Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm: Hy vọng từ vaccine!

Thứ sáu, 09/07/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư...

Mức tăng 5,64% của GDP cùng những số liệu tích cực khác vừa công bố không thể khỏa lấp thực tế rằng kinh tế Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2021 đầy khó khăn do tác động của 2 đợt bùng phát Covid-19. Trong bối cảnh đó, hy vọng lớn nhất sẽ được đặt vào hơn 120 triệu liều vaccine mà Chính phủ và các đơn vị được phân công đã đạt thỏa thuận mua được cho đến lúc này, cũng như chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử dự kiến bắt đầu triển khai trong tháng 7. Việc sớm mở cửa nền kinh tế, đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể bứt phá trong giai đoạn tới.

Quyết liệt chống dịch, hồi phục kinh tế mạnh mẽ

Tại  cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chưa thay đổi mục tiêu phát triển đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Kịch bản 1, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6%. Trong đó, quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.

Báo Công luận

Kịch bản 2, trong trường hợp dịch cơ bản được khống chế trong tháng 6, không có  ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo NQ 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản này, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%. Về cơ bản, các chuyên gia đều đồng tình với các kịch bản này.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng bối cảnh 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra theo một kịch bản ít người nghĩ đến. Cuối năm 2020, mọi người hy vọng ở kịch bản Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch một cách tốt hơn. Tuy nhiên, Covid-19 đã có những biến thể mới nguy hiểm, đặc biệt là lại lan rộng ở khu vực châu Á, tác động mạnh đến Việt Nam ở 2 đợt sóng trong 6 tháng. Đợt thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay được đánh giá là đợt có tác động mạnh nhất.

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp trọng điểm.

Báo Công luận

Với bối cảnh như vậy, ai cũng nghĩ rằng sẽ tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng, thu nhập, việc làm, xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, với số liệu công bố, nền kinh tế vẫn đang ở trạng thái tăng trưởng khá. So sánh số liệu tăng trưởng so với cùng kỳ thời gian năm trước cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, tính chung GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%.

Trở lại bối cảnh của quý II năm 2020 là lúc Việt Nam đang bị tấn công bởi làn sóng Covid-19 với thời kỳ đất nước thực hiện giãn cách toàn xã hội nên tăng trưởng rất thấp, 6 tháng đầu 2020 chỉ tăng trưởng 1,8%.

Chính vì vậy, mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2021 là một mức tăng trưởng khá. Ngoài đo lường bằng tăng trưởng GDP, đi vào các chỉ tiêu thành phần sẽ thấy được toàn diện “sức khỏe” của nền kinh tế.

Chỉ số lạm phát cũng làm cho nhiều nhà phân tích bất ngờ và ngạc nhiên. Trong khi những nền kinh tế hàng đầu đang phải “đau đầu” giải bài toán lạm phát. Ví dụ như FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đang phải tính đến chuyện dừng mua trái phiếu Chính phủ, điều chỉnh tăng lãi suất vì hiện nay lạm phát ở Mỹ đang cao nhất trong rất nhiều năm. 

Đối với Việt Nam, chỉ số lạm phát đang là 1,47% của 6 tháng – thấp nhất trong 5-6 năm gần đây. GS.TS Trần Thọ Đạt khẳng định rằng cách tính lạm phát, CPI của chúng ta vẫn theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng Việt Nam là một nền kinh tế mở, xuất khẩu rất nhiều và nhập khẩu cũng rất lớn, có rất nhiều chuỗi giá trị về cung ứng hàng hóa của thế giới đang được thực thi ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cách thức điều hành để kiểm soát tốc độ tăng giá trong phạm vi hiện nay. Việt Nam chủ động được sự tăng giá trong lĩnh vực y tế, giáo dục… Có thể 6 tháng cuối năm lạm phát sẽ tăng lên nhưng vẫn ở trong tầm mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Thách thức hậu Covid và hy vọng từ vaccine

Cuối tháng 6/2021, Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế - xã hội nửa đầu năm với mức tăng trưởng GDP 6,61% cho quý II và 5,64% cho 6 tháng. Con số này gấp 3 lần cùng kỳ 2020 và nếu xét trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn giai đoạn 2012-2014 và xấp xỉ năm 2016. Không chỉ có GDP, nhiều chỉ báo quan trọng khác cũng cho ra kết quả tốt hơn kỳ vọng khi sản xuất công nghiệp tăng gần 8,4%, xuất khẩu tăng 28,4%, thu ngân sách đã đạt 57,7% dự toán và tổng mức bán lẻ dịch vụ hàng hóa, trong bối cảnh dịch bệnh, vẫn tăng gần 5% so với cùng kỳ…

