Cơ quan Thi hành án sẽ giữ những giấy tờ này đến bao giờ? Chẳng lẽ chính quyền không có giải pháp nào hỗ trợ người dân hay sao?”.
Trả lời Báo NB&CL, Công văn số 1079/UBND-NC nêu: “Theo văn bản số 6054/UBND-NC ngày 19/12/2017 của UBND tỉnh, trong đó có trích nội dung ý kiến của Tòa án nhân dân tỉnh: “…, tuy nhiên đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Đức chưa chuyển nhượng hết diện tích đất nhưng khi xét xử Tòa án không đưa bà Đức tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và tuyên quản thủ toàn bộ quyền sử dụng đất của bà Đức là không đúng quy định”; hiện nay, Tòa án nhân dân tỉnh đang thực hiện các trình tự thủ tục để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với việc quản thủ quyền sử dụng đất mang tên bà Hồ Thị Đức. Do đó, sau khi có ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện theo quy định.”
Như vậy, đối với việc Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên “quản thủ” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình mình là không đúng quy định của pháp luật đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, gia đình bà Hồ Thị Đức và hơn 110 hộ dân liên quan sự việc có thể nộp đơn khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại?
Được biết, hiện nay, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ từ TAND tỉnh Bình Dương chuyển lên.
Thái Sơn