(NB&CL) Năm 2007, bà Nguyễn Thị Sảnh qua đời để lại cho người thừa kế duy nhất là bà Nguyễn Thị Linh, 250 Điện Biên Phủ, ấp Ninh Tân, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh một phần đất diện tích 565,7m2. Năm 2009, UBND thị xã Tây Ninh chuyển đổi tên chủ sở hữu quyền sử dụng GCN QSDĐ cho bà Linh. Bất ngờ, ông Phạm Thành Kinh và bà Nguyễn Thị Sương khởi kiện tại tòa về việc Bà Linh không chịu giao một phần đất mà ông Kinh, bà Sương đã mua của bà Sảnh vào năm 1985, khi bà Sảnh còn sống!
Vì sao lại xảy ra tình trạng kiện thưa này? Trước đó vào những năm 90, khi còn sống, bà Sảnh đồng ý cho ông Kinh dựng lều phần mặt tiền đất của mình để mua bán kiếm sống qua ngày. Một thời gian sau, ông Kinh tự ý dỡ bỏ lều, dựng nhà. Do không ảnh hưởng gì đến diện tích đất của bà Sảnh vì toàn bộ căn nhà của ông Kinh cũng như những căn nhà, lều quán của các hộ khác tồn tại tạm thời vì nó hoàn toàn nằm trong lộ giới quy hoạch mở rộng đường Điện Biên Phủ. Do vậy, khi triển khai QĐ 1021 ngày 27/5/2009 về việc nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ, Nhà nước chỉ hỗ trợ di dời nhà cho những trường hợp này, trong đó căn nhà của ông Kinh, bà Sương cũng bị phá dỡ hoàn toàn, đến nay không còn dính dáng đến địa chỉ của bà Linh. Việc ông Kinh, bà Sương khởi kiện bà Linh là việc làm hiếm thấy.
Sau khi “chuẩn bị” xong hồ sơ, tháng 7/2011, ông Kinh nộp đơn khởi kiện tại TAND thị xã Tây Ninh tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất, yêu cầu tòa buộc bà Linh giao một phần đất thừa kế cho ông Kinh với lý do trước đây vào năm 1985, bà Sảnh đã ký giấy tay bán diện tích đất này cho ông Kinh, bà Sương.
Mặc dù chứng cứ là giấy mua bán đất có nội dung rất mơ hồ, nhưng TAND thị xã Tây Ninh vẫn thụ lý và đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình điều tra, xét xử ở cấp sơ thẩm, TAND thị xã Tây Ninh đã quá dễ dãi trong việc chấp thuận đơn khởi kiện của ông Kinh, coi giấy tay mua bán đất là một bằng chứng cho việc chuyển nhượng thửa đất.
Nhận thấy Giấy mua bán “lắp ráp” gồm nhiều nét chữ, nội dung không rõ ràng. Nghi ngờ tính xác thực của nó, bà Linh cho rằng bà Sảnh không biết chữ thì không thể ký tên, riêng phần bà, bà không công nhận có ký vào giấy mua bán. Trước tòa, bà Linh chưa kịp yêu cầu tòa được giám định lại GMB nhưng ông Kinh và Sương nằng nặc xin được giám định chữ ký!
Vào năm 1995, bà Sảnh lập hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ và năm 2009, bà Linh lập hồ sơ kê khai tài sản thừa kế, chuyển tên chủ sử dụng đất. Nếu thực sự ông Kinh bà Sương có mua một phần đất trong tổng diện tích đất bà Linh thừa kế… thì vì sao ông Kinh và bà Sương không có ý kiến gì?
Mặc dù trong nhiều đơn từ, hồ sơ chứng cứ cung cấp cho cơ quan tố tụng, cũng như tại phiên tòa hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bà Linh đã trình bày và đưa ra nhiều chứng cứ rất rõ ràng nhưng Hội đồng xét xử bỏ qua. Họ chỉ quan tâm đến “đòi hỏi” của ông Kinh, bà Sương. Một tờ giấy mua bán được lập ra có nội dung lơ mơ, không có sơ đồ nhưng được phiên tòa lấy làm căn cứ để tuyên giao dịch mua bán hợp pháp. Một điều rất khôi hài là sau khi bà Linh có đơn gửi đến TAND TC yêu cầu xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Mặc dù ông Kinh đã dỡ nhà giao mặt bằng từ lâu nhưng để dễ bề bác đơn của bà Linh, bao che cho tòa 2 cấp, trong Thông báo số 39 ngày 10/10/2013, ông Lương Ngọc Trâm, Phó Chánh án TAND TC Tòa dân sự tại TP. Hồ Chí Minh có đoạn khẳng định: “Ông Phạm Đình Kinh đã sử dụng và cất nhà ở ổn định trên đất hơn 20 năm nay”!
Bản án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất” đã giúp cho ông Kinh, bà Sương có GCN QSDĐ cầm tay nhưng chưa đủ “sức ép” buộc bà Linh giao đất cho ông Kinh. Nay thêm một “hình thức” phiên tòa mới được dựng lên theo đơn khởi kiện của ông Kinh, bà Sương với cái tên gọi “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Bà Linh thêm một lần nữa phải hầu tòa. Xét xử vụ án lần này TAND các cấp liệu có nghiêm túc hay mượn danh công lý phán xét theo kiểu “thầy bói xem voi” như vị Phó Chánh tòa TAND TC đã đề cập trên? Chúng tôi tiếp tục theo dõi vụ án và thông tin cùng bạn đọc.
Phùng Hiệu - Mỹ Ánh