Dù các số liệu nêu trên đều là so sánh tương đối với một nền thấp của 2020, khi Việt Nam bắt đầu cuộc chiến chống Covid-19 với 3 tuần cách ly xã hội vào tháng 4, đây vẫn là kết quả khá bất ngờ nếu so sánh với những diễn biến của đời sống kinh tế nửa đầu năm 2021, cũng như cảm nhận thực tế của người dân và doanh nghiệp.

Báo Công luận

Dù đưa ra số liệu tương đối tích cực về tình hình 6 tháng đầu năm nhưng đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhìn nhận việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đề ra năm nay là khó khăn. Nếu như tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp - khu vực đang là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - tăng 26,4%, thì đến tháng 5 và tháng 6 con số này đã lần lượt giảm xuống còn 11,4% và 8,1%.

Nếu so sánh 2 báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 và 2021 của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước đã tăng từ 2,26% lên 2,3%. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động vẫn giữ ở mức 2,58%, nhưng tính riêng ở khu vực thành thị thì đã tăng từ 1,67% lên 2,64%. Cần lưu ý là hầu hết các thống kê này mới được ghi nhận ở khu vực chính thức.

Một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tương đối khả quan là xuất khẩu, khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu phục hồi, có nơi ghi nhận kim ngạch tăng gần 50% so với cùng kỳ. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ giá dầu thô khi mặc dù sản lượng khai thác giảm 7,3% nhưng thu từ dầu thô vẫn đạt 18.500 tỷ đồng, bằng 79,8% dự toán cả năm.

Những yếu tố này giúp tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt khá trong bối cảnh dịch bệnh, ước đạt 57,7% dự toán năm. Tuy nhiên chi ngân sách cùng kỳ lại chủ yếu dành cho các nhu cầu thường xuyên, đặc biệt là các hoạt động chống dịch, khi đạt 48,3% dự toán, trong khi chi cho đầu tư phát triển mới đạt 133.900 tỷ đồng, bằng 28,1% dự toán.

Một động lực quan trọng khác là đầu tư công, trong bối cảnh hiện nay lại đang trở thành điểm nghẽn khi tính đến giữa tháng 6, giải ngân vốn ODA mới bằng 1,73% dự toán, trong đó có tới 37/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân là 0%. Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, tỷ lệ giải ngân như trên là rất thấp, thấp hơn năm 2020. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài mới đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Báo Công luận

Những yếu tố trên, cộng với việc tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp đặt ra thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn cuối năm cũng như xa hơn nữa, khi thế giới bước vào cuộc đua hậu đại dịch.

Trong bối cảnh đó, hy vọng lớn nhất sẽ được đặt vào hơn 120 triệu liều vaccine mà Chính phủ và các đơn vị được phân công đã đạt thỏa thuận mua được cho đến lúc này, cũng như chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử dự kiến bắt đầu triển khai trong tháng 7. Việc sớm mở cửa nền kinh tế, đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể bứt phá trong giai đoạn tới. Ngược lại, nền kinh tế rất có thể sẽ tụt lại so với những quốc gia láng giềng có khả năng chung sống với Covid-19, dù trước đó Việt Nam đã chiến thắng vang dội hơn họ ở “trận đầu”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với nguy cơ tiềm ẩn các “đốm” dịch xuất hiện bất cứ khi nào trong cộng đồng như hiện nay, cần xem vaccine chính là cơ hội hiệu quả để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn về năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế. Nếu tận dụng tối đa năng lực và điều kiện của hệ thống y tế hiện tại, mỗi người đủ 2 mũi tiêm và nếu không xảy ra bất kỳ sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng thì có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0,5% dân số một ngày, tức 500.000 liều/ngày.

Như vậy dự kiến đến hết năm 2021 sẽ thực hiện được miễn dịch cộng đồng. Con số dự kiến này là cao hơn rất nhiều so với tốc độ tiêm chủng trung bình trong thời gian qua. Để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng, cần sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn