(Congluan.vn) - Tại dự án Khách sạn Lam Kinh (Thanh Hoá) - Đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã vung tay đầu tư hơn 640 tỷ đồng và khách sạn này đã thua lỗ ngay từ khi xây dựng đến nay. Theo chính ông Nguyễn Văn Quang - Kế toán trưởng ở Công ty Cổ phần Khách sạn Lam Kinh lý giải thì đơn vị này “lỗ ngay từ khi thành lập”, “lỗ vì khoản vay quá lớn”. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một nguyên nhân khác dẫn đến sự thua lỗ khiến “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” là do sự tuỳ tiện trong công tác cán bộ, thậm chí để cán bộ chưa tốt nghiệp đại học làm lãnh đạo một doanh nghiệp lớn có trị giá tài sản hàng nghìn tỷ đồng…
Khách sạn Lam Kinh
Lỗ từ khi…ra đời
Dự án Khách sạn Lam Kinh được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đầu tư lớn, là khách sạn 4 sao đầu tiên ở Thanh Hoá, thực hiện định hướng phát triển hoạt động của PVN tại tỉnh Thanh Hoá, là phụ trợ cho các dự án trọng điểm mà điển hình là Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn. Với vị trí đắc địa cùng hạ tầng hiện đại, khách sạn này thực sự là niềm mơ ước của giới kinh doanh du lịch, song sau 4 năm hoạt động, khách sạn Lam Kinh luôn rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên với số tiền thua lỗ gần 100 tỷ đồng. Làm việc với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Văn Quang, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh thừa nhận, việc thua lỗ của Khách sạn Lam Kinh là có thật và “ai cũng nhìn thấy”. Tổng mức đầu tư khách sạn, chưa quyết toán theo ông Quang là 640 tỷ đồng mà vốn điều lệ của Khách sạn Lam Kinh chỉ có 190 tỷ đồng. “Như vậy, khách sạn Lam Kinh đang đi vay 450 tỷ đồng. Riêng lỗ là do trả lãi vay và khấu hao khách sạn. Lỗ từ ngày thành lập khách sạn cho tới giờ” ông Quang cho biết.
Sử dụng cán bộ kiểu “khác người” chưa từng có!
Một trong những nguyên nhân gây thua lỗ chính là do sự yếu kém của công tác cán bộ. Theo phản ánh của bạn đọc, trong bối cảnh thua lỗ nặng nề như vậy nhưng đơn vị chủ quản rất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo toàn nguồn vốn hơn 600 tỷ đồng của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo khách sạn này năng lực yếu, trách nhiệm quản lý lỏng lẻo, đa số là con em, người nhà của lãnh đạo. Trong đó, ông Lê Quốc Khánh chưa tốt nghiệp đại học cũng được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc. Khách sạn thua lỗ nhưng ông Vũ Thành Du, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó giám đốc lại rất ít khi có mặt ở Công ty để điều hành, quản lý; việc sử dụng xăng xe, tiếp khách tuỳ tiện, gây lãng phí hàng trăm triệu đồng. Thông tin cũng phản ánh ông Vũ Thành Du, Phó giám đốc Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh từng bị kỷ luật giáng chức sau 2 năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị xuống làm Phó giám đốc công ty từ tháng 8-2014. Song điều khiến cán bộ, công nhân viên băn khoăn, thắc mắc là việc kỷ luật này không được công bố, công khai rõ ràng...Thế mà, ông Du vẫn được đưa vào diện quy hoạch làm Chủ tịch HĐQT Công ty.
