(NB-CL) Trong vòng 1 tháng 4 lần các tổ chức, các buổi tọa đàm liên quan đến phát triển kinh tế đều đề cập đến vấn đề năng suất lao động của VN. Theo Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra trong Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam 9 tháng” và năng suất lao động vừa diễn ra thì phải mất 20 năm nữa, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam mới bằng Philippine, Indonesia và 50 năm nữa chúng ta mới đuổi kịp được Thái Lan. Đã qua rồi cái thời mà lao động giá rẻ là một lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn lớn ngày càng cân nhắc giữa chi phí cho đồng lương và năng suất người lao động, mà sự lựa chọn thường là năng suất. Chính vì vậy các thông số về năng suất lao động do các định chế quốc tế có uy tín đưa ra luôn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng là nỗi trăn trở của các nước có cùng hoàn cảnh và cạnh tranh thu hút vốn FDI.
Báo động về năng suất lao động Việt Nam
Năng suất lao động của người Việt ở mức thấp đáng báo động là một thực tế đáng buồn, đối nghịch với những viễn cảnh tươi sáng đã được vẽ lên từ bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tức phần lớn dân số đang trong độ tuổi lao động, trẻ trung và năng động.
Dù năng suất lao động đã cải thiện trong thời gian qua nhưng tốc độ chưa đủ nhanh để bù đắp lại khoảng cách tuyệt đối với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, với thực trạng hiện tại, có thể mãi đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của người Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp của Thái Lan, một khoảng cách không dễ san lấp. Khoảng cách này nhiều khả năng sẽ còn mở rộng hơn, khi các quốc gia xung quanh đã tự ý thức phải nâng cấp bản thân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng diễn ra sâu rộng.
[caption id="attachment_46008" align="aligncenter" width="800"]

Năng suất lao động của người Việt ở mức thấp đáng báo động.[/caption]
Điển hình là Malaysia, quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn gần 2 lần so với Việt Nam, đã công bố đề án công phu về tái cấu trúc hệ thống giáo dục nước này từ đây cho đến năm 2025. Mục tiêu mà đề án đặt ra là nâng cao đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng cao, giúp duy trì khả năng cạnh tranh trong giai đoạn tới. Hiện năng suất lao động của Malaysia cao hơn Việt Nam khoảng 6,6 lần. Để có đề án với quy mô này, Chính phủ Malaysia đã phải tốn mất gần 1,5 năm làm việc nghiêm túc, trong đó có tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan, người dân và các tổ chức quốc tế.
Trong khi Malaysia hối hả, Việt Nam vẫn đang loay hoay trong các đề án cải cách lực lượng lao động của mình, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc dịch chuyển nguồn lực lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị để cải thiện năng suất cho toàn nền kinh tế. Và dĩ nhiên, điều này không thể kéo dài mãi.
Vì năng suất thấp nên tiền lương nhân công cũng thấp tương ứng. Điều này giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đến Việt Nam trong các ngành thâm dụng lao động, không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Thực tế thì các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong những năm qua vẫn là dệt may, da giày, chế biến các sản phẩm đơn giản. Trong khi đó, dù mang tiếng là doanh nghiệp công nghệ cao nhưng nhà máy Samsung mở tại Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp sản phẩm, đồng nghĩa giá trị gia tăng mang lại không cao.
Do đó, nguy cơ lớn cho nền kinh tế ngày càng lộ diện rõ. Một khi nguồn nhân lực dồi dào như hiện nay dần cạn kiệt và mức lương của nhân công dần tăng lên, chắc chắn các doanh nghiệp FDI sẽ rời Việt Nam đi tìm miền đất hứa mới như Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar. Gần đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa “chốt“ mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Điều đáng ngại là khi đó, với năng suất lao động không cải thiện là bao, cộng với cấu trúc nền kinh tế thiếu linh hoạt, nguy cơ tỉ lệ thất nghiệp tăng lên sẽ ngày càng hiện hữu, cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Giải pháp nào cho bài toán tăng năng suất?
Có lẽ cũng không gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lo âu về năng lực cạnh tranh nước nhà trước viễn cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ ra đời vào cuối năm nay. “Hội nhập là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”, ông Vinh nói.
Năng suất lao động thấp cũng ảnh hưởng đến quy mô mở rộng của nền kinh tế so với các quốc gia láng giềng, dù hiện tại khoảng cách này cũng không hề nhỏ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu chỉ tăng trưởng 5%, đến năm 2035, GDP của Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan. “Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được, còn 5% chắc chắn tụt hậu”, ông nói.
