(NB&CL) Trong những ngày vừa qua, thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là quy định mức thu học phí của giáo dục mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2020 – 2021 của TP. Hà Nội. Việc tăng học phí được cho là cần thiết nhưng liệu rằng quy định này có thực sự hợp lòng dân?
Đại diện phía Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình bày cụ thể mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng thành thị sẽ tăng từ 60.000 đồng/tháng/học sinh lên 80.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng nông thôn sẽ tăng từ 30.000 đồng/tháng/học sinh lên 40.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng miền núi sẽ tăng từ 8.000 đồng/tháng/học sinh lên 10.000 đồng/tháng/học sinh.
Học phí tăng... phụ huynh nghĩ gì?
Mức thu học phí mới đang khiến dư luận trở nên xôn xao. Chị Nguyễn Thị Nga (32 tuổi – Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết thông tin về việc tăng học phí thực sự tôi rất lấy làm ái ngại. Vợ chồng tôi thu nhập chỉ trông vào cửa hàng đại lý nho nhỏ trước nhà nuôi 2 đứa con ăn học. Với mức học phí trước đây, gia đình tôi cũng phải chi tiêu tằn tiện lắm mà vẫn thấy không đủ. Bây giờ mà tăng học phí nữa thì vợ chồng tôi không biết phải xoay sở thế nào. Trong khi hàng trăm thứ tiền phải chi tiêu: tiền xăng, thức ăn, tiền điện, tiền nước...”
Bên cạnh đó, chị Trần Diệu Linh (35 tuổi, Hà Nội) lại cho biết suy nghĩ của mình trước vấn đề tăng học phí: “Theo tôi, nếu thực sự cần thiết tăng thì vẫn nên tăng học phí. Nhưng với điều kiện là nhà trường cần phải công khai những khoản thu – chi một cách minh bạch, chúng tôi cần phải nắm được một cách rõ ràng tránh tình trạng hoài nghi gây tâm lý hoang mang. Bên cạnh đó, phía cơ quan chức năng cũng nên khảo sát ý kiến của người dân về việc này để đưa ra được mức học phí phù hợp với từng hộ gia đình”.
Lý giải về việc tăng học phí, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, 60% kinh phí còn lại được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập, điều này sẽ hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, mức thu học phí thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến có đơn vị tự ý đưa ra các khoản thu khác để huy động phụ huynh học sinh dưới nhiều hình thức, gây tâm lý không tốt trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Tăng học phí... tăng chất lượng giảng dạy?
Chị Nguyễn Thị Hiền (29 tuổi, Hà Nội) nói: “Vấn đề mà tôi quan tâm ở đây là chất lượng giảng dạy liệu có tăng hay không? Tôi sẵn sàng chấp nhận đóng mức học phí cao hơn nhưng quan trọng nhất là các con tôi phải được đào tạo trong một môi trường tốt, chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường là hết sức quan trọng. Học phí tăng nhưng chất lượng giảng dạy vẫn thế, thậm chí là kém đi thì thật vô nghĩa”.
Trên thực tế, không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các nhà trường sẽ tăng. Chất lượng giảng dạy phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Vì vậy, cần có một đội ngũ thanh tra, kiểm tra sát sao việc dạy và học có đạt tiêu chuẩn hay không. GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ, cũng có thể hiện đại hóa, cải thiện đời sống, môi trường sẽ tăng chất lượng giáo dục. Nhưng yếu tố quan trọng để tăng chất lượng vẫn phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Bởi, nếu như có máy tính, có sách giáo khoa tốt mà thầy giáo không dạy tốt thì cũng bỏ đi. Do đó, người thầy cũng phải trau dồi thêm kiến thức nhằm nâng cao trình độ cho học sinh.
Bích Việt