Vậy mà, khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Khánh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh khẳng định chưa bao giờ có sai phạm gì. Về việc ban lãnh đạo thường xuyên vắng mặt, ông Khánh giải thích “cũng khó xác định” vì ở công ty, từ cấp phó giám đốc trở lên chỉ đánh giá chất lượng công việc chung, không chấm công hằng ngày. Về thông tin ông Khánh chưa có bằng đại học vẫn được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, ông Khánh thừa nhận khi trao đổi với báo chí là mình chưa tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, ông Khánh tỏ ra tự tin: “Chưa có bằng thì hiện nay tôi đang đi học thêm. Không có bằng đại học cũng không sao vì vừa học vừa làm”. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng công tác cán bộ, tuyển dụng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Có hay không dấu hiệu tiêu cực, nạn “con ông cháu cha” khi mà một tập đoàn kinh tế hàng đầu, ở một công ty quản lý, sử dụng tài sản hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước lại dễ dãi trao cho những người không có chuyên môn, mới tốt nghiệp phổ thông làm Phó giám đốc?
Còn với ông Vũ Thành Du, Phó giám đốc Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh dù thừa nhận khách sạn thực sự khó khăn, vốn đầu tư rất nhiều và đang thực hiện các “cải tổ nho nhỏ” để giúp khách sạn vượt qua khó khăn. Song ông Du vẫn cho rằng việc sử dụng xăng xe, tiếp khách là bình thường, không có gì sai phạm.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp chứng từ chứng minh việc sử dụng xăng xe, điện thoại đúng quy định thì lãnh đạo Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh từ chối.
Luân chuyển cán bộ kiểu…giáng chức(?!)
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tỏ ra “hồn nhiên” trước những dấu hiệu sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ. Việc ông Vũ Thành Du Phó giám đốc Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh từng bị kỷ luật giáng chức sau 2 năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị xuống làm Phó giám đốc công ty được ông Đồng giải thích là “không có kỷ luật gì” mà chỉ là chủ trương “luân chuyển cán bộ của Tập đoàn”. Nếu đúng đây là chủ trương như ông Đồng nói thì quả là một “sáng kiến”, một kiểu luân chuyển cán bộ chưa từng có, chỉ có ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi mà luân chuyển cán bộ theo kiểu “giáng chức” tới 2-3 cấp(?!).
Được biết, PVC hiện nay là một trong những đơn vị thua lỗ nặng nề của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam do đầu tư dàn trải và yếu kém trong quản lý. Kết quả 6 tháng đầu năm 2014, PVC tiếp tục lỗ khoảng 300- 400 tỷ. HĐQT PVC hiện nay đã đưa ra 2 kịch bản tồn tại. Hoặc là năm 2014 tiếp tục lỗ 1.000 tỷ, khiến cho PVC hết vốn chủ sở hữu. Hoặc là, nhờ tập đoàn tái cơ cấu lại các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau. Như thế, PVN chịu giảm lãi và lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 của PVC khoảng 3.600 tỷ. Dẫn đến cảnh nợ nần như hôm nay là do PVC bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị sai quy định, hoạt động kinh doanh của các đơn vị được bảo lãnh không hiệu quả, không có khả năng trả nợ dẫn đến Tổng công ty phải trả nợ thay và trích lập dự phòng vào chi phí của Tổng công ty mẹ. Trong đó Công ty CP Khách sạn Lam Kinh là một ví dụ điển hình cùng với công ty PVC SG, Công ty CP Đầu tư xây lắp DK IMICO, Công ty CP thiết bị nội ngoại thất DK (PVC METAL)…
Trong một lần làm việc với PVC gần đây, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn đã đặt câu hỏi: “Có “cứu” được PVC hay không? Và phương án “cứu” như thế nào?”. Ông Nguyễn Xuân Sơn còn nhấn mạnh: “Chúng ta không né tránh, bao che những khuyết điểm thiếu sót. Kiên quyết xử lý những sai phạm, phải xử lý quyết liệt để đảm bảo tính nghiêm minh của công việc”. Thiết nghĩ, với tinh thần trên, PVN cần nhìn thẳng vào sự thật, xử lý nghiêm những yếu kém trong công tác cán bộ tại Công ty Cổ phần Khách sạn Lam Kinh, nhất là những cán bộ coi trời bằng vung, thiếu trách nhiệm với tài sản của Nhà nước
Ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 49/TB-VPCP về Ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có nội dung: Yêu cầu Tập đoàn Dầu khí kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn của Tập đoàn của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.