Vậy giải pháp để thúc đẩy năng suất là gì? Theo đề xuất của hãng tư vấn McKinsey, bên cạnh việc phải bình ổn môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, cải cách các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường, Việt Nam cần đề ra một đề án tổng thể để gia tăng năng suất của khu vực nông nghiệp, cải thiện giá trị gia tăng trong ngành sản xuất và hiệu quả trong tiêu thụ năng lượng. Một số lĩnh vực hứa hẹn có thể mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam nằm ở các ngành gia công công nghệ thông tin, ngành xử lý dữ liệu và gia công cho các lĩnh vực kinh doanh khác. Chính phủ Việt Nam cũng nên tái cấu trúc lại mô hình kinh tế theo hướng thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả.
Năng suất lao động là một thông số quan trọng làm cơ sở để xác định mức lương. Báo cáo mới đây của ILO/ADB về Cộng đồng ASEAN 2015 cho thấy những quốc gia có năng suất lao động cao thường có mức lương cao hơn.
Dưới góc độ quốc tế, chuyên gia cao cấp về Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam, ông Yoon Youngmo khuyến cáo, tốc độ tăng lương và mức độ phức tạp ngày một gia tăng của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc lương tối thiểu không còn là công cụ hữu ích như trước đây để áp đặt xu hướng tiền lương cho người lao động được hưởng lương trong nền kinh tế chính thức.
Cần phải có các cơ chế quy định lương hữu hiệu hơn. Những cơ chế này cần tính đến sự phát triển của thị trường lao động và đảm bảo rằng tăng trưởng lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động.
Từ đó đặt ra vấn đề tìm được chiến lược phát triển để vừa sử dụng được nguồn lao động dồi dào hiện nay, vừa quyết liệt đầu tư dài hạn cho nhân lực công nghệ cao phù hợp với chiến lược phát triển các ngành kinh tế. Điều rất quan trọng nữa mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đó là tăng lương mà không tăng năng suất lao động là đặt gánh nặng trên vai các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nước ta.❏
Nguyên Huy
Theo báo cáo của các chuyên gia, NSLĐ của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á. Nếu tính NSLĐ theo giờ công trong năm 2012, một giờ lao động của một người Singapore tạo ra khoảng 49,5 USD giá trị gia tăng, trong khi đó ở Việt Nam là 3,4 USD. Chỉ số này của Việt Nam chỉ hơn so với Campuchia là 1,8 USD và thấp hơn Philipines 6,9 USD. NSLĐ tổng hợp của Việt Nam là rất thấp so với các nước trong khu vực, năm 2012, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 18 lần so với Singapore, 11 lần so với Hàn Quốc, 7 lần so với Malaysia, 3 lần so với Thái Lan, Trung Quốc và 2 lần so với Indonesia, Philippines và chỉ xấp xỉ Lào và cao hơn Campuchia 36,4%. Nếu không quy đổi ngang bằng sức mua, NSLĐ Việt Nam năm 2012 là 1.834 USD theo giá thực tế, tương đương 38,2 triệu đồng. Đến năm 2014, năng suất lao động ở Việt Nam đạt 51,11 triệu đồng (2.400 USD). Theo báo cáo nghiên cứu trên, nếu xét theo giai đoạn, tốc độ tăng trưởng NSLĐ Việt Nam có dấu hiệu giảm dần, giai đoạn 2008-2012 chỉ còn 0,4%, trong khi giai đoạn trước 1997-2008 là 0,5% và giai đoạn 1991-1997 là 0,06%.
GS.TS LƯƠNG XUÂN QUỲ - ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN: Muốn cải thiện được NSLĐ, phải tính đến yếu tố biên chế hành chính. Biên chế của ta cực kì cồng kềnh, càng kêu gọi giảm càng phình ra. Để NSLĐ tăng nhanh, một trong những vấn đề trực diện nhất là tăng người làm, giảm những người chỉ tay 5 ngón này đi. Đây là câu chuyện nói bao năm nhưng chúng ta chưa làm được.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG: Năng suất lao động Việt Nam thấp có liên quan rất lớn đến năng lực đổi mới, sáng tạo của người lao động. Người lao động không được làm việc trong môi trường được tự do sáng tạo và có tư tưởng khuyến khích sáng tạo. Tại Việt Nam, nhiều ngành, nghề và nhiều ý tưởng của người dân, doanh nghiệp nếu cơ quan quản lý không quản được thì bị cấm ngay. Muốn tăng NSLĐ đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo. Mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần phải được xã hội nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để tăng NSLĐ. Không thể chần chừ và rơi mãi vào vòng luẩn quẩn này được nữa.
ÔNG BÙI SỸ LỢI, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI: Cần tăng lương để tăng năng suất. Trong tình hình năng suất lao động thấp như hiện nay thì Chính phủ cần ưu tiên chi cho tăng lương. Đây không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà của nhiều đại biểu. Tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho con người, không làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không có điều kiện tăng năng suất.
BÀ NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG, VIỆN TRƯỞNG KHOA HỌC LAO ĐỘNG VÀ XÃ HỘI, BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI: Có 4 nguyên nhân của thực trạng năng suất lao động thấp. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp của Việt Nam chưa đến 20% trong khi của Singapore là gần 80%. Thứ hai, công nghệ chủ yếu ở trình độ thấp, công nghệ cơ khí và sử dụng nhiều lao động. Lấy ví dụ cùng sản xuất một mặt hàng nhưng nhà máy của Trung Quốc sản xuất trên dây chuyền cơ giới hóa, tự động hóa thì chỉ cần ít lao động. Thứ ba, trình độ quản lý lao động của Việt Nam kém. Người ở vị trí quản lý không có đủ kỹ năng nhận biết người này giỏi hơn thì thu nhập cao hơn mà tất cả mọi người đều cào bằng ở mức thu nhập như nhau. Như vậy thì người lao động không có động lực làm việc. Nguyên nhân thứ tư là sự luân chuyển lao động rất cao. Có thời điểm một nhà máy một ngày phải tuyển tới 500 người, cứ tuyển vào, đào tạo rồi công nhân lại đi, lại tuyển mới vào. Như thế, năng suất lao động không thể cao được.
Giải bài toán năng suất lao động
Vệt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn lao động khoảng 54,87 triệu người, và hàng năm có khoảng trên 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Lẽ ra, đây sẽ là lợi thế của nước ta về năng suất lao động, nhưng trên thực tế việc “1 người Singapore làm việc bằng... 15 người Việt” theo cách tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là điều có thể hiểu được. Bởi lẽ, năng suất lao động của một quốc gia được ILO tính theo công thức: lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc.
Với cách tính này, không có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có GDP bình quân đầu người đều cao tới hơn chục lần so với Việt Nam.
Vậy chúng ta phải làm gì để cải thiện điều này? Có chuyên gia nói một cách đơn giản rằng để giảm chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực thì phải lấp đi khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người. Muốn vậy, phải tăng tốc độ tăng trưởng GDP. Nói như vậy không phải không có lý, nhưng để thực hiện lại là điều không đơn giản. Nhiều năm qua, tăng trưởng GDP vẫn là mục tiêu mà chúng ta đặt ra, nhưng do tác động của suy giảm kinh tế thế giới cũng như yếu kém nội tại mang tính cơ cấu, nên kinh tế Việt Nam đang xa dần với quỹ đạo “tăng trưởng cao” của giai đoạn trước năm 2008.
Để kinh tế phát triển bền vững, tạo đà cho tăng trưởng cao trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, thời gian qua Chính phủ đã tập trung triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế. Chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải để sắp xếp, phân bổ nguồn lực cho phát triển là con đường chúng ta buộc phải đi trong giai đoạn này.
Trở lại câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam thấp, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp. Vì thế, muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tập trung làm tốt chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi hoạt động sản xuất hướng vào những ngành có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Khi ngành nông nghiệp được hiện đại hóa, các ngành công nghiệp chủ đạo có hàm lượng công nghệ cao hơn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thì chắc chắn năng suất lao động sẽ tăng lên.
Đó là những giải pháp mang tính vĩ mô, còn giải pháp trực tiếp là phải đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu Việt Nam không muốn mãi là công xưởng thô sơ của thế giới thì lực lượng lao động cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nhận thức và kỹ năng hành vi. Theo báo cáo, mặc dù tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với nhiều nước khác (kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam) nhưng trong thực tế, nhiều công ty Việt Nam vẫn gặp trở ngại đáng kể do khó tìm được những lao động có kỹ năng phù hợp.Theo WB, một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam. Rõ ràng, nếu những đánh giá này là đúng thì việc tìm ra giải pháp thay đổi chắc chắn sẽ góp phần cải thiện được vấn đề năng suất lao động.
Bảo